Nếu tình trạng căng thẳng hạt nhân kéo dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm mới: Hạt nhân hóa Đông Bắc Á
Có quá nhiều sự ồn ào cùng các hành động gây tâm lý chiến tranh xung quanh tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây. Đó là một phần của cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ ba trên bán đảo này, sau vụ thử hạt nhân ngày 12-2 của Triều Tiên. Triều Tiên dường như đã hết bài và chiêu cuối cùng vừa tung ra là đề nghị đại sứ quán các nước đóng tại Bình Nhưỡng cân nhắc khả năng sơ tán nhân viên ngoại giao trong trường hợp căng thẳng gia tăng.
Kể từ tháng 1-2003, khi CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Bình Nhưỡng đã khôn khéo buộc được các nước liên quan, trước hết là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhảy theo điệu tango của mình. Một số nhà quan sát nhận thấy cơ sở đa mục đích của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên gồm 3 nội dung: Lôi kéo sự chú ý của Mỹ, giành được con bài mặc cả với Mỹ và đạt được sự răn đe mạnh mẽ chống lại sự hiếu chiến của Mỹ. Đàm phán 6 bên đã được tổ chức lần đầu vào tháng 8-2003, 2 lần trong năm 2004 và 5 lần trong năm 2005, dẫn tới Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân vào năm 2005 nhưng đã tiến hành thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10-2006, dắt được một “con trâu hạt nhân qua rào”. Đàm phán 6 bên coi như thất bại.
Pháo tự hành K/55 của thủy quân lục chiến Hàn Quốc diễn tập gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh: AP
Thất bại vì cả 3 nước nêu trên, cùng với kẻ vô tình người hữu ý là Nga và Trung Quốc, đã không có một chính sách Triều Tiên đúng. Hai đời tổng thống Hàn Quốc thực hiện chính sách “Ánh dương” chỉ dẫn tới chỗ đối phương hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Về phía Mỹ, 2 thứ trưởng ngoại giao Mỹ – ông Armitage và Zoellick – là những người kế tiếp nhau chịu trách nhiệm cao nhất của phía Mỹ về đàm phán 6 bên, đã tin rằng Trung Quốc sẽ gây sức ép với Bắc Triều Tiên, do đó nghe theo những gì Bắc Kinh nói, dẫn tới vụ đánh đổi bằng việc ủng hộ ứng cử viên Mã Anh Cửu của Quốc Dân đảng đối lập ở Đài Loan, cản trở Tổng thống Trần Thủy Biển.
Tháng 10-2011, Chính phủ Trung Quốc đã cực lực lên án việc Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, nếu đúng ra thì 6 năm trước, chính phủ Trung Quốc đã nói với ông Zoellick rằng sẽ cho ngừng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên và yêu cầu Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Lần này, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un còn đi xa hơn người cha trong ngôn ngữ chiến tranh, với lý do cấp thiết hơn: Sử dụng tình trạng chiến tranh để thay đổi nhân sự cấp cao, củng cố quyền lực chưa vững chắc của mình. Sự thất bại về kinh tế với 6 triệu người dân thiếu ăn triền miên và sự kế nhiệm lãnh đạo là nền tảng cho các hoạt động hạt nhân của nước này. Thỉnh thoảng, Bình Nhưỡng lại tung ra ý tưởng “cải cách kinh tế” nhằm tạo hỏa mù hy vọng đối với dư luận.
Nhưng màn trình diễn lần này đã đổi vai: Chính Kim Jong-un đã nhảy theo điệu tango của Mỹ. Giới quân sự Mỹ đã sử dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để gia cố chính sách “trở lại châu Á”. Mỹ đã nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa (ở Nhật Bản và Guam) vốn bị Trung Quốc phê phán; đã trình diễn năng lực phản ứng nhanh tầm xa của các phương tiện chiến tranh hiện đại.
Mỹ cần siết chặt các quan hệ liên minh đang bị dao động sau khi ngân sách quốc phòng Mỹ cắt giảm từ 4,7% (2012) xuống 3% (từ 2013) và chính quyền Obama đặt ưu tiên cao nhất cho khôi phục kinh tế – điều tất yếu buộc Mỹ phải đặt ưu tiên cao hơn cho quan hệ làm ăn (và hòa dịu) với Trung Quốc.
