Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trò chơi dân gian vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Không còn cảnh nhiều học sinh rượt đuổi nhau, nghịch phá hoặc chơi các trò “bạo lực” vào giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường rộn rã những nhóm nhảy lò cò, túm tụm chơi ô ăn quan, cờ cá ngựa…
Cô giáo Xuân Thị Châm (chủ nhiệm lớp 4/2 Trường tiểu học Minh Đạo) hướng dẫn các em chơi banh đũa – Ảnh: K.Anh
8g40. Tiếng trống Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5, TP.HCM) trở nên rộn rã hơn trong sự háo hức của các cô cậu học trò. Các bạn nhỏ biết giờ ra chơi nay không còn đơn điệu nữa, trước mặt là hàng loạt trò chơi dân gian vô cùng hấp dẫn.
Chơi mà học
Ông Lê Ngọc Điệp (trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):
Giáo viên sẽ sưu tầm thêm trò chơi
Việc đưa trò chơi dân gian và các làn điệu dân ca vào giờ chơi, giờ sinh hoạt trong trường tiểu học đã được triển khai trên toàn TP từ năm học 2008-2009 đến nay. Đây là một hoạt động nằm trong phong trào xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực của ngành GD-ĐT. Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức một chuyên đề giới thiệu các trò chơi dân gian cho giáo viên tiểu học. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ sưu tầm thêm. Tùy từng địa phương, các trường có thể kẻ ô trong sân trường, bố trí giáo viên hướng dẫn học sinh chơi ô ăn quan, cờ gánh, nhảy lò cò… và tập hát những làn điệu dân ca trên cơ sở hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh.
H.H. ghi
Vừa ra khỏi lớp, Phan Nhật Minh An, học sinh lớp 2/5, đã vội kéo nhóm bạn của mình đến ngay chỗ nền gạch có vẽ sẵn trò chơi ô ăn quan. Một mớ sỏi trắng được để sẵn gần đó để trò chơi luôn trong tư thế sẵn sàng. Minh An nhoẻn miệng cười tươi: “Vui lắm! Trò này trước đó con chỉ được nhìn thấy trên tivi thôi chứ chưa bao giờ được chơi. Giờ thì ngày nào con cũng rủ bạn chơi. Vừa chơi vừa được học làm toán nữa”.
Đến khi gần “kết thúc trận đấu”, thành viên nào cũng căng mắt nhìn từng ô xem còn được bao nhiêu để tính đường đi tiếp, có thành viên không ngớt lẩm bẩm tính toán cộng trừ. Giờ ra chơi được quy định 30 phút nhưng nhóm dành đến hơn 20 phút để chơi trò ô ăn quan.
Những học sinh nam thích chạy nhảy hơn lại xúm xít nhau với trò nhảy lò cò. Cả sân trường được vẽ khá nhiều ô chơi trò này nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu và sự háo hức của các em, mặc dù được đưa vào trường cách đây hơn ba tháng. Khi thiếu miếng ném, nhiều em tận dụng cả dép của mình để chơi.
Nguyễn Hoàng Châu Vy, học sinh lớp 5/2, cho biết: “Mấy bạn nam trong lớp em rất thích trò này, còn các bạn gái lại chọn trò nhảy dây vì nữ tính lại rèn luyện sức khỏe”. Vy khoe: “Từ khi học được trò này ở trường, em mang về chơi với nhóm bạn cùng khu phố và ai cũng thích thú”.
Tại Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5, TP.HCM), sau giấc ngủ trưa, chuẩn bị vào giờ học buổi chiều, học trò cũng khởi động bằng những trò chơi dân gian thú vị. Nhóm bạn gái nhảy lò cò, những bạn khác lấy ống tre đựng các hạt sỏi chơi trò ô ăn quan. Trong các lớp trò chơi banh đũa cũng rộn ràng với những đợt tâng bóng bắt đũa của các bạn. Những tràng pháo tay cổ vũ khi bạn mình vượt qua những nấc quan trọng làm tăng thêm tình đoàn kết.
Rèn kỹ năng
Sân Trường tiểu học Minh Đạo vốn không rộng lắm nên học sinh tận dụng cả hành lang để ngồi chơi. Nhà trường đã trang bị dụng cụ và đặt dọc theo các hành lang lớp học. Học sinh tự lấy chơi và tự dọn dẹp, cất lại chỗ cũ. Tất cả những việc làm này cũng là cách rèn cho học sinh kỹ năng sắp xếp gọn gàng, lấy chỗ nào để lại chỗ ấy.
Là một trong những thầy cô tổng hợp các trò chơi dân gian thành “thư viện trò chơi” và tập cho học sinh chơi, cô Xuân Thị Châm, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, cho biết: “Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ qua trò chơi, chúng tôi còn mong muốn chuyển tải những câu chuyện để giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Khi các em chơi phải biết nhường nhịn nhau, không quá ăn thua để đánh mất tình bạn…”.
Cô Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, nói: “Ngoài các trò chơi như ô ăn quan, nhảy lò cò, nhảy dây…, chúng tôi cũng đã nhờ sân của hội quán trước trường để tổ chức những trò chơi lớn cho các em như ném còn, kéo co. Các em chơi với sự thích thú đặc biệt và tôi nghĩ đây là một cách để hạn chế các em sa vào game trực tuyến hay đọc những loại truyện tranh vô bổ”.
Cô Vũ Ngọc Thu, cán bộ Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM, cho biết kể từ khi trò chơi dân gian được đưa vào 22 trường cấp I và 10 trường cấp II đã nhận được tín hiệu rất tốt từ các trường. “Không chỉ đưa vào giờ thể dục, giờ ra chơi, trò chơi dân gian còn được đưa vào môn tiếng Việt phần luyện từ và câu. Cả giáo viên lẫn học sinh đều rất thích thú và thoải mái hơn trong các tiết học” – cô Thu nói.
PHI LONG – KIM ANH/TTO

Bình luận (0)