Hội nhậpThế giới 24h

Triều Tiên – Hàn Quốc thêm căng thẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau "cuộc chiến bóng bay", Triều Tiên và Hàn Quốc tăng cường công kích thông qua dàn loa phát thanh khổng lồ ở biên giới

Sự cố mới nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là vụ binh sĩ Hàn Quốc phát cảnh báo và nổ súng cảnh cáo khi thấy "khoảng 20 lính Triều Tiên đi qua Đường giới tuyến quân sự (MDL) nằm trong khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách 2 miền". 

Sự việc xảy ra khoảng 12 giờ 30 phút ngày 9-6 nhưng mới được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) công bố ngày 11-6. 

Đại tá Lee Sung-jun, người phát ngôn JCS, nói nhóm lính Triều Tiên dường như chỉ vô tình băng qua MDL, vì họ ngay lập tức trở lại nước mình sau các phát súng cảnh cáo. Tình hình sau đó cũng không có thêm gì bất thường – theo hãng tin Yonhap.

Biên giới liên Triều đang nóng trở lại sau khi Triều Tiên thả hàng ngàn quả bóng bay chứa rác sang Hàn Quốc trong những tuần gần đây, ngoài ra còn làm nhiễu tín hiệu định vị GPS quanh các đảo tiền tiêu của láng giềng. 

Để đáp trả, Hàn Quốc hồi tuần trước đã ngừng hoàn toàn một thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều được ký vào năm 2018, đồng thời tái khởi động dàn loa khổng lồ ở biên giới hôm 9-6 và hướng về Triều Tiên mà phát sóng các chương trình chống Bình Nhưỡng lần đầu tiên sau 6 năm qua. 

Theo tờ Business Standard, JCS không tiết lộ chương trình phát sóng hôm 9-6, song những chương trình này trước đây thường bao gồm tin tức, các chỉ trích chính phủ Triều Tiên và nhạc K-pop.

Người Triều Tiên thi công hàng rào quân sự gần chốt gác ở biên giới với Hàn Quốc (đoạn ở TP Paju  ở Hàn Quốc) Ảnh: REUTERS

Người Triều Tiên thi công hàng rào quân sự gần chốt gác ở biên giới với Hàn Quốc (đoạn ở TP Paju ở Hàn Quốc). Ảnh: Reuters

Vài giờ sau động thái của Seoul, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, lên án Hàn Quốc đã tạo ra "một tình huống rất nguy hiểm" và đe dọa "đáp trả bằng biện pháp mới". 

Trước lời đe dọa từ Triều Tiên, người phát ngôn JCS Lee Sung-jun khẳng định binh sĩ trong các khu vực phát loa được bảo vệ đầy đủ và sẽ nhanh chóng đáp trả nếu bị tấn công. Theo quan sát của quân đội Hàn Quốc hôm 10-6, Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu lắp đặt lại "vũ khí loa" của mình dọc theo biên giới. 

"Cuộc chiến loa" gần nhất xảy ra vào năm 2015, khi Hàn Quốc nối lại hoạt động dàn loa sau 11 năm gián đoạn. Triều Tiên lúc đó bắn nhiều loạt pháo qua biên giới, dẫn đến cuộc đọ hỏa lực ngắn giữa hai bên. Rất may không có thương vong.

Bên cạnh phản ứng riêng, theo Yonhap, Hàn Quốc vừa cùng Mỹ hoàn tất xem xét bản hướng dẫn hành động chung trong trường hợp "bị Triều Tiên tấn công hạt nhân". 

Phát biểu hôm 10-6 sau phiên họp thứ ba của Nhóm Tư vấn hạt nhân (NCG) tại Seoul, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Cho Chang-rae và ông Vipin Narang, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thông báo hai nước sẽ tích hợp lực lượng quy ước hiện đại của Hàn Quốc với sức mạnh hạt nhân Mỹ để tăng cường khả năng răn đe và đáp trả chung.

Trong khi Hàn Quốc và Mỹ thêm nhích lại gần nhau thì Triều Tiên cũng tăng cường quan hệ với Nga. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Thứ trưởng Bộ Công an Ri Song-chol đã rời Bình Nhưỡng đến Nga đầu tuần này. 

Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết thêm ông Ri dự kiến gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev để bàn về "các vấn đề hợp tác cơ bản, bao gồm trong lĩnh vực thực thi pháp luật".

Triều Tiên và Nga đã thắt chặt quan hệ quân sự và mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực khác kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức thượng đỉnh vào tháng 9 năm ngoái tại Nga. 

Chuyến đi của ông Ri Song-chol diễn ra trong bối cảnh có thông tin Tổng thống Nga Putin sắp đến thăm Triều Tiên trong tháng này – theo nhật báo Nga Vedomosti. 

Nếu được xác nhận, đây sẽ là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Putin sau 24 năm. Năm 2000, ông đến Bình Nhưỡng hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10-6 nói sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin này, đồng thời kêu gọi "tất cả các nước" tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc trừng phạt chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. 

Theo Hải Ngọc/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)