Sự kiện giáo dụcTin tức

Triều cường “tấn công” trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Một phòng học của Trường MG Bông Sen bị nước ngập lênh láng. Ảnh: V.M

“Tiếng máy bơm hút nước kêu inh trời, bảo vệ thì vác từng bao đất để be bờ không cho nước ngập vào sân trường… nhưng mọi cố gắng cũng chỉ là tạm thời vì nước từ bên ngoài chảy vào ào ào. Khoảng 30 phút, sân trường ngập trắng nước. Đó là cảnh mà Trường Mẫu giáo Bông Sen (P.Thạnh Lộc, Q.12) cũng như nhiều trường khác ở các quận ven và huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… chống đỡ để duy trì được lớp học suốt mấy ngày nay khi triều cường dâng cao đến mức báo động.
Hàng ngàn học sinh bì bõm đến trường
Trong các ngày 4, 5 và 6-11, hàng loạt bờ bao ở nhiều quận (huyện) tại TP.HCM đã bị vỡ, tràn. Đến sáng ngày 7-11, nhiều khu vực ở Q.12, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… vẫn còn ngập trong nước. Trong đó không ít trường học ở các địa bàn trên phải oằn mình chống chọi với triều cường và thậm chí có trường đành phải cho học sinh nghỉ học.
Chiều ngày 6-11, chúng tôi đến Trường Mẫu giáo Bông Sen (P.Thạnh Lộc, Q.12) thì nghe anh bảo vệ cho biết: “Các em học sinh đã phải nghỉ học mấy ngày nay, vì trường ngập nước nặng”. Trường Mẫu giáo Bông Sen hiện có gần 200 học sinh đang được nhà trường chăm sóc. Tuy vậy, cứ đến mùa triều cường là học sinh, cô giáo phải lội nước đi dạy và học. Những ngày nước lên cao, mỗi buổi sáng cô giáo phải cõng học sinh từ ngoài lộ gần 50 mét vào trường. Mấy ngày nay đê vỡ nước tràn vào lớp, bàn ghế đồ chơi được chất đống để khỏi bị hỏng. Theo cô Phạm Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ đến những tháng này học sinh phải “sống chung” với cảnh nước ngập. Chúng tôi sợ nhất là học sinh bị té khi sân trường trơn trợt do nước triều cường rút đi. Vì vậy, khi nước rút cả tuần nhưng nhà trường cũng không dám cho học sinh chơi ở sân trường.

Trường TH Thạnh Lộc (Q.12) thường xuyên sống chung với nước

Cách đó không xa, Trường TH Thạnh Lộc cũng chung số phận thường xuyên sống chung với ngập nước. Chiều ngày 6-11 nhiều học sinh của trường vẫn không dám chơi đùa trên sân trường vì sợ trượt chân té ngã. Ban giám hiệu nhà trường thì đang cho vệ sinh xung quanh để tránh ô nhiễm. Cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nhà trường có hơn 1.000 học sinh, nhưng vào mùa triều cường thì thầy trò cứ nơm nớp lo sợ vỡ đê. Và điều đó đã diễn ra, học sinh phải lội nước đến trường trong những ngày qua”. Tại Trường THPT Thạnh Lộc, trên con đường dẫn vào trường học sinh vừa đi, vừa vác xe, bởi con đường ngập nước lầy lội đầy bùn đất nhão nhoẹt. Em Mai Thanh Dụng, học sinh lớp 11, Trường THPT Thạnh Lộc than thở: “Ở ngay giữa trung tâm thành phố mà chúng em đi học cứ như các bạn học sinh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vậy. Suốt mấy ngày nay đầu óc chúng em chỉ nghĩ đến triều cường, cả ở nhà lẫn ở trường”.
Hơn 4 giờ chiều, trên con đường dẫn vào phân hiệu Trường TH Phạm Văn Chiêu (P.An Phú Đông, Q.12), nhìn các em học sinh lớp 1, lớp 2 quần áo lấm lem bùn đất, vai đeo cặp, tay xách dép mà các bậc phụ huynh không khỏi chạnh lòng. Chị Lê Thị Huệ (KP.3, P.An Phú Đông) có cháu học ở trường than vãn: “Người lớn vào trường còn đi chưa vững được nói gì bọn trẻ. Sáng nay nước dâng cao phủ trắng xóa không thấy đường đi, nhiều phụ huynh và học sinh phải mò mẫm đi trong nước nên đã té xuống mương, ao làm ướt cả quần áo nên đành phải cho con nghỉ học. Điều đáng nói là cảnh tượng này thường xuyên xảy ra tại trường, nhưng không hiểu sao các cấp có thẩm quyền chưa tìm cách khắc phục”.
Trong các ngày 4, 5 và 6-11, cảnh những con đường đến trường nhầy nhụa bùn đất hoặc nước phủ trắng xóa tại xã Bình Mỹ (Củ Chi), Nhị Bình (Hóc Môn) cũng xảy ra. Hàng ngàn học sinh tại đây phải xắn quần, áo, tay xách dép, nách mang cặp đến trường là một thực trạng rất đau lòng khi việc vỡ đê bao do triều cường cứ liên tục xảy ra. Anh Trần Văn Lê (ấp 6, Bình Mỹ, Củ Chi) có con học ở Trường TH Bình Mỹ ngán ngẩm: “Hôm qua khu vực gần nhà bị vỡ đê, nước ngập trắng đồng, ngay cả con đường làng cũng không thấy lối đi. Thằng nhỏ ở nhà không biết đi đứng thế nào té xuống mương. May mà có người đi đường cứu vớt nếu không thì hôm nay làm đám tang cho nó rồi. Điều người dân ở đây bức xúc là tình trạng vỡ đê rất thường xuyên xảy ra, năm nào cũng đắp, cũng vá nhưng vỡ thì vẫn cứ vỡ…”.
Các trường như: Tiểu học Bình Quới Tây (Q. Bình Thạnh), THCS Hiệp Bình (Q.Thủ Đức), TH Nguyễn Trung Ngạn (Q.8), MN Thỏ Ngọc (Q.8)… vẫn phải đối diện với ngập nước mỗi khi đến mùa triều cường.
Còn phải chịu ngập dài dài 

