Trong dự thảo mới nhất chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp chiến lược có tính đột phá, trong đó có việc học sinh được đánh giá thầy cô giáo…
Ý tưởng thì hay nhưng điều khiến dư luận bàn nhiều và có nhiều luồng ý kiến trái ngược là cách thực hiện và tính khả thi.
Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN THIỆN NHÂN khẳng định: Việc lấy ý kiến học sinh để đánh giá giáo viên sẽ được triển khai trong thời gian tới. Có thể hỏi trực tiếp, có thể thông qua phiếu thăm dò. Người trả lời (học sinh) không nhất thiết phải nêu danh tính. Nhận xét của người học sẽ là một trong những động lực cho giáo viên tự thay đổi mình theo hướng tích cực. Và đây cũng là vấn đề mà các thầy cô giáo phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự đổi mới về chất lượng dạy học. |
Việc để trò đánh giá thầy là vấn đề từng được đặt ra với bậc đại học. Nhưng ngay ở bậc học này cũng có rất ít trường thực hiện được cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, chỉ những trường ngoài công lập mới có thể mạnh dạn thực hiện ý tưởng này.
Một số trường ĐH mới chỉ rục rịch chuẩn bị nghiên cứu phương án thực hiện trò đánh giá thầy đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía giáo viên. Những trường càng có nhiều giáo viên gạo cội, vấn đề “trò đánh giá thầy” càng dè dặt. Theo ông Lê Hữu Lập, phó hiệu trưởng Học viện Bưu chính viễn thông, lãnh đạo học viện đã giao hẳn cho một nhóm nghiên cứu thí điểm việc sinh viên “chấm điểm” thầy. Nhưng có ý kiến cho rằng đây là vấn đề hết sức tế nhị và có vẻ ngược với quan niệm truyền thống về “đạo thầy trò” nên không dễ dàng.
Ông Đặng Đình Đại – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, một trong số ít trường đã bắt đầu triển khai việc “học sinh đánh giá thầy” – khẳng định: “Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn việc để cha mẹ học sinh và học sinh được đánh giá thầy giáo. Vì xét cho cùng đối tượng mà ngành giáo dục, các thầy giáo, cô giáo phục vụ là học sinh”.
Với kinh nghiệm là người trực tiếp xây dựng và tổ chức cho sinh viên đánh giá giáo viên, bà Đặng Kim Nhung, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, cho biết: “Về bản chất, việc sử dụng kênh học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên, giảng viên ở bậc phổ thông hay đại học đều có những ưu điểm và khó khăn như nhau. Nhưng không phải việc quá khó nếu chúng ta cứ ngần ngại đứng ngoài cuộc để băn khoăn lo lắng”. Theo bà Nhung, Trường Thăng Long đã tổ chức đánh giá giáo viên nhiều năm, qua các kênh khác nhau mà kênh sinh viên đánh giá chỉ là một yếu tố để lãnh đạo nhà trường tham khảo.
TRỊNH VĨNH HÀ (Theo TTO)
Bình luận (0)