Nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) xe buýt tại TP.HCM kêu khó do sản lượng hành khách giảm mạnh và kiến nghị được tính đúng, tính đủ trợ giá để tiếp tục hoạt động ổn định.
Sản lượng hành khách giảm khiến nhiều đơn vị vận tải xe buýt gặp khó
Càng chạy càng lỗ
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, từ năm 2018 đến tháng 1-2020, tại TP đã có tới 7/105 tuyến xe buýt có trợ giá tạm ngưng hoạt động do thu không đủ bù chi. Tính từ năm 2012, sản lượng khách đạt trung bình 305 triệu lượt/năm, nhưng đến năm nay chỉ còn 159 triệu lượt.
Các đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt than càng chạy càng lỗ do sản lượng khách không đạt so với trước. Thêm nữa, khoản chi phí trợ giá chỉ được tạm ứng nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019. Đại diện một HTX vận tải xe buýt cho biết, tạm ứng 50% đã đành, đằng này cũng chưa được quyết toán khiến DN ngày một khó, phải vay ngân hàng để trả lương và nhiên liệu.
Tại buổi làm việc với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP mới đây, các đơn vị cho rằng không đủ chi phí để trả lương, mua nhiên liệu cũng như tạm trả tiền lãi vay cho ngân hàng. Đó là nguyên nhân khiến một số tuyến phải giảm chuyến, đình công và ngừng hoạt động trong thời gian qua.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến việc có ý định tạm ngưng hoạt động một số tuyến xe buýt trong những ngày qua, các DN cho rằng hiện số nợ tiền nhiên liệu lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Công ty CP Xe khách Sài Gòn hiện nay nợ tiền nhiên liệu lên đến 80 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải TP nợ 7 tỷ đồng; HTX Quyết Thắng nợ 5,2 tỷ đồng; HTX 28 thiếu nợ 1,1 tỷ đồng…
Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP, ông Nguyễn Văn Lèo cho biết, ngoài các khoản nợ trên, DN còn nợ Ngân hàng Agribank chi nhánh 5, TP.HCM số tiền 49 tỷ đồng. Số tiền này, theo ông Lèo là đã vay để mua xe buýt mới thay thế xe buýt cũ cũng như trả lương nhân viên để hoạt động cầm chừng.
Các đơn vị vận tải xe buýt cũng cho rằng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã khoán sản lượng hành khách quá cao, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt; chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các đơn vị không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng.
1.150 tỷ đồng trợ giá xe buýt năm 2020
Theo các DN, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các DN xe buýt và chỉ ký hợp đồng nguyên tắc để nhận tiền tạm ứng trợ giá xe buýt. Vì vậy, các đơn vị đề nghị cần ký ngay hợp đồng đặt hàng năm 2020, đồng thời kiến nghị cấp đúng, đủ kinh phí trợ giá để đảm bảo xe buýt hoạt động ổn định trong thời gian tới.
Trước những khó khăn này, các DN, HTX xe buýt đã đề nghị tạm dừng hoạt động từ ngày 15-8. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, các đơn vị khẳng định sẽ cố gắng, ổn định hoạt động để phục vụ người dân, không có chuyện tạm ngưng hoạt động từ ngày 15-8.
Trước đó, Sở Tài chính TP thẩm định sản lượng hành khách bình quân là 44,5/ chuyến tức tăng 50% so với năm 2019. Về số lượng chuyến xe hoạt động, Sở Tài chính dự kiến là 4,5 triệu chuyến/ năm, tương ứng dự toán cho các tuyến xe buýt phổ thông là 956,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hành khách đi lại giảm mạnh nên các đơn vị đã khó lại càng khó hơn.
Cam kết với các DN vận tải xe buýt, ông Võ Khánh Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đẩy nhanh việc thanh toán trợ giá, không phải chỉ tạm ứng như hiện nay. Phía sở sẽ tiếp thu ý kiến của DN kiến nghị với các sở, ban ngành để tham mưu cho UBND TP xem xét giải quyết, kịp thời hỗ trợ.
Đề xuất đưa xe buýt dưới 17 chỗ vào hoạt động Sở GTVT TP vừa đề xuất Bộ GTVT chủ trương triển khai đề án sử dụng xe buýt mini dưới 17 chỗ. Theo Sở GTVT, trước đó, Công ty TNHH Busgo đã gửi kiến nghị và kèm đề án xin chủ trương đề xuất triển khai xe buýt tích hợp công nghệ thông tin. Theo đó, loại xe sử dụng là xe dưới 17 chỗ, không bố trí chỗ đứng. Khách chỉ cần đặt xe qua ứng dụng công nghệ Godee trên điện thoại di động, khi thực hiện đặt xe thành công, xe sẽ dừng ở trạm đón để tránh mất thời gian của khách. Được biết, xe buýt này không hưởng trợ giá, có thể sử dụng hiệu quả ở các tuyến đường hẹp, kết nối với các khu dân cư, khu công nghiệp và khu đô thị vệ tinh mà người dân khó tiếp cận với giao thông công cộng. Nếu được chấp thuận của Bộ GTVT, 6 tuyến dự kiến triển khai kết nối các vùng đô thị, khu công nghiệp, đầu mối giao thông ở các quận, huyện gồm: 1, 2, 7, 9 và Nhà Bè. |
Giải thích thêm về nguyên nhân chậm trễ trong thanh toán và ký hợp đồng với các DN, ông Hưng cho rằng UBND TP đã thống nhất cho phép tính toán sản lượng hành khách theo tinh thần tính đúng tính đủ. Theo đó, sở đề xuất tăng thêm 161 tỷ đồng trợ giá cho năm 2020 so với dự toán ban đầu. Tuy nhiên, do chưa chốt được con số nên không có cơ sở để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng ký hợp đồng với DN và HTX.
Theo ông Hưng, đến thời điểm này sở mới được cấp bổ sung khoản kinh phí thiếu hụt năm 2019, đây là nguyên nhân dẫn đến việc chậm thanh toán cho DN. DN, HTX sẽ được bổ sung đầy đủ kinh phí trợ giá của năm 2019 trong vài ngày tới. Riêng dự toán chi ngân sách trợ giá năm 2020 đã được Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt, giao dự toán cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng là 1.150 tỷ đồng.
Trần Anh
Bình luận (0)