Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Triển vọng kiều hối năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2011 được dự báo sẽ cao hơn năm 2010 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Với gần 4 triệu Việt kiều sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất thế giới. Kiều hối đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Đồng thời, kiều hối giúp Việt Nam hạn chế rủi ro huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Vì vậy, việc khơi thông dòng kiều hối có một ý nghĩa quan trọng trong chính sách tiền tệ và dịch vụ ngân hàng hiện nay.


Lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam trong năm 2010 tăng 25,6% so với năm 2009.

Vượt kỳ vọng

So với sự sụt giảm của năm 2009, doanh số kiều hối năm 2010 đã vượt kỳ vọng của các công ty chuyên chi trả. Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á, cho biết, kết thúc năm 2010, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty đạt hơn 1,2 tỉ USD, cao hơn 200 triệu USD so với kế hoạch đặt ra cho cả năm và tăng 20% so với năm 2009.

Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR) cũng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2010, doanh số chi trả kiều hối của Công ty đã đạt gần sát với chỉ tiêu cả năm. Theo kế hoạch, Sacombank-SBR dự kiến đạt doanh số 1 tỉ USD trong năm 2010 so với mức thực hiện của năm 2009 là 900 triệu USD. Tương tự, tại Vietcombank, kiều hối chuyển về qua Ngân hàng đến cuối tháng 11/2010 ước đạt 1,1 tỉ USD, dự kiến vượt 1,2 tỉ USD vào cuối năm.
Theo thống kê của Vụ Quản lý Ngoại hối, thuộc Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam trong tháng 12/2010 ước đạt khoảng 770 triệu USD, nâng lượng kiều hối cả năm lên mức trên 8 tỉ USD, tăng 25,6% so với 2009. Lượng kiều hối được dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong tháng trước khi Tết Nguyên đán diễn ra.
Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á cho biết, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2010 chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống Mỹ, Canada và một số thị trường có nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Sở dĩ lượng kiều hối tăng mạnh trong năm 2010, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, là do kinh tế thế giới đã bước đầu hồi phục, nên lượng kiều hối chuyển về cũng nhiều hơn.
Ngoài ra, lãi suất huy động bằng ngoại tệ được áp dụng tại các ngân hàng Việt Nam (5,4%/năm) cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất cơ bản USD của Mỹ (0,25%), nên không loại trừ việc kiều bào chuyển tiền về gửi tiết kiệm thông qua người thân trong nước. Một yếu tố quan trọng khác chính là sự phát triển mạnh về mạng lưới và nâng cao chất lượng phục vụ của các ngân hàng, tổ chức kinh tế, qua đó làm cho dịch vụ chi trả kiều hối tốt hơn.
Ông Minh cho biết, từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 8/2010, kiều hối chuyển về Việt Nam được bán cho các ngân hàng khá nhiều do tỉ giá lúc đó ổn định. Sang tháng 9/2010, vì tỉ giá trên thị trường tự do cao hơn tỉ giá niêm yết, nên các ngân hàng cũng khó giữ kiều hối ở lại.
Hiện nay, người dân có xu hướng cất giữ hoặc gửi tiết kiệm nguồn kiều hối chuyển về, chứ không vội bán do kỳ vọng tỉ giá sẽ còn tăng. Có thể thấy, tỉ giá trên thị trường tự do vẫn cao hơn tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng khoảng 1.500 VND/USD. Ông Minh cho biết, tính đến cuối tháng 11/2010, tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã ngang bằng với dư nợ tín dụng ngoại tệ (khoảng 190.000 tỉ đồng, cao hơn 60.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2009).
Một điều chắc chắn rằng, việc nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối dồi dào hơn trong dịp cuối năm sẽ giúp kéo tỉ giá trên thị trường tự do gần với tỉ giá niêm yết. Điều này sẽ góp phần bình ổn thị trường ngoại hối.

Khơi thông dòng chảy kiều hối

Lượng kiều hối về Việt Nam thường tăng mạnh trong những tháng trước dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, đây được xem là giai đoạn để các ngân hàng khơi thông dòng chảy của kiều hối.

Chẳng hạn, Sacombank-SBR đã tung ra dịch vụ chi trả kiều hối tại nhà hoặc tại địa điểm mà người nhận kiều hối chỉ định. Khách hàng có thể nhận tiền bằng chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác. Đồng thời, với dịch vụ nhận tiền tận nhà tại 64 tỉnh, thành trên toàn quốc, khách hàng nhận tiền chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ đối với những ai cư ngụ tại trung tâm các tỉnh, thành thuộc hệ thống kiều hối Sacombank-SBR, trong vòng 8 giờ đối với các khách hàng cư ngụ tại các địa bàn ngoại thành và 24 giờ đối với khách hàng ở vùng sâu vùng xa.
Kể từ tháng 12/2010, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng triển khai chương trình khuyến mãi kiều hối “Nhận tiền ngay – Quà liền tay” dành cho khách hàng cá nhân nhận kiều hối qua kênh chuyển tiền Western Union tại các điểm giao dịch trên toàn hệ thống của OCB. Theo đó, tất cả khách hàng sau khi giao dịch nhận kiều hối thành công sẽ được OCB tặng ngay 10 bao lì xì và tùy theo số tiền giao dịch.
Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á cũng đang triển khai hình thức chi trả tận nhà cho các khách hàng. Ông Nam cho biết, Công ty đã đặt mục tiêu doanh số chi trả kiều hối năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm 2010.
Dự báo về lượng kiều hối chuyển về trong năm 2011, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, lượng kiều hối chắc chắn sẽ tốt hơn so với năm 2010, nếu kinh tế thế giới phục hồi như kỳ vọng. Theo ông, trong những năm qua, mặc dù các thị trường rơi vào khủng hoảng, kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng đến đời sống của kiều bào, nhưng Việt Nam vẫn thu được lượng kiều hối ở mức bình quân 6-7 tỉ USD mỗi năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là năm 2010.
Hiện tại, kinh tế thế giới tuy còn một số khó khăn nhất định, nhưng đã phần nào được cải thiện so với 2 năm trước. Điều này sẽ tác động tích cực đến đời sống của kiều bào ở nước ngoài. Do đó, kiều hối chuyển về cho người thân sẽ tăng trong dịp Tết Nguyên đán và cả năm 2011.
Nguồn NCĐT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)