Pinăng Thị Nga đang thông dịch cho các em học sinh lớp 1 làm bài tập |
Đây là hình ảnh khá ấn tượng tại các điểm trường tiểu học ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, nơi hơn 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Hầu hết con em đồng bào Raglai nói tiếng phổ thông rất yếu, khi đến trường gặp nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Pinăng Thị Nga, người trợ giảng lớp 1 trường Tiểu học Phước Đại B, kể: “Bản thân mình trước đây cũng bị hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài ở lớp. Tham gia trợ giảng với mong muốn sẽ đóng góp một phