Sự kiện giáo dụcTin tức

Trò giảm tải, thầy tăng việc

Tạp Chí Giáo Dục

Cô trò Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) trong giờ tập viết
Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT, theo đó bắt đầu từ đầu năm học này các trường tiểu học, THCS và THPT trong cả nước sẽ thực hiện giảm tải chương trình. Theo đó, nhiều bài trong sách giáo khoa sẽ được lược bỏ.
Ở tiểu học, ngoài môn tự nhiên xã hội và môn thủ công kỹ thuật thì các môn còn lại (toán, tiếng Việt, đạo đức, âm nhạc, thể dục, địa lý, lịch sử, khoa học và mĩ thuật) đều có sự điều chỉnh. Thậm chí có nhiều bài không dạy, cụ thể như môn tiếng Việt lớp 4 không dạy 7 bài, lớp 5 – không dạy 9 bài… Điều này đã gây không ít băn khoăn cho giáo viên (GV).
Có lợi cho học sinh trung bình – yếu
Theo công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1-9-2011 của Bộ GD-ĐT thì môn tiếng Việt (tiểu học) được giảm tải theo hướng: Không dạy một số bài khó, chưa thực sự cần thiết với học sinh (HS); giảm một số câu hỏi, bài tập theo hướng tinh giản, thiết thực. Trong đó, phân môn tập đọc ở lớp 4, 5: Chỉ yêu cầu có giọng đọc phù hợp với nội dung câu, bài; phân môn chính tả: Thay hoặc bớt ngữ điệu dài và khó cho luyện tập chính tả; phân môn tập làm văn: Thay một số nội dung, đề bài gần gũi với HS, không dạy một số bài khó; phân môn kể chuyện lớp 4, 5: Giảm bớt một số bài khó; phân môn luyện từ và câu: Giảm bớt một số nội dung khó.
Ở môn toán cũng vậy, tất cả các lớp đều được cắt giảm bớt chương trình. Đơn cử như ở lớp 1, từ tuần 2 đến tuần 33, hầu như tuần nào cũng có 1, thậm chí 2 bài được cắt giảm bằng cách không yêu cầu HS phải làm một vài bài tập. Đối với khối lớp 3, ngay từ tuần đầu tiên của năm học mới, trong bài Cộng, trừ các số có 3 chữ số (trang 4), Bộ GD-ĐT hướng dẫn GV không yêu cầu HS làm bài tập 4. Đến tuần thứ 22 thì không dạy bài Vẽ trang trí hình tròn (trang 112). Bài Tiền Việt Nam (trang 162) sách toán lớp 2 được chuyển sang dạy với bài Tiền Việt Nam ở lớp 3…
Với các môn như đạo đức, khoa học… cũng được lược bỏ khá nhiều. Đặc biệt là môn đạo đức, những yêu cầu quá sức của HS đã được bỏ. Ví dụ như ở lớp 3, trong bài Biết ơn thương binh, liệt sĩ, HS không còn phải báo cáo kết quả điều tra tìm hiểu về hoạt động đền ơn đáp nghĩa các thương binh, gia đình liệt sĩ ở địa phương như trước đây.
Với chủ trương, không học thì không thi nên các trường sẽ không kiểm tra, đánh giá HS bởi các nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt, các bài không dạy hoặc ở bài đọc thêm.
Việc giảm tải này, theo đánh giá của cô Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 thì: “Rất có lợi cho HS trung bình và yếu. Tuy nhiên, nhiều GV tiểu học ở Q.5 cũng lo ngại, với chương trình giảm tải như hiện nay khi lên các cấp học cao hơn, liệu HS có đáp ứng được. Việc giảm tải ở tiểu học có phù hợp với việc giảm tải ở bậc THCS, THPT hay không…”.
GV sẽ cực hơn

 

Học sinh Trường TH Điện Biên (Q.10, TP.HCM) trong giờ học môn toán.
May mắn hơn các cấp học khác, việc giảm tải đã được thực hiện từ nhiều năm nay ở tiểu học. Đặc biệt là theo văn bản 896 của Bộ GD-ĐT, GV có quyền chủ động trong việc lên lớp. Vì vậy, với hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn cấp tiểu học của Bộ GD-ĐT giống như được “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, điều đó cũng phần nào tạo thêm áp lực cho GV.
Bởi theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì: Thời gian dư do giảm bớt bài, hoặc giảm bớt nội dung trong từng bài, GV không đưa thêm nội dung khác vào dạy mà dùng để củng cố kiến thức và rèn kĩ năng đã học (trong bài đó hoặc bài trước) cho HS hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp. Cô Ngọc Thu cho rằng: “GV sẽ cực hơn. Những tiết thay vì học bài A, bài B thì do đã lược bỏ nên các cô phải tổ chức cho HS thực hành, luyện tập. Theo đó, yêu cầu GV phải chăm chút hơn tới việc soạn giáo án. Và trên hết là phải nắm rõ năng lực học tập của từng HS để thực hiện dạy học cá thể”.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cũng có ý kiến: “GV phải biết được HS của mình làm được bài nào, không làm được bài nào để dạy. GV không được cào bằng tất cả HS mà phải biết phân loại HS giỏi để khuyến khích các em học nâng cao, HS yếu kém để kèm cặp sao cho đạt kiến thức chung. Đối với Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, GV sẽ không nói cho HS biết là bỏ bài này, học bài kia mà dạy theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Với những bài, phần đã được bỏ, trong buổi học thứ 2 và về nhà, GV khuyến khích HS làm. Sau khi các em làm xong, GV xem lại nhưng không chấm điểm”…
Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Q.Gò Vấp, việc giảm tải chương trình cũng đang được thực hiện song song với văn bản 896. Cô Vũ Thị Thơ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Muốn thực hiện giảm tải, trước tiên GV phải phân hóa được HS”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)