Đưa ra nhiều kịch bản dự báo khác nhau cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012, song các mô hình tính toán của UB Giám sát tài chính Quốc gia tin rằng, có nhiều cơ sở khả thi đưa đến dự báo tăng trưởng GDP đạt con số 5,6-5,9% đến cuối năm nay.
Nhiều cơ sở khả thi
Thực tế, đây chỉ là kịch bản tăng trưởng trung bình nằm giữa kịch bản tốt và kịch bản xấu được UB Giám sát tài chính Quốc gia (UB GSTCQG) đưa ra trong đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012. Ở kịch bản này, UB GSTCQG cho rằng, do tác động của nền kinh tế thế giới (sản lượng giảm khoảng 1% và thương mại giảm khoảng 3-4% so với 2011), tốc độ tăng trưởng XNK của VN năm nay dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8% với tỉ lệ nhập siêu/XK theo đó dự báo từ 7-8%. Lượng FDI vào được dự báo sẽ thấp hơn một chút so với kịch bản tốt, song vẫn chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Với tổng vốn đầu tư, tốc độ tăng thương mại như trên và với cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,5-37% và khu vực kinh tế dân doanh chiếm 40,5-41% tổng đầu tư toàn xã hội, mô hình tính toán của Uỷ ban GSTCQG đưa đến nhận định, tăng trưởng GDP của VN năm nay có thể đạt con số 5,6-5,9%.
Kịch bản này, theo UB GSTCQG, có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất. Mức tăng trưởng 5,6-5,9% cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của VN. Khi đưa ra các điều kiện cho kịch bản này xảy ra, Phó Chủ tịch UB – TS Lê Xuân Nghĩa bổ sung thêm yếu tố tăng trưởng tín dụng cần ở mức 15-17%. So với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra cho cả năm 2012, con số tăng trưởng tín dụng nói trên là khá phù hợp.
Trong khi đó, để tăng trưởng GDP năm nay đạt được con số 6-6,3%, vị phó chủ tịch UB cho rằng, một trong các điều kiện quan trọng là tăng trưởng tín dụng cần phải đạt trên 25%. Con số này không phù hợp với các biện pháp kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng của NHNN thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng NH từ mức cao nhất chỉ là 17% xuống mức thấp nhất 0%. Thêm vào đó, cũng cần có thêm điều kiện kinh tế thế giới phải tăng trưởng ở mức khá cao 3,2-4% cho kịch bản tăng trưởng 6-6,3%. Mức tăng trên 3% là vô cùng khó khăn trong bối cảnh các dự báo kinh tế thế giới khá u ám với con số tăng trưởng toàn cầu theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới chỉ là 2,5%.
Ảnh: KỲ ANH
Nền tảng thanh khoản
Song với kịch bản nào, UB GSTCQG cho rằng, nhân tố quan trọng hàng đầu giúp cho kinh tế VN thoát khỏi khó khăn trong năm 2012 là giảm lãi suất phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mặt bằng lãi suất năm 2012 theo đó cần giảm từ 4-5 điểm % so với hiện nay. Và để đạt được mục đích này, trước mắt cần tập trung giải quyết bài toán thanh khoản.
Trước những lo ngại về sức ép lên lạm phát, UB GSTCQG trấn an, việc tăng thanh khoản cho hệ thống một cách hợp lý, chủ yếu tập trung cho việc điều hòa, giải quyết những khó khăn về vốn khả dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho đầu tư và tiêu dùng (những nhân tố gây ra lạm phát) trong phạm vi mục tiêu sẽ không gây hiệu ứng lạm phát. Nhưng để góp phần cải thiện thanh khoản, cũng cần có thêm những chính sách thích hợp để điều tiết thị trường liên ngân hàng, đưa thị trường này hoạt động trở lại theo chiều hướng tốt lên, khôi phục lại lòng tin của các TCTD và khai thông nguồn vốn trên thị trường này, từ đó đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển vốn trong hệ thống NH.
Thanh khoản của hệ thống NH được cải thiện sẽ là nền tảng quan trọng giúp giảm mặt bằng lãi suất thị trường và qua đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất. TS Lê Xuân Nghĩa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhất và cần thực hiện ngay trong quý I này.
Ông cho rằng, có thể ổn định thanh khoản của hệ thống NH thông qua các công cụ như tái cấp vốn trực tiếp từ NHNN, tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi nhằm tạo nguồn cho NHNN điều hòa vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu vốn. Bên cạnh đó, có thể mở rộng cơ chế cho phép các ngân hàng kinh doanh vàng tài khoản để sử dụng nguồn vốn từ vàng bổ sung cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng. “Khi có điều kiện thích hợp như tâm lý lạm phát giảm mạnh và lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, có thể bỏ trần lãi suất huy động, giảm lãi suất tín dụng và biện pháp dự kiến có thể thực hiện từ đầu quý II.2012” – TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra giải pháp.
Văn Nguyễn
Theo Lao Động
Bình luận (0)