Nếu như bánh chưng, bánh dầy… là những loại bánh không thể thiếu trong ngày tết ở miền Bắc thì với người Nam bộ, bánh tét là vật cúng ngon nhất mà con cháu “đãi” tổ tiên trong những ngày đầu năm. Loại bánh có vị béo của thịt mỡ heo, vị ngòn ngọt, mằn mặn của nếp, đậu xanh còn đọng ở đầu lưỡi khi nhớ đến. Bánh tét đã giúp bà Năm Vỹ ở Trà Vinh “gánh” 8 đứa con vượt qua những lúc khó khăn và duy trì nghề làm bánh truyền thống đến 3 đời…
“Thương hiệu” bánh tét 3 đời
Dù là khách phương xa đến Trà Vinh hay người Trà Vinh đi xa đều muốn mua bánh tét làm quà biếu, mà phải chọn được bánh tét của bà Năm Vỹ ở trong Trốt (tên gọi trước đây của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) mới khoái. Bánh tét của bà Năm vừa ngon lại đẹp đòn và bởi vì câu chuyện dài với nghề làm bánh tét mấy chục năm… Bà Năm tên thật là Tô Thị Hía nhưng người ta vẫn quen gọi bà theo tên chồng là Năm Vỹ nên đòn bánh tét do bà làm ra được gọi là bánh tét bà Năm Vỹ.
Từ thuở còn con gái, bà Năm học từ mẹ làm đủ thứ bánh dân gian như bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh chuối… Nhưng nghề làm bánh vất vả nên mẹ bà cũng chẳng muốn con theo. Thế mà bà Năm khéo tay nhất trong hết thảy mấy chị em, làm bánh nào cũng rất ngon, lại đẹp… và tuyệt nhất là bánh tét. Đòn bánh dài, thanh mảnh như thiếu nữ, phẩm chất bánh bên trong hài hòa giữa sắc và vị, biểu hiện sự chăm chút của người làm bánh.
Món bánh tét không thể thiếu trong bữa ăn ngày tết của người dân Nam bộ. |
Khi có chồng và có 8 người con, bà vẫn giữ nghề làm bánh tét. Biết làm sao hơn, nghề đã thành nghiệp mất rồi. Đến khi ông mất, một mình bà gánh bánh tét nặng trĩu trên vai để nuôi con. Cũng nhờ những đòn bánh tét mà nuôi sống cả đàn con, bà đem nghề truyền lại cho các con.
Dù là trai hay gái đều phải biết gói bánh tét, mà phải gói bằng cả cái tình như chính nó đã nuôi sống mình. Chú Tân, hàng xóm của gia đình bà Năm Vỹ cho biết: “Thấy bà Năm làm bánh ngon nên nhiều người muốn học. Bà cũng rộng bụng không giấu chi nhưng không ai làm bánh ngon như bà vì không ai “cưng” bánh tét hơn bà Năm Vỹ”.
Bây giờ, gói bánh tét đã trở thành nghề truyền thống của con cháu bà Năm Vỹ. Hàng xóm chung quanh cũng chọn nghề làm bánh tét làm kế sinh nhai. Gánh bánh ngày xưa giúp bà Năm Vỹ nuôi con qua quãng ngày khốn khó, giờ đây giúp con cháu có những ngôi nhà khang trang, khá giả…
Cưng bánh như con
Nhờ tiếng tăm của bà Năm Vỹ ngày trước và sự duy trì chất lượng của con cháu nên bánh tét trở thành bài toán kinh tế “béo”… như nhân bánh tét. Ngày thường, bánh tét “thương hiệu” bà Năm Vỹ ra lò lúc 4 – 5 giờ chiều cũng bán hết loáng, lãi kha khá. Vào dịp tết, lễ lộc thì số bánh tiêu thụ cao gấp mấy lần. “Bánh bán chạy nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bạn hàng đặt rất nhiều bánh để mang lên Sài Gòn và các tỉnh lân cận bán, có ngày mấy chị em bán gần 2.000 đòn, làm bánh suốt ngày đêm nhưng vui lắm”, chị Trần Thị Thanh Việt, con dâu của bà Năm hồ hởi khoe.