Học sinh xã Nhị Bình (Hóc Môn) lội nước đến trường

“Tôi sống ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy nước ngập vào trường học nhiều như bây giờ. Không những trường học mà ngay như nhà tôi ở cũng ngập lênh láng, nước tràn lên cả giường ngủ” – ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ở KP.4, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức than thở.
Ông Nguyễn Minh Giám, Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: “Đây là đợt triều cường lớn nhất trong gần 50 năm qua. Tuy vậy trong thời gian tới nước có tiếp tục dâng cao như bây giờ không thì vẫn chưa biết. Tuy nhiên mấy ngày tới triều cường sẽ giảm dần. Người dân ở khu vực có bờ đê bao yếu nên chuẩn bị cách phòng chống”.
Cảnh triều cường dâng cao vào những tháng cuối năm làm vỡ đê bao gây ngập nặng trường lớp tại Q.12 được xem như một cơn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 ngán ngẩm: “Năm nào đến mùa triều cường, các trường học cũng là một trong những nơi gánh chịu nặng nề nhất. Học sinh phải nghỉ học, trường thì bị ô nhiễm. Tuy tình trạng này diễn ra từ trước đến nay nhưng vẫn chưa có cách khắc phục mà còn có nguy cơ ngập nặng hơn. Với tình trạng này thì trường học ở những khu vực này còn phải chịu cảnh ngập nước dài dài”.
Thực ra, đối với các quận ven và huyện ngoại thành thành phố nằm dọc theo hệ thống sông Sài Gòn thì việc ngập úng kéo dài do triều cường đã xảy ra từ hàng chục năm nay rồi. Thế nhưng việc khắc phục bằng cách xây dựng hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn một cách căn cơ vẫn chưa có. Trong khi đó các trường học xây mới thì xây trên nền đất thấp vì chủ quan có dự án đê bao ven sông Sài Gòn mà trung ương và thành phố đã duyệt từ trước năm 2000. Ông Đoàn Văn Lý, Chủ tịch UBND P.Thạnh Lộc (Q.12) trăn trở: “Năm nào triều cường lên là tràn vào trường học. Tuy quận và thành phố đã có quan tâm nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Nhiều năm học sinh một số trường phải nghỉ học, nhiều học sinh đi học phải xắn quần lội qua sân trường vào lớp. Nhìn các cháu đi học hôm nay cũng chẳng khác nào thời tôi đi học mấy chục năm về trước!”. Điều trăn trở của ông Lý xin dành cho các cơ quan chức năng lý giải.
Nhóm PV

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)