Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Trình Chính phủ 2 phương án đổi giờ học, giờ làm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo cả hai phương án này, cán bộ công chức cơ quan Trung ương sáng làm việc từ 9h, cán bộ công chức Hà Nội từ 8h30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS sẽ học từ 8h sáng, học sinh THPT học từ 7h…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án đổi giờ học, giờ làm đối với học sinh sinh viên và cán bộ, công chức, kinh doanh thương mại tại Thủ đô Hà Nội nhằm chống ùn tắc giao thông.
Theo văn bản số 6956/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ, 2 phương án điều chỉnh giờ được đưa ra cụ thể như sau:
Phương án 1: Cán bộ công chức cơ quan Trung ương sáng làm việc từ 9h – 12h, chiều từ 13h -18h; cán bộ công chức Hà Nội sáng từ 8h30 – 12h, chiều từ 13h -17h30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS sẽ học từ 8h sáng – 17h 30 chiều; học sinh THPT học sáng từ 7h – 11h, chiều từ 12h30 – 16h30;
Sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h – 11h, chiều từ 12h -17h; Sinh viên đại học khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng học từ 7 giờ -12 giờ, chiều từ 13h -18h; các Trung tâm thương mại mở cửa từ 9h30 – 23h.

Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải đổi giờ học, giờ làm mới giảm được ùn tắc giao thông
Phương án 2: Các đối tượng Cán bộc công chức cơ quan Trung ương, Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm kinh doanh thương mại giữ nguyên như phương án 1;
Đối với sinh viên đại học 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: các quận Cầu Giấy và Thanh Xuân sáng từ 7h – 12h, chiều từ 13h – 18h; quận Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng từ 8h – 13h, chiều từ 14h – 19h.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khuyến khích bố trí giờ làm việc tránh giờ cao điểm.
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Đây là phương án của Bộ GTVT trình lên Thủ tướng Chính phủ nhằm từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Báo cáo này được thực hiện sau khi khảo sát và nghiên cứu về tình hình thực tế cụ thể.
Nhằm giảm bớt lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm thì một trong số các giải pháp là thay đổi lệch pha giờ làm việc của một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ công chức Trung ương và Hà Nội”.
Được biết, hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 360.000 học sinh mầm non, 470.000 học sinh tiểu học, 320.000 học sinh trung học cơ sở và 215.000 học sinh trung học phổ thông. Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành là gần 478.000 sinh viên, trong đó nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa (13 trường) và Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (6 trường). Số lượng cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách là 355.000 người, trong đó cơ quan Trung ương có hơn 202 nghìn người, chiếm 57,1%. Số còn lại là cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và THCS, Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ 2 phương án thay đổi thời gian làm việc và học tập nói trên.
Trước đó, tại cuộc họp với các Sở, ngành Hà Nội về việc điều chỉnh giờ học và giờ làm,  ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh giờ học, việc làm là cần thiết để giảm ùn tắc giao thông nhưng cần nghiên cứu khoa học trong quá trình thực hiện. Phạm vi tiến hành thí điểm nên chăng cũng thu hẹp hơn, trước tiên tập trung ở nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại vì đây là lực lượng tự lập không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học, giờ làm.
“Mặc dù giải pháp này có tính tích cực song nếu làm ngay sẽ không đủ cơ sở mà cần có thời gian khảo sát thêm. Dù điều chỉnh giờ như thế nào thì cũng xuất phát từ thực tiễn, quyền lợi của nhân dân. Chính sách đưa ra không được nhân dân ủng hộ sẽ có tác dụng ngược lại” – ông Hùng cho hay.
Theo Quỳnh Anh
(Dân trí)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)