Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Triệu phú trẻ trên núi

Tạp Chí Giáo Dục

Dựa vào ưu thế của rừng núi, thiên nhiên, bằng bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu khó, nhiều thanh niên, đoàn viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang từng ngày làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Sản phẩm từ các trang trại trẻ giới thiệu tại Hội nghị.
Làm giàu trên núi
Mới 23 tuổi, gần như trẻ nhất trong số các đại biểu về dự Hội nghị chủ trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2013, nhưng Trịnh Văn Sáng đã làm chủ một trang trại nuôi cá lồng quy mô lớn ở Mường Lay (Điện Biên).
Sáng chia sẻ, hơn hai năm trước, khi ước mơ đại học không thành hiện thực, được sự trợ giúp của gia đình, Sáng đầu tư vào nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ ở Mường Lay. “Mới đầu, mình làm lồng bằng tre. Năm trước, nước chảy xiết quá, ba lồng bị trôi, đập vào đá, mất hết cá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng”, Sáng kể.
Không nản chí, Sáng tiếp tục đầu tư nuôi cá. Lần này, Sáng làm lồng bằng sắt, tập trung nuôi hai loài cá lăng, cá chiên vì có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, Sáng đang nuôi 6 lồng với hơn 2 ngàn cá lăng, cá chiên.
Cá trắm cũng khoảng hơn một nghìn con. Trung bình mỗi năm, Sáng thu về hơn 200 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho 5 – 8 lao động địa phương theo mùa vụ.
Hai năm nay, anh Sin Văn Vu, 34 tuổi ở xã Tả Sử Chóong, Hoàng Su Phì (Hà Giang), dồn hết tâm huyết vào việc nuôi cá tầm, cá hồi. Anh Vu kể, một lần đi ăn với bạn, thấy giá các món cá này rất đắt, hỏi thêm được biết loài cá này sống ở vùng nước lạnh, phù hợp với khí hậu ở địa phương nên anh tìm hiểu thông tin trên mạng, học hỏi kỹ thuật nuôi.
Được sự hỗ trợ của gia đình, anh bỏ vốn, mua hơn 2.000 con giống (giá khoảng 40.000 đồng/con). Đến nay, đợt cá lớn nhất đã khoảng 3 – 4kg/con. Anh Vu bảo, ngoài nuôi cá thương phẩm, anh đầu tư, nghiên cứu khai thác trứng cá tầm.
Mấy năm gần đây, trên thị trường xuất hiện thương hiệu cà phê Mường Ảng (Điện Biên). Đại diện cho thương hiệu cà phê này về dự Hội nghị các chủ trang trại trẻ là anh Tạ Văn Đán. Sinh năm 1978, nhưng anh Đán đã gắn bó với loài cây này 14 năm.
“Ngày đó, tôi ở Hà Tây (cũ), lên Mường Ảng thăm bác, thấy nhà bác trồng cà phê, tôi về xin bố mẹ lên trên này lập nghiệp, nhưng gia đình không đồng ý. Trong tay chỉ có 4 triệu đồng, tôi vay thêm 3 triệu nữa để mua một khu đất, quyết định khởi nghiệp trên núi”, anh Đán kể.
Giờ đây, anh có khoảng 15ha đất, trong đó, trồng hơn 6ha cà phê. Ngoài ra, anh còn có một hồ nuôi cá rộng hơn 8.000m2. Mỗi năm, thu nhập của anh hơn 600 triệu đồng.
Là chủ nhà của Hội nghị, Yên Bái có nhiều tấm gương điển hình về chủ trang trại trẻ làm ăn kinh tế. Anh Bồ Văn Tân, chủ trang trại vườn, ao, chuồng, rừng của xã Việt Cường, huyện Trấn Yên có trên 27ha đất rừng, 1,5ha ao, trên 200 gốc thanh long và đàn lợn quy mô 50 – 100 con.
Bình quân mỗi năm, thu nhập của anh Tân trên 350 triệu đồng, ngoài ra, còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương. Anh Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế, Lục Yên chọn việc đầu tư “đặc sản” như: ba ba, hươu sao, lợn rừng, gà đồi và trồng quế, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tiếp sức khát vọng làm giàu
Tuy có được những thành công ban đầu, nhưng việc phát triển trang trại trẻ trên các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế. Những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, xã hội chưa được khai thác triệt để, các chủ trang trại còn chưa tận dụng được hết lợi thế về khoa học kỹ thuật…Điều đó dẫn tới hiệu quả của trang trại chưa đạt được tối đa, nhiều khi sản phẩm không đạt được chất lượng tốt nhất. “Nếu các trang trại ở miền núi phía Bắc mà phát huy được hết lợi thế của mình, khó có vùng nào có thể đuổi kịp được”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký các Hội các ngành Sinh học VN đánh giá.
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, miền núi phía Bắc có thời tiết thuận lợi để phát triển mô hình trang trại cho rất nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây mắc ca, cây điều, cây mít, cây ổi Đài Loan…, nhím, chồn, cầy hương… Ông Hùng đề nghị các cấp bộ Đoàn nên triển khai việc xây dựng các tủ sách khoa học kỹ thuật tại các địa phương để hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi, cây trồng tại các trang trại.
Ngoài khó khăn về khoa học kỹ thuật, việc tìm nguồn vốn để phát triển, cũng như lựa chọn vật nuôi, cây trồng nào cho phù hợp và việc ổn định đầu ra cho sản phẩm cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều các đại biểu.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn địa phương sẽ hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ cho các chủ trang trại trẻ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế trang trại, làm cầu nối liên kết với các nhà khoa học, đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ các trang trại tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Hội nghị các chủ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc do T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn Yên Bái tổ chức từ ngày 26-27/5, thu hút 31 chủ trang trại trẻ tiêu biểu của 12 tỉnh tham dự. Dịp này, Ban tổ chức công bố quyết định thành lập và ra mắt CLB Chủ trang trại trẻ, đồng thời, tặng bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho các chủ trang trại trẻ tiêu biểu khu vực miền núi phía Bắc.

Trường Phong (TPO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)