Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trò chuyện với “cha đẻ” của “Ông Táo HTV”

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn Thế Ngữ và các diễn viên tham gia tiết mục Táo Quân hàng năm

Tết nào cũng vậy, trên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) không thể thiếu chương trình kịch Táo Quân phát sóng trong đêm giao thừa. Có thể nói, Táo Quân đã trở thành “đặc sản” của HTV đồng thời là “món quà” rất có ý nghĩa dành cho khán giả màn ảnh nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Người sản sinh và thực hiện chương trình này suốt 27 mùa xuân qua chính là nhà biên kịch – đạo diễn Thế Ngữ. Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần, Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện thú vị cùng ông.
PV: Chào “Ông Táo HTV”, bận rộn với việc “vào bếp” cho chương trình Táo Quân 2010 nhưng xem ra ông vẫn phong độ, không thấy giảm sút ký nào?
Cũng có giảm cân chút chút. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy lo lắng nhiều vì nó đã là “đứa con tinh thần” mà tôi “nuôi” suốt 27 năm qua, xuân này nữa là 28 năm. Mỗi năm Táo Quân đều về tâu với Ngọc Hoàng những sự kiện tốt – xấu của trần gian nên bản thân tôi viết kịch bản phải nắm bắt các vấn đề thời sự nổi cộm xảy ra trong năm. Khi bắt tay vào dàn dựng, ngoài việc cung cấp tiếng cười rộn ràng cho khán giả chuẩn bị đón giao thừa, chương trình còn phải đảm bảo tính giáo dục, hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới.
Vậy Táo Quân năm nay sẽ “báo cáo” với Ngọc Hoàng những vấn đề gì?
 Vì cuộc sống thay đổi từng giờ, từng ngày… nên chương trình Táo Quân phải thể hiện được sự thay đổi đó một cách khái quát. Táo Quân năm nay có tên Táo Dần đụng độ dài 100 phút.
Nghe là thấy hấp dẫn rồi, xin ông cho biết cụ thể hơn?
Nội dung chính xin cho được giữ bí mật để khán giả bất ngờ. Nói chung là các Táo Quân sẽ báo cáo trung thực với Ngọc Hoàng những tồn tại của năm qua: Thầy giáo bắt học sinh thụt dầu đến teo cơ; Hổ sổng chuồng cắn chết người; Nhiêu khê trong thủ tục hành chính; Tai nạn giao thông, kẹt xe triền miên; Bão lũ miền Trung; Loạn các cuộc thi hoa hậu; Giá xăng, giá vàng lên xuống kéo theo nhiều sự phiền toái khác; Các giải thưởng bất thường trong làng nghệ… Chương trình có sự tham gia của gần 50 diễn viên hài quen thuộc và một số diễn viên điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng.
50 diễn viên, ông có gặp khó khăn gì trong quá trình mời cũng như trong khâu quản lý họ khi làm kịch Táo?
Hạnh phúc nhất của tôi là khi mời diễn viên tham dự thì hầu như ai cũng nhận lời. Ngay cả nghệ sĩ đang chạy show ở nước ngoài cũng điện thoại về xin vai vì sợ tôi… quên. Chính vì họ quá “ái mộ” chương trình nên phải ráng viết thêm nhiều vai, nhiều đất diễn cho anh em vui vẻ. Nhưng phân tán ra nhiều vai diễn như thế thì nội dung không có trọng tâm sâu sắc, vì thế mỗi lần viết là mỗi lần tôi phải vận dụng hết “nội công” để sáng tạo. Trước giờ, người đóng vai Ngọc Hoàng nhiều nhất là NSƯT Bảo Quốc, nhờ vào phong cách chững chạc và diễn xuất lão luyện. Ngoài ra còn có: Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Phước Sang, Lê Vũ Cầu, Hoàng Sơn, Quyền Linh… mỗi người mỗi vẻ. Riêng Táo Quân có nhiều ứng cử viên lắm: Anh Vũ, Tấn Beo, Minh Béo, Phước Sang, Hữu Nghĩa, Hồng Tơ; bà Táo thì có Mỹ Chi, Kim Ngọc, Cát Phượng… Nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng, được tham gia chương trình là điều may mắn cho ngày đầu năm. Ai đóng vai Tiên nữ sẽ được đẹp suốt năm, đóng vai Thần tài thì tiền vô như nước, còn đóng vai Ngọc Hoàng thì đâu ai sướng bằng… trời! Thế nên mới có chuyện, ai được đóng vai Ngọc Hoàng đều phải đến chùa cúng kiếng đàng hoàng, vì nghệ sĩ rất tin vào chuyện… tâm linh.
Ông tâm đắc nhất điều gì trong chương trình Táo Quân hàng năm?
Đó là những dự đoán trong chương trình Táo. Ví dụ, có năm viết Táo Quân phá án là tự nhiên năm đó bên công an liên tục phá nhiều vụ án quan trọng, trong đó có vụ Năm Cam… Tuy chỉ là những dự đoán tình cờ, nhưng trùng hợp như thế nghĩ lại thấy “đã” lắm. Đặc biệt là cứ vào đêm giao thừa mà thấy bà con ngồi chờ xem Táo Quân là mình thấy sướng nhất trên đời rồi.
Ngược về thời gian, ông có thể nhớ lại chương trình Táo Quân đầu tiên không?

