Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Triền miên nạn kẹt xe trước cổng trường

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh ùn tắc giao thông trước cổng Trường Trương Văn Ngưu thông qua những tuyến đường có các trường học vào giờ tan tầm thế nào chúng ta cũng bị mắc kẹt ngay giữa một rừng phụ huynh và học sinh. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết nạn kẹt xe trong thành phố nói chung và trước các cổng trường học nói riêng nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nạn ùn tắc trước cổng trường vẫn diễn ra mỗi ngày, khiến người tham gia giao thông chỉ còn cách là “sống chung với kẹt xe”…

Tan học là… kẹt xe

Cứ vào giờ đến trường và tan trường, trùng với giờ cao điểm, cảnh kẹt xe nối dài thường xuyên diễn ra trước các cổng Trường Tiểu học (TH) Lê Ngọc Hân (đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1), trung tâm Anh ngữ ILA (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (đường Lý Tự Trọng, quận 1),… Không chỉ ở những tuyến đường được xem là trọng điểm của thành phố mới thường xuyên bị kẹt xe mà cả trên những tuyến đường có lưu lượng xe ít như đường một chiều Lý Tự Trọng thì nay cũng hay bị kẹt do việc đón con của các phụ huynh trước cổng các trường học. Trước giờ tan học khoảng chừng nửa tiếng là đông đảo phụ huynh đã tụ tập trước cổng các trường để đón các em học sinh. Họ đứng dàn thành hàng ba, hàng năm lộn xộn ngay trước cổng trường, đứng tràn ra cả lòng đường cản hết lối đi, gây ách tắc. Bác Nguyễn Ngọc Hùng, nhà ở gần Trường TH Phan Văn Trị (đường Phạm Viết Chánh, quận 1) nói: “Ở đây, ngày nào cũng như ngày nấy, hễ tới giờ học sinh tan học là xe cộ bị ùn tắc, phải nhích từng chút một. Sân trường nhỏ, không đủ chỗ cho phụ huynh đậu xe đưa đón con em nên đành phải đậu tràn xuống đường, vỉa hè lại bị chiếm dụng làm nơi sửa xe, như vậy mà không gây ra kẹt xe thì mới là lạ”. Ở một điểm khác cũng bị kẹt không kém đó là đường Trần Quốc Toản (quận 3) vì trên tuyến đường này có hai trường học nằm gần nhau là Trường TH Nguyễn Thái Sơn và THPT Nguyễn Thị Diệu. Đường Trần Quốc Toản vốn đã hẹp, vỉa hè lại bị lấn chiếm làm nơi buôn bán nên phụ huynh phải dừng xe ở giữa lòng đường chờ đón con em mình. Hai ngôi trường này lại nằm gần một điểm nóng kẹt xe của TP là khu vực chợ Tân Định cho nên cứ đến tầm 5 giờ chiều lại bị ùn tắc. Giao lộ Phan Đăng Lưu – Nơ Trang Long cũng thường xuyên chịu cảnh này, bởi đây cũng là giờ tan trường của hàng nghìn học sinh của các trường TH và THCS Hà Huy Tập, Bế Văn Đàn, Hoàng Hoa Thám.

Có thể nói tình trạng kẹt xe vào giờ tan trường xảy ra ở hầu hết các trường trong thành phố. Nhiều trường cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng để đưa ra nhiều giải pháp, song “cố gắng” được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Người tham gia giao thông vẫn cứ phải khổ sở với nạn kẹt xe mỗi ngày.

Bao giờ mới hết ùn tắc?…

Ngoại trừ một số trường như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường TH Nguyễn Thái Sơn (quận 3) có những biện pháp khá hiệu quả để làm thông thoáng trước cổng trường, hạn chế kẹt xe như việc mở thêm cổng phụ, cho phụ huynh vào tận sân trường đón các em theo từng khu vực, hay thực hiện tan trường lệch giờ cho từng khối lớp. Còn lại hầu hết các trường đều vướng phải nạn ùn tắc vào giờ tan học. Đến trước các cổng trường học tìm hiểu mới biết được hết các nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc như trên. Quá nhiều người bán hàng rong tụ tập trước cổng trường, vừa nhếch nhác vừa chiếm hết phần đường dành cho phụ huynh đậu xe chờ đón con em. Vì vậy buộc phụ huynh phải đậu xe ngổn ngang, tràn cả xuống lòng đường. Thêm vào đó, tâm lý phụ huynh ai cũng muốn đón con nhanh nên cứ chen lấn đậu xe vô tội vạ, chen chúc trước cổng trường. Bảo vệ của một trường THCS phàn nàn: Chiều nào tới giờ tan học lực lượng bảo vệ chúng tôi cũng phải ra trước cổng trường nhắc nhở phụ huynh đậu xe ngay ngắn, nhưng có nhiều người, vừa mới nói xong lại thấy đậu xe ra cả ngoài đường, mà đâu phải một, hai người, có tới cả mấy trăm người như thế sức đâu mà nhắc cho hết. Nhà trường đưa ra cách là kiểm tra xem phụ huynh của em nào rồi ghi lại để nhà trường nhắc nhở, phê bình…”

Nhiều trường cũng có vận động cả các bạn học sinh tình nguyện giăng dây thừng qua đường để tạo lối đi an toàn cho học sinh, thế nhưng cách làm này cũng gây ùn tắc và có thể nguy hiểm đến chính tính mạng của các bạn tình nguyện viên. Với một số trường có thực hiện tổ chức cho xe đưa đón học sinh từ sân trường về tận nhà theo từng khu vực cụ thể, nhưng biện pháp này vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì theo chị Mai Thị Loan, một phụ huynh học sinh thì: “Đi xe đưa đón của nhà trường cũng bất tiện lắm. Vì sau giờ học con bé nhà tôi còn phải đi học thêm đàn, nhạc nữa nên tôi phải đón bé, chở bé đi ăn rồi đưa bé qua các điểm ấy, chứ xe đưa rước của trường làm sao đáp ứng được”. Còn chị Hoa, giáo viên của Trường Tiểu học Quốc tế thì nói: “Nhà trường cũng có xe đưa rước học sinh, nhưng sân trường thì nhỏ nên chỉ cần vài ba chiếc đậu trước cổng trường, cộng với mấy chiếc xe cá nhân của phụ huynh cũng đủ chật chội, gây nên ùn tắc”.

Như Sương

Bình luận (0)