Lễ dựng cây nêu của đồng bào Xơ Đăng |
Kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/2018), 132 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Lễ dựng cây nêu và trình diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Xơ Đăng”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa – lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2018. Chương trình được tổ chức với mong muốn giới thiệu đến công chúng một phần sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng hiện đang sống ở miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, thuộc huyện Nam Trà My.
Đồng bào Xơ Đăng là dân tộc cư ngụ lâu đời ở vùng đất của dãy Trường Sơn – Tây Nguyên. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào Xơ Đăng vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như ngôi nhà rông Xơ Đăng được đặt ở giữa mỗi làng, cồng chiêng, các pho tượng thờ tổ tiên, trang phục truyền thống, trang sức bằng cườm đá…
Trong đời sống, đồng bào Xơ Đăng hiện vẫn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống. Đàn ông Xơ Đăng không chỉ có tinh thần thượng võ mà còn có tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Về âm nhạc, người Xơ Đăng có kho tàng đồ sộ với các loại hình nghệ thuật dân gian như múa, hát, âm nhạc. Những dịp lễ hội, Tết, đồng bào Xơ Đăng thường diễn xướng cồng chiêng và kể những câu chuyện sử thi về dân tộc mình cũng như về cội nguồn của vùng đất Tây Nguyên. Dân tộc Xơ Đăng cũng nổi tiếng về nhiều loại nhạc cụ được làm từ các ống tre, nứa như đàn gong, đàn t’rưng, sáo, klong put… Người Xơ Đăng có một số lễ hội dân gian liên quan đến đời sống nông nghiệp, nổi bật lễ dựng cây nêu mừng năm mới. Đây là sự thể hiện lòng biết ơn của đồng bào với các đấng thần linh, thông qua cây nêu để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa…
Tin, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)