Hai Táo Quân trong Táo Dần đụng độ

Nhớ như in. 23 giờ đêm Giao thừa Tết Nhâm Tuất (1982), lần đầu tiên tôi viết và dàn dựng tiểu phẩm hài về Táo Quân mang tên Ông Táo và bà Mánh trên HTV do hai nghệ sĩ hài Bảo Quốc và Mỹ Chi thủ diễn. Tiểu phẩm hài này chỉ có thời lượng khoảng 30 phút, nhưng đã trở thành “sự kiện đáng nhớ” trong sinh hoạt văn nghệ cuối năm đó. Hầu hết khán giả màn ảnh nhỏ đều thích thú với “món ăn lạ” này. Những năm sau đó, tôi tiếp tục với tiểu phẩm hài Táo Quân chầu trời, Táo trẻ, Táo và Thiên Lôi… Đến năm 1986, tôi cho ra đời vở Ngọc Hoàng du lịch có thời lượng khoảng 90 phút. Từ đó về sau, các kịch bản về Táo đều được viết và dàn dựng theo dạng kịch, có thời lượng trên 90 phút. Nhân vật Táo Quân cũng được nhân rộng, “phụ trách” ở nhiều lĩnh vực xã hội như: Táo du lịch, Táo khách sạn, Táo giao thông, Táo công an, Táo hải quan, Táo điện, Táo than, Táo miệt vườn, Táo đặc sản, Táo làng nướng… Nội dung của các vở cũng phong phú hơn, phản ánh, phê phán, đả kích sâu cay và đa dạng hơn, “đụng” đến nhiều vấn đề xã hội hơn
Nhưng hiện nay, không chỉ có HTV độc quyền thực hiện chương trình này mà các đài truyền hình tỉnh cũng tự đứng ra thực hiện. Ông có thấy buồn không khi “thương hiệu” của mình không còn “độc quyền” như xưa?
Trước đây, sự thành công của chương trình Táo Quân trên sóng HTV được các đài truyền hình tỉnh bạn “tiếp sức” bằng cách phát hình lại các vở diễn. Nhưng những năm gần đây, một số đài truyền hình đã bắt tay thực hiện những vở kịch về Táo để phát sóng trong đêm Giao thừa như Đài Truyền hình Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long và cả Đài VTV nữa… Thú thật tôi không buồn, có nhiều Táo Quân thì sự đa dạng của nó sẽ tăng lên, các diễn viên cũng có nhiều đất để dụng võ hơn.
Có hợp lý không khi Táo Quân lại thường không có… mặt đen?
Theo truyền thuyết, Táo Quân là nhân vật có gương mặt đen như lọ nồi. Nhưng vì sao các “Táo” trên truyền hình lại có gương mặt bình thường, thậm chí các “Táo bà” rất… xinh đẹp và hấp dẫn? Từ tiết mục Táo đầu tiên là Ông Táo và bà Mánh, tôi và nghệ sĩ Mỹ Chi đã có sự tranh cãi quyết liệt bởi nghệ sĩ Mỹ Chi muốn “đấu tranh” để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của “Táo bà”. Cuối cùng, tôi cũng phải đành… “chào thua”. Từ đó trở về sau, các “Táo” truyền hình không cần phải bôi đen mặt mũi.
Có phải nhờ làm Táo Quân mà sau đó, ông liên tục gặp hên trong kinh doanh?
Cũng có lẽ là thế. Táo Quân còn được xem như là vua bếp. Tôi mở quán Vợ thằng Đậu… lúc đầu định làm chơi nhưng “ăn thật”. Chắc là nhờ “nhà Táo” phù hộ. Trong năm Canh Dần này, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho công việc mới mà mình rất yêu thích, đó là viết tiểu thuyết. Tôi mong muốn sẽ cho ra đời một vài cuốn tiểu thuyết mà mình tâm đắc trong năm nay.
Xin cảm ơn ông. Chúc ông một năm mới đầy hạnh phúc.
Song Minh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)