Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trò chơi trí tuệ phương Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Người Trung Hoa xưa chơi cờ tướng. Ảnh: H.T

Cờ tướng là một trong bộ tứ nghệ thuật cao sang và tao nhã “cầm – kỳ – thi – họa” rất được sự tôn trọng của người xưa. Trò chơi cổ điển này đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn luôn tồn tại với thời gian.
Bởi lẽ cờ tướng là nhu cầu hoạt động trí tuệ, giải trí tự nhiên của con người. Hơn nữa còn vì vẻ đẹp nghệ thuật diệu kỳ và nhất là vẻ đẹp trong văn hóa phương Đông.
“Báu vật văn hóa Trung Hoa”
Xuất phát từ nhu cầu giải trí, tìm tòi sáng tạo, rèn luyện trí tuệ và thưởng thức cái đẹp đã dẫn con người đến việc chơi cờ. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại cờ từ đơn giản đến phức tạp, từ chơi theo kiểu may rủi đến kiểu đấu trí căng thẳng. Nhưng loại cờ được biết đến nhiều nhất đó là cờ tướng (với hơn 100 triệu người chơi), nó phổ biến rộng ở châu Á và trở thành môn cờ mang tính truyền thống, giàu bản sắc văn hóa nghệ thuật phương Đông.
Người Trung Hoa xem cờ tướng là “báu vật văn hóa Trung Hoa”. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về cờ thì cờ tướng chỉ bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc không sớm hơn thế kỷ thứ 8 và nó có nguồn gốc từ trò chơi Saturanga của Ấn Độ. Trò chơi này cũng là tiền thân của cờ vua  ngày nay. Điều này cho thấy rằng cờ vua và cờ tướng có cùng một gốc, cùng sinh ra ở châu Á. Trò chơi Saturanga theo con đường thương mại và Phật giáo đã đến Trung Hoa, được người Trung Hoa tiếp nhận, cải cách khá triệt để biến Saturanga thành cờ tướng ngày nay. Xét tổng thể về mặt cấu trúc thì cờ tướng đã tiến một bước dài, tạo ra một tầm cao vượt bậc so với Saturanga. Người Trung Hoa đã xóa hẳn 64 ô đen trắng đơn điệu và làm một cuộc cách mạng toàn diện: Bàn cờ có sông phân chia lãnh thổ quốc gia “Sở hà Hán giới”, mỗi quốc gia có quân đội riêng, họ sắp xếp lại các hàng ngũ lính tráng, bố trí lại các binh lực, mục đích cuối cùng là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho tướng. Phải chăng cờ tướng muốn giáo dục, truyền bá tư tưởng “trung quân ái quốc” vốn có của một nước Khổng giáo.
Qua bàn cờ tướng, người Trung Hoa đã khôn khéo lồng vào đó vũ trụ quan, giáo lý cũng như nghệ thuật quân sự mang đậm màu sắc Trung Hoa. Người chơi cờ phải được xem là quân tử “hạ thủ bất hoàn”, bên cầm quân đen thì theo qui ước “hắc giả tiên hành” được đi trước… Người Trung Hoa thường nói, một viên tướng giỏi trong cuộc chiến, phải đồng thời là một người giỏi cờ để có thể đoán được bước đi của địch. Chính vì thế cờ tướng không thuần túy là một trò chơi giải trí, mà nó còn là hình ảnh thu nhỏ tiêu biểu cho chiến cuộc. Chúng ta cũng biết trong lịch sử đất nước Trung Hoa luôn xảy ra những cuộc tranh giành đất đai, thâu tóm lẫn nhau liên miên không lúc nào dứt. Bàn cờ chính là diễn biến cuộc đời ở ngay trước mắt họ. Càng chơi người ta càng khám phá ra những bước đi huyền bí, ảo diệu vô cùng tận của cờ tướng làm say lòng người.
Thú chơi nghệ thuật của các nước khác
Một điều khiến cho cờ tướng châu Á nổi bật là vì người ta đã biến nó từ một trò chơi đấu trí trở thành một thú chơi nghệ thuật, thậm chí còn cao hơn thế, gọi là “kỳ đạo”. Tự thân cờ tướng đã có trong từng nước đi trí tuệ và hoa mỹ, cái hay cái đẹp của nó đã mặc nhiên trở thành nguồn cảm hứng phong phú, tuyệt vời cho các văn nhân thi sĩ. Họ mượn cờ tướng để diễn đạt tình cảm, thế sự hoặc tư tưởng của mình. Đối với người Việt ta, cờ tướng được tiếp thu rất nhanh chóng (cách đây khoảng 1.000 năm). Từ đó sáng tạo ra nhiều hình thức chơi rất phong phú như: Cờ người, cờ thế, cờ bỏi… hòa nhập vào cùng các lễ hội khiến cho cờ tướng trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn, được phổ biến ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước.
Ngày nay, số người tham gia chơi cờ tướng ngày càng đông. Đã có nhiều hiệp hội cờ tướng ra đời ở trong khu vực cũng như thế giới, và có hẳn một hệ thống thi đấu quốc tế lớn mạnh. Điều này, khiến cho vị trí của cờ tướng ngày càng nổi bật trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và thể thao của con người, xứng đáng là một trò chơi đậm nét trí tuệ của phương Đông. Và lẽ dĩ nhiên, trò chơi văn hóa này không thể nào vắng bóng trên các con tem bưu chính Trung Hoa.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Không ai có thể quên bài thơ Học đánh cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đã tóm tắt chiến lược, chiến thuật một cách tinh giản, là sự đúc kết sáng tạo những kinh nghiệm quý báu, chứng minh được yếu tố thời cơ thuận lợi bằng cuộc cờ với câu thơ bất hủ: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”.
 

Bình luận (0)