Nhảy sạp – một trong những trò chơi dân gian được nhiều HS ưa thích |
Theo dự án phát triển của Chính phủ về GD-ĐT trẻ thành những học sinh (HS) ưu tú, phát triển toàn diện về thể chất, năng lực thì việc tạo sân chơi cho trẻ tiếp cận và tham gia các trò chơi dân gian cần được đầu tư đúng mức.
Ngày xưa, khi xã hội đang còn khó khăn, ông bà ta đã truyền nhau những trò chơi mang tính dân gian, tập thể rất vui, rất khéo, tất cả đều được tham gia để cùng chơi và qua đó phát triển thể chất, phát triển nhân cách, phát triển sự hợp tác nhóm. Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, những trò chơi dân gian đã dần đi vào quên lãng và thậm chí có những trẻ không biết tên gọi, cách chơi như thế nào, bởi sự “hiện đại hóa” các trò chơi điện tử trên mạng, các trò chơi được thiết kế phù hợp với sở thích của trẻ hiện nay đã làm lu mờ đi những trò chơi dân gian mang tính truyền thống.
Vì vậy, việc khơi gợi lại các trò chơi dân gian cần được nhà trường quan tâm và đầu tư đúng mức sao cho HS tham gia có thể hiểu được nội dung, ý nghĩa của trò chơi ấy. Chẳng hạn với trò chơi “lò cò”, các em phải biết vận dụng sự khéo léo của đôi tay để thảy tràm vào ô và vận dụng sự khéo léo, dẻo dai của đôi chân để nhảy qua các ô. Song song đó, các em phải bình tĩnh, tự tin và tập trung vào việc nhảy lò cò thì mới có thể chiến thắng và được đi tiếp với những ô khác… Hay, trò chơi “ô ăn quan” thì lại không sử dụng sự khéo léo của đôi tay, đôi chân mà ngược lại người chơi cần vận dụng sự tư duy, tính toán của cái đầu để có thể ăn được nhiều “lính” và ăn được “quan” trong từng lượt đi của mình. Trò chơi này giúp phát triển trí tuệ và sự cương quyết để có thể giành chiến thắng trong thời gian sớm nhất với ít lượt đi nhất… Và, còn rất nhiều trò chơi dân gian khác nữa để HS được tiếp cận, tham gia, thư giãn. Qua đó, giúp các em phát triển thêm về thể chất, tinh thần và cũng rèn thêm một số nhân cách khi tham gia.
Trò chơi dân gian cần được đầu tư và thực hiện đồng bộ, liên tục trong trường tiểu học để các em HS có thể hiểu về trò chơi, và qua đó, các em cũng tự rèn thêm cho bản thân những đức tính tốt của một người có văn hóa, có tri thức. Đó mới là sự phát triển toàn diện cho HS trong quá trình dung hòa việc học và việc chơi để các em tự tin hơn, năng động hơn và cũng sẽ giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Duy An
Bình luận (0)