Sau khi tạo ra các áp lực cần thiết làm cho Bình Nhưỡng tung hết các bài mới, phải dùng lại các bài cũ và bị cô lập hơn nữa trên trường quốc tế, thứ ba vừa rồi người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ muốn “hạ nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên. Hôm sau, người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel nói rằng Mỹ và các nước lớn khác không muốn làm cho tình hình vốn “phức tạp, dễ bùng nổ” tồi tệ thêm.
Nếu như hỏi rằng có quốc gia nào có thể ảnh hưởng lớn nhất tới Triều Tiên thì đó là Trung Quốc. Giới quân sự Trung Quốc từng tính toán rằng việc tiếp tục “nuôi dưỡng” tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan sẽ kéo dài tình trạng họ mong muốn để mỗi năm tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số.
Nhưng nếu tình trạng căng thẳng hạt nhân kéo dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm mới: Hạt nhân hóa Đông Bắc Á. Báo Độc lập (Nga) ngày 4-4 tiết lộ tại Hàn Quốc, hiện có một nhóm đang ráo riết vận động để nước này trở thành một cường quốc hạt nhân, muốn Hàn Quốc tự làm giàu urani và tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân để giúp Seoul tiếp cận những công nghệ điều chế các chất phân hạch sản xuất bom nguyên tử… Một Đông Bắc Á hạt nhân hóa không chỉ làm bàn cờ NPT của Mỹ bị rối loạn mà an ninh quan hệ quốc tế của Trung Quốc ở khu vực này cũng sẽ trở nên bấp bênh.
Trước mắt, một khi Mỹ – Hàn kết thúc tập trận và lễ kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tới gần, tình hình sẽ dần dịu bớt. Sẽ chẳng có chiến tranh, cũng không có thống nhất nhưng cuộc chơi thì thay đổi.
Mỹ gây sức ép đối với Trung Quốc
Mỹ đang gây sức ép lên Trung Quốc để nước này giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hoặc đối mặt với sự gia tăng hiện diện quân sự của Washington ở khu vực.
Dẫn lời các quan chức Mỹ cấp cao giấu tên, báo The New York Times (Mỹ) hôm 5-4 cho biết trong các cuộc tiếp xúc gần đây giữa 2 nước, trong đó có cuộc điện thoại gọi Chủ tịch Tập Cận Bình của Tổng thống Barack Obama, Washington đã cung cấp chi tiết về những động thái quân sự nhằm ứng phó trước những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Theo bài báo, Trung Quốc không tỏ thái độ phản đối những động thái nói trên của Mỹ. Phản ứng này là dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng thất vọng trước Bình Nhưỡng. Nó cũng cho thấy Trung Quốc hiểu rằng sự ủng hộ mà nước này dành cho Triều Tiên có thể gây căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ.
Trong những tuần tới, Mỹ sẽ phái một loạt quan chức đến Trung Quốc để tăng sức ép về vấn đề Triều Tiên, khởi đầu là chuyến đi của Ngoại trưởng John Kerry vào ngày 13-4. Trước mắt, Mỹ muốn Trung Quốc tăng cường kiểm tra để ngăn hàng hóa cấm đến Triều Tiên. Về lâu dài, Washington mong Bắc Kinh thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un thôi có những hành động khiêu khích và quay trở lại đàm phán.
Trong một động thái cho thấy Mỹ sẽ không nói suông, nước này dự kiến lần đầu tiên triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk tại Nhật để tăng cường khả năng giám sát trong bối cảnh Triều Tiên dường như đang chuẩn bị thử tên lửa, một nỗ lực mà Nhà Trắng nói sẽ không khiến họ ngạc nhiên chút nào.
Bất chấp tình tình căng thẳng, theo hãng tin Yonhap, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước vẫn chưa có ý định rút các nhân viên khỏi Triều Tiên theo đề nghị của nước này. Trong khi đó, Đức triệu tập Đại sứ Triều Tiên tại Berlin Si Hong-ri để bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo NLĐ
Bình luận (0)