Con cháu bà Năm Vỹ tiếp tục gìn giữ nghề gói bánh tét gia truyền. |
Những ngày giáp tết, khi người người chuẩn bị trang hoàng cho ngày xuân thì cũng là mùa bội thu nhất trong năm của nghề làm bánh tét. Cả gia đình gần 20 người lớn nhỏ tất bật rửa lá, trộn nếp, nặn nhân gói bánh… để kịp cho ra những đòn bánh thơm, ngon trước giờ đón năm mới. Làm bánh tét phải tuân thủ 3 giai đoạn chính: lựa chọn chuẩn bị và sơ chế nguyên vật liệu, gói bánh và nấu bánh.
Theo anh Út Sang, công đoạn nào cũng quan trọng, lỗi bước nào là bánh kém ngon ngay! Bánh tét muốn ngon, dẻo thì nhất định phải chọn được nếp đẹp, gặt, tuyệt đối không lẫn tẻ (gạo). Để gói bánh tết phải chuẩn bị nếp từ đầu tháng chạp. Gút nếp cũng là bí quyết giữ bánh lâu hôi, vo nếp qua nước mưa 3 – 4 lần rồi trộn với lá bồ ngót cho bánh màu xanh tự nhiên.
Rồi chọn đậu xanh, nạt mỡ heo… nguyên liệu nào cũng phải chọn thứ ngon nhất, tinh túy nhất. Cơn gió chướng “lạc đường” thổi mùi nếp thơm và “ác” nhất là cái vị béo ngậy của thịt mỡ heo có ướp gia vị sộc vào khiến mũi tôi cứ sụt sịt “hoạt động”. Thằng bé Trang Minh Trí, cháu nội bà Năm, tay thoăn thoắt cột tiếp đòn bánh to cỡ bắp đùi vừa ngước mặt lên khoe “kinh nghiệm”: “Cô mà cột không đều tay là hư bánh hết. Cháu phải tập cột cả tháng trời mẹ mới cho lên cột chính là cột bánh lớn này nè”. Gói không chỉ làm đẹp đòn bánh mà còn quyết định chất lượng của bánh tét. Thút, gịt đều tay để bánh không quá bở hoặc sống.
Ngồi bên bếp lửa, giữa tiếng nổ lách tách của những thanh củi đỏ lửa, tiếng của các thành viên trong gia đình rôm rả đủ thứ chuyện từ cách đối nhân xử thế đến những câu chuyện thời sự ở tận bên Tàu, nước Mỹ xa xôi… Nhìn những đòn bánh trong nồi chờ chín, người làm bánh chợt buồn khi nhớ đến giá nguyên vật liệu làm bánh tăng nên bánh tét bớt lời mà mùa lúa phụ kinh tế gia đình lại không thuận mùa… Ai cũng hiểu những khó khăn của vùng quê nghèo nhưng không ai muốn nhắc đến khi năm mới gần kề. Chờ bánh chín, tôi thấy gương mặt họ hồng lên, có lẽ do sức nóng của bếp lửa đỏ nhưng có thể họ khấp khởi hy vọng cho tương lai từ những đòn bánh xanh nõn được vớt ra, bày bán…
Bánh tét đã thăng trầm cùng 3 đời gia đình bà Năm Vỹ. Con cháu bà cũng “cưng” nó như nó đã mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình. Ba đời gìn giữ những bí quyết truyền thống làm ra loại bánh tét dân dã, đổi lại, gia đình anh Út Sang, chị Tư Thảo, chị Tám… có được những ngôi nhà khang trang, cuộc sống khá giả. Nói như những gì bà Năm tâm niệm thì nghề làm bánh tét bình thường cũng đãi mình “no bụng” khi được giữ gìn, chăm chút bằng cả cái tình.
Tiêu Hà (Theo SGGP)
Bình luận (0)