Trong xu thế xã hội hiện nay, sinh viên ra trường nếu có khả năng tiếng Anh lưu loát thì sẽ nắm đến một nửa cơ hội có việc làm so với những ai “mù tịt” môn ngoại ngữ này. Thế nhưng, với lượng sinh viên theo học ĐH, CĐ tại Đà Nẵng lên đến con số gần 50.000 người, trên thực tế phần ít trong số đó đủ khả năng ngoại ngữ…
Thực tế không vui
ĐH Đà Nẵng đã công khai chuẩn đầu ra của sinh viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường kể từ khóa 2010 với quy định cụ thể khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của sinh viên: Đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài thành thạo; viết báo cáo, chuyên môn, văn bản giao dịch bằng tiếng nước ngoài chuẩn mực; giao tiếp, trình bày báo cáo tham luận trôi chảy bằng tiếng nước ngoài thông dụng; biết hai ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh. Dựa trên chuẩn này các trường thành viên lần lượt công bố chuẩn về ngoại ngữ đối với sinh viên của trường mình. Trong đó, ĐH Bách khoa là một trong hai trường cùng ĐH Kinh tế áp dụng chuẩn này với kiến thức ngoại ngữ tương đương TOEIC 400 và am hiểu kiến thức tiếng Anh chuyên ngành.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, thì: “Mỗi năm, bắt đầu vào năm học mới, Trường ĐH Bách khoa đều tổ chức kiểm tra đánh giá nhằm test trình độ tiếng Anh của tân sinh viên nhằm phân nhóm trình độ để có kế hoạch giảng dạy đạt kết quả tốt nhất. Trình độ Anh văn của tân sinh viên đạt rất thấp, chỉ có khoảng 20 đến 30% có thể theo học tiếng Anh ở trường ĐH (10 tín chỉ). Khoảng hơn 70% số sinh viên còn lại phải qua lớp dự bị mới có thể bổ sung đủ kiến thức cần thiết”.
Với mức chuẩn này, ĐH Bách khoa đã có lứa sinh viên đầu tiên ra trường, mặc dù có không đến 10% sinh viên không đạt yêu cầu buộc phải ở lại đợi kì thi sau. Nhưng kết quả khả quan ấy cũng chỉ là mức “chuẩn do trường tự đặt ra”. Trên thực tế, đa phần sinh viên khi ra trường đi xin việc ở các doanh nghiệp đều không đáp ứng được tiêu chí nói tiếng Anh giao tiếp một cách lưu loát.
Ở cấp sau ĐH, trình độ tiếng Anh cũng được áp dụng một mức chuẩn nhất định, tương đương trình độ TOEFL 600 điểm. Đợt kiểm tra gần đây của ĐH Đà Nẵng (lần 1) đối với gần 1.000 học viên cao học, thì có trên 80% không đạt trình độ B1 theo qui định. Theo TS. Trần Quang Hải (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, thì: “Kết quả khảo sát do các học viên cao học ĐH Đà Nẵng tiến hành trong hai năm qua, học sinh chủ yếu nhờ vào sự đầu tư “bên ngoài nhà trường” của phụ huynh, hoặc do thiên phú về ngoại ngữ hoặc do nỗ lực của riêng họ. Còn phần lớn học sinh sau phổ thông “không để lại dấu ấn ngoại ngữ”, nhiều học sinh khi trở thành sinh viên của các trường ĐH thì mới “bắt đầu học lại ngoại ngữ từ đầu”. Và phần lớn trong số sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH cũng không dùng ngoại ngữ(!)”.
Đầu tư cho ngoại ngữ
Tình trạng học tiếng Anh ở các trường không chuyên ngữ ở ĐH Đà Nẵng hiện nay đang là vấn đề đáng lo ngại. Chuyện sinh viên tốt nghiệp ra trường với trình độ tiếng Anh tương đương khung B1 của châu Âu nhưng không thể sử dụng được vốn ngoại ngữ đã học, không thể giao tiếp một cách lưu loát ngoại ngữ là rất phổ biến. Do đó, rất ít trường hợp đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, một phần do sinh viên ít quan tâm đầu tư cho môn học này mà chỉ học theo hình thức đối phó, phần khác do các tỉnh miền Trung, môi trường giao tiếp hạn hẹp nên khả năng giao tiếp của sinh viên không có điều kiện nâng cao. Đó là chưa kể, hiện mỗi giảng viên tiếng Anh tại ĐH Đà Nẵng mỗi năm phải đảm nhận lượng tiết học quá cao dẫn đến hiệu quả dạy học bị ảnh hưởng (trung bình 1.100 tiết/năm).
Trước thực trạng này, nhằm nâng cao hiệu quả dạy, học tiếng Anh căn bản và chuyên ngành ở các trường thành viên, đáp ứng yêu cầu theo đề án, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã có Đề án nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành cho giảng viên. Theo đó, việc tạo ra một “làn gió mới” để cải thiện trình độ tiếng Anh của sinh viên sẽ bắt đầu từ việc nâng cao năng lực của giảng viên. Cụ thể, khi các trường thành viên quy định chuẩn đầu ra, trong đó đều yêu cầu trình độ tiếng Anh tối thiểu của SV tốt nghiệp từ A2 đến B1 theo khung năng lực châu Âu. Đối với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, yêu cầu tiếng Anh tối thiểu từ B1 trở lên theo khung năng lực châu Âu. Như vậy, giáo viên tiếng Anh phải đạt chuẩn tối thiểu từ C1 trở lên về năng lực tiếng Anh. Năng lực của sinh viên cũng sẽ được đánh giá một cách sát sao hơn nhằm phân cấp trình độ theo lớp để tạo điều kiện cho nười học đạt được kết quả như mong muốn: Nghe, đọc, viết và sử dụng tiếng Anh trong văn bản thành thạo. Và sinh viên có thể chọn bất cứ lớp học tiếng Anh ở trường nào phù hợp với thời gian mà không cần phải đến chính nơi mình đang theo học ĐH, CĐ để học tiếng Anh.
Hàn Giang
Bình luận (0)