Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Triển vọng thị trường tiền tệ cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Qua quan sát những động thái mới về quan điểm và cơ chế điều hành trong chính sách tiền tệ thời gian gần đây, có thể dự đoán triển vọng thị trường tiền tệ cuối năm.

Về cơ bản và tổng thể, sự chuyển hướng chính sách sang nâng lãi suất cơ bản và lãi suất huy động tín dụng ngân hàng, cũng như các lãi suất có liên quan khác là đúng đắn, dù hơi chậm, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát đang có xu hướng gia tăng vào những tháng cuối năm (CPI trong 2 tháng 9 và 10/2010 đều tăng trên 1%, tức gấp hơn 3 lần mức trung bình của 5 tháng liền trước đó), trong khi tốc độ tăng GDP cả năm đã đạt chỉ tiêu đề ra.
Băn khoăn và tranh cãi

Sự cạnh tranh và sự đồng thuận lãi suất đều có tác động tích cực và tiêu cực đến sự ổn định thị trường tín dụng ngân hàng

Đồng thời, điều này cũng để giảm thiểu ngay tình trạng rút VND để mua USD hay vàng, như diễn ra trong thời gian gần đây, dễ gây khó khăn cho thanh khoản của ngân hàng và xáo trộn kế hoạch kinh doanh, sự ổn định chung của toàn hệ thống.

Dù nhất trí với chủ trương dừng hạ lãi suất huy động để chuyển sang hướng ngược lại là nâng lãi suất huy động, nhưng dường như chưa có sự thống nhất quan điểm về đồng thuận trần lãi suất huy động mới, hay để cho canh trạnh tự do về lãi suất huy động theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia phát đi tín hiệu cho phép các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay theo cơ chế thị trường, còn NHNN lại bật đèn xanh cho “đồng thuận” lãi suất theo mặt bằng mới, cao hơn mức hiện hành…
Hơn nữa, dường như có sự tế nhị “tránh mặt” của các cơ quan quản lý nhà nước đủ thẩm quyền trong công bố các quyết sách quan trọng mới này. Bởi lẽ, việc phát ngôn chính thức về chính sách chuyển sang thả nổi lãi suất huy động và sẽ neo tỷ giá là do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – một đơn vị có chức năng tư vấn thuần túy – đảm nhận.
Còn tuyên bố về đồng thuận mặt bằng lãi suất mới thay vì cạnh tranh lãi suất huy động theo nguyên tắc thị trường thì lại do Hiệp hội ngân hàng nêu ra và NHNN thì coi : “Đó là quyết định của các thành viên Hiệp hội ngân hàng và cơ quan quản lý không can thiệp” như lời một quan chức NHNN khẳng định.
Trên thực tế, NHNN chỉ đảm nhận việc chính thức công bố nâng lãi suất cơ bản từ mức 8% (đã giữ suốt 11 tháng qua) lên 9%…
Tính hai mặt của chính sách
Cần tăng cường chú ý đến tính hai mặt của các chính sách mới triển khai trong thời gian tới, không nên quá cứng nhắc để tránh tác động mặt trái hay những lạm dụng tiêu cực có thể trong khi thi hành chúng trên thực tế, chẳng hạn:
Về lãi suất, cả sự cạnh tranh và sự đồng thuận lãi suất đều có tác động tích cực và tiêu cực đến sự ổn định thị trường tín dụng ngân hàng, nhưng dường như sự đồng thuận lãi suất đầu vào (dù có nâng lên) là không tương thích đồng bộ với trạng thái tự do hóa lãi suất đầu ra đã có hiệu lực thực tế, cũng như với nguyên tắc cạnh tranh thị trường và có thể “gây kẹt” cho các ngân hàng nhỏ nhiều hơn các ngân hàng lớn.
Với các khoản tiền lớn, hầu hết các DN đều chào ngân hàng để gửi tiền với mức từ 13% trở lên. Như vậy, có thể thấy, mức huy động “đồng thuận” mới 12% có thể chỉ tạo ra một đường thẳng lãi suất ở mức cao hơn, chứ chưa giải quyết căn bản vấn đề lãi suất huy động theo nguyên tắc thị trường.
Hay nói như một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhỏ thì nhiều ngân hàng nhỏ có thể lại phải tìm cách huy động theo cách riêng để giữ được vốn và gia tăng huy động vốn trên thị trường.
Sự điều chỉnh mềm biên độ tỷ giá trong quá trình neo tỷ giá chính thức là một lựa chọn cần thiết. Điều này giúp cho các ngân hàng cũng như DN có thêm sân chơi rộng hơn và cơ hội linh hoạt trong tìm tiếng nói chung và thành công hơn trong các giao dịch thị trường.
Đồng thời giảm thiểu các khan hiếm giả tạo hay biến dạng tỷ giá; tập trung được các hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường có tổ chức và theo tỷ giá chính thức. Bên cạnh đó, giảm bớt các hoạt động đầu cơ và thu lợi bất chính ăn theo chênh lệch tỷ giá; cũng như tiết kiệm được các dự trữ quốc gia.
Hơn nữa, tạo biên độ mềm cho tỷ giá còn có tác dụng tích cực chủ động đối phó hiệu quả hơn và bớt trả giá đắt đỏ hơn với cuộc chiến giảm giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới hiện nay.
Thực tế cho thấy, không chỉ trạng thái cung – cầu và giá vàng thế giới, mà ngay cả tỷ giá trên thị trường tự do cũng có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động mua bán vàng của người dân. Mỗi khi giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, lực mua vàng cũng tăng theo.
Hai yếu tố này mà kết hợp đẩy giá vàng tăng càng nhanh, và đến lượt mình, lại càng làm tăng vòng xoáy mua vào cả vàng và ngoại tệ… Ngoài ra, nguồn cung vàng bị co hẹp sau Thông tư 22 của NHNN đang khiến giá vàng trong nước hết sức nhạy cảm với tương quan lực mua-bán vàng trên thị trường.
Do đó cũng có nghĩa làm tăng độ nhạy cảm của tỷ giá trên thị trường tự do. Việc biên độ tỷ giá hẹp và cố định lâu cũng có nghĩa là làm tăng nguy cơ tăng tỷ giá trên thị trường tự do so với tỷ giá chính thức, kéo theo các hệ lụy trên.
Tương quan vàng – ngoại tệ – lãi suất và lạm phát
Trong tương lai trung hạn, sự giảm bớt nhanh chóng giá vàng trên thị trường thế giới, và do đó cả trên thị trường VN, tùy thuộc rất lớn vào kết quả cuộc chiến chống phá giá tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hiện nay (dù đã có sự đồng thuận về nguyên tắc xử lý trong khối G20 và ở trong các định chế quốc tế khác),
Việc giảm giá vàng cũng tùy thuộc mạnh vào trạng thái mua vào vàng của Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng trung ương của Mỹ, Đức, Pháp và Italia và các quỹ đầu tư vàng lớn trên thế giới, nhất là các quỹ ETF (exchange-traded fund). 
VN có một thị trường tự do vàng và USD rất lớn (các chuyên gia và các Cty vàng bạc đều đưa ra con số ước lượng đến nay số vàng nằm trong dân, chủ yếu dưới dạng tài sản cất giữ, lên đến khoảng 700-800 tấn) và sôi động, bất chấp cơ quan quản lý luôn nói đây là một thị trường nhỏ và có những biến động thất thường do có yếu tố tâm lý và đầu cơ.
Trên thực tế, biến động về vàng và USD trên thị trường tự do luôn là biểu hiện đầu tiên cho những khó khăn của ngoại hối và thường báo hiệu cho thay đổi ngay sau đó cần có về chính sách quản lý quốc gia. Khi sốt tăng giá vàng, người dân đổ xô đi mua khiến mất cân đối cung cầu, Nhà nước buộc phải cho nhập khẩu vàng.
Các DN và giới đầu cơ cần gom USD để mua vàng khiến cho áp lực giảm giá đối với tiền đồng ngày một lớn hơn. Giá vàng tăng cao khiến hoạt động gửi tiền không còn hấp dẫn, người gửi tiền chuyển từ nắm giữ tiền VND sang vàng, buộc phải tăng lãi suất tín dụng.
Việc ngừng cấp phép nhập khẩu vàng đã tạo sự khan hiếm vàng trong nước, thêm cơ hội cho giới đầu cơ thao túng thị trường. Bên cạnh đó, điều này có thể khiến áp lực lạm phát tăng cao, khi giá vàng tăng cao đẩy giá bất động sản tăng, giá các loại hàng hóa khác cũng leo thang.
Thói quen định giá và thanh toán nhiều mặt hàng bằng USD và vàng cũng khiến người găm giữ luôn có xu hướng chuyển đổi các tài sản này sang các lĩnh vực đầu tư ngắn hạn khác để tối đa hóa lợi nhuận, khiến một lượng vốn lớn được chuyển đổi và đưa vào lưu thông mà cơ quan quản lý không thể nắm được; gây nên lạm phát, bất ổn cho nền kinh tế.
Đây cũng chính là bài toán nghiệm kép nan giải trong chính sách quản lý tiền tệ và đòi hỏi những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan và áp dụng giải pháp đồng bộ và đúng đắn, linh hoạt và ngày càng mang tính thị trường đầy đủ theo từng kịch bản cụ thể trong bối cảnh cụ thể.
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)