Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Triết lý trong truyện ngắn Nam Cao

Tạp Chí Giáo Dục

1. Văn Nam Cao giàu chất khái quát và triết luận. Cơ sở chí cốt ở quan niệm sáng tác văn chương của ông. Có thể nói, Nam Cao hầu như xa lạ với những gì to tát, cao siêu. Những sự việc bình thường, xoàng xỉnh, những con người bé nhỏ, “người thừa”, hầu như suốt đời bị gắn chặt vào những bi kịch nhân sinh nhỏ bé, tụ vào trong trang sách của Nam Cao. Ông không bao giờ chịu kể qua quýt sơ sài. Ông phân tích, mổ xẻ đến ngọn nguồn sự việc, cảnh ngộ. Cái độc đáo là, những sự việc nhỏ nhặt ấy, lại đặt dưới những dạng “tình huống nhận thức – lựa chọn”, gắn chặt với những “tình huống – tâm lý” và trên cơ sở miêu tả, lý giải mọi khía cạnh phong phú phức tạp của quá trình này mà đi vào thế giới tâm lý của con người, vào những đối thoại tư tưởng giữa nhà văn với người đọc dưới dạng những tư tưởng triết lý, những quan niệm đạo đức nhân sinh. Từ việc lựa chọn những sự việc nhỏ nhặt, miêu tả nhiều lần kết hợp với “tình huống nhận thức” mà truyện của Nam Cao bật lên những câu văn khái quát triết lý bất ngờ. Nhưng thật hiển nhiên, vì đang ngụp lặn trong bao nhiêu vất vả lầm than của cuộc sống áo cơm hằng ngày, có ai có thể nghĩ điều đó lại thâm thúy. Song hiển nhiên, vì những khái quát triết lý đó của ông đã được vắt ra từ cuộc sống, là hết thảy của quá trình chiêm nghiệm chính đời sống đó.


Hc sinh sân khu hóa tác phm Chí Phèo ca Nam Cao (nh minh ha). Ảnh: T.L

2. Tính chất triết lý ở truyện ngắn Nam Cao tồn tại dưới nhiều dạng: Triết lý của nhân vật; triết lý của tác giả; triết lý trong từng câu, từng đoạn; có khi xuất phát từ một quan niệm có sẵn rồi tác giả dùng nhân vật, cảnh ngộ và câu chuyện để chứng minh cho luận điểm của mình. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao, đặc biệt là nhân vật tiểu tư sản trí thức, thường hay suy tưởng triết lý. Chất tâm lý và dòng cảm nghĩ của nhân vật phát triển xen với sự thay đổi của dòng sự kiện và các bức tranh miêu tả. Qua cảnh ngộ của gia đình, Điền (Giăng sáng) – một nhà văn còn dao động giữa cái thực và cái hư trong cuộc đời nghệ thuật – Nam Cao đã phát triển nên quan niệm nghệ thuật và khẳng định: Chân lý của nghệ thuật phải phục vụ con người, không thể xa vời thực tế cuộc sống. Từ truyện ngắn “Nhỏ nhen”, qua câu chuyện của mấy anh chàng tiểu tư sản trí thức, cũng là một triết lý về một sự nhỏ nhen. Những con người này tỏ vẻ xem thường sự nhỏ nhen, ai cũng có thể kể một câu chuyện khôi hài về sự nhỏ nhen nhưng trong lòng mỗi người luôn có sự nhỏ nhen, toan tính. Trong truyện ngắn “Mua nhà”, kể lại cảnh tác giả phải sống trong cảnh quá chật hẹp và rách nát. Sau khi cố gắng dành dụm tiền, tác giả đã mua một ngôi nhà gỗ mà chủ nhân là kẻ thua cờ bạc bán lại. Rồi đây một gia đình có nơi ăn ở đàng hoàng thì một gia đình khác với những đứa trẻ vô tội lại bị ném vào cảnh bơ vơ. Nam Cao cũng đã đúc kết sâu sắc khi kết thúc chuyện: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia sẽ bị hở”. Qua sự thay đổi về tính cách của nhân vật Cu Lộ trong “Tư cách mõ”, Nam Cao rút ra ý nghĩa triết lý sấu sắc: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh trong của chúng ta có ảnh hưởng đến nhân cách của người khác nhiều lắm. Nhiều người không biết gì là tự trọng vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện”. Ở truyện “Dì Hảo”, tác giả chỉ ra cho nhân vật hàng loạt giải pháp có thể lựa chọn: Dì Hảo có thể tự làm nuôi mình, sống thanh thản hơn chứ không phải để chồng của mình lấy tiền uống rượu, lấy vợ bé và đánh đập mình. Ở hiền, Nhu có thể không cho anh tiền đi chơi, có thể mắng con ở, có thể không đi lấy chồng, có thể kiện chồng phụ tình… Song đây chỉ là những giải pháp mà chỉ người ngoài cuộc có thể lựa chọn chứ người trong cuộc như Dì Hảo và Nhu thì chỉ chọn cách giải quyết phi lý nhất. Qua cách chọn lựa ấy, Nam Cao nói với độc giả bao nhiêu chiêm nghiệm về cuộc đời: Đâu cứ ở hiền sẽ gặp lành, “một điều nhịn chín điều lành”. Cái mặt trái của các quan niệm đã thành đường mòn ấy trong đời sống trở nên cụ thể và nghiệt ngã biết chừng nào. Truyện ngắn “Sao lại thế này?” và một số truyện khác đều có những tình huống lựa chọn tương tự.

3. Trên mỗi cảnh, mỗi người, mỗi tâm trạng đều có đời sống cụ thể và rất cá thể, những ảnh chiếu của chúng lên những tầng triết lý và cảm xúc phía sau khiến chúng mang nhiều kích thước và luôn có tầm vóc phổ quát của những trạng thái nhân thế. Chính vì vậy, truyện ngắn của Nam Cao đáng được gọi là những “đoản thiên tiểu thuyết”. Trước ông chưa ai làm được điều này: Dồn tính chất tiểu thuyết vào truyện ngắn. Một số truyện ngắn như “Nước mắt”, “Đời Thừa”, “Cười”…, vấn đề tác giả xoáy sâu vào là nguyên nhân của nỗi khổ. Cảnh tù túng và thiếu thốn đến khổ cực của một số gia đình tiểu tư sản đã gây nên những va chạm và mâu thuẫn của những người trong gia đình đến mức oán trách, hờn giận nhau. Nam Cao kết luận: Chỉ vì người nào cũng khổ cả và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ. Và họ đã nhận thức ra sâu sắc hơn: Gia đình tự nó không phải là nguyên nhân phổ biến của nỗi khổ mọi người.

Triết lý của Nam Cao là máu tủy vắt ra từ sự chiêm nghiệm bản thân trước cuộc sống, là những trang đời khái quát thực trạng xã hội con người. Cho nên nó xa lạ với thứ suy nghiệm siêu hình của những cái “tôi” cá nhân chủ nghĩa bế tắc. “Triết lý mà không khô khan, triết luận mà như mở ra một chân trời thơ bát ngát”. Những mệnh đề triết lý mang đầy tâm huyết của ông nhiều khi đột ngột, chuyển hướng thưởng thức của người đọc từ tầng ý nghĩa này sang lớp ý nghĩa khác (Lang rận, Tư cách mõ…). Một bước nhảy vọt đầy thú vị từ môi trường của đời sống chật hẹp tầm thường sang thế giới bao la của những vấn đề trọng đại liên quan đến sự sống còn của nhân loại. Đây là vấn đề nhân tính mà Nam Cao đặt ra trong hầu hết các sáng tác của ông.

Tính chất triết lý của truyện ngắn Nam Cao có nội dung đa dạng và phong phú. Nhà văn không loại bỏ dù những chi tiết nhỏ nhặt nào của cuộc sống thường ngày, từ cái đói, cái no, cái ăn, cái mặc, cái say, cái tỉnh. Cái khổ của truyện Nam Cao là cái khổ cụ thể của hoàn cảnh sống, nhưng lại có chiều sâu, vì nó luôn luôn là nỗi đau của vấn đề nhân tính, nhân phẩm: “Một người đau chân lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt đẹp của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất” (Lão Hạc). Hoặc: “Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tươi đẹp của người ta” (Giăng sáng). “Chao ôi! Nếu người ta không ăn thì đời sẽ giản dị biết bao” (Một bữa no). “Người ta hay hối hận về cái ác khi không đủ sức mà ác nữa”; “Những người yếu đuối thường hay hiền lành, muốn ác phải là kẻ mạnh” (Chí Phèo). “Người ta chết được thì cũng khó. Vả lại chết vì bệnh không đáng sợ. Ta nên sợ cái chết trong lúc sống: Cái chết đáng buồn của những người sống sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng dùng sự sống của mình vào công việc gì” (Cười). Gọi Nam Cao là “nhà văn nhân tính” phải chăng xuất phát từ quan niệm triết luận về lẽ sống chết này.

Truyện ngắn của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan tính chất triết lý khá mờ nhạt. Thạch Lam có triết lý nhưng triết lý của ông đi sâu vào mạch cảm ngầm trong tâm khảm của nhân vật, đáng được gọi với cái tên “triết lý trầm tư”. Triết lý của Nam Cao là “triết lý đời thường”, mang đậm phong cách riêng của Nam Cao khó lẫn với bất kỳ nhà văn nào khác.

Trn Ngc Tun

Bình luận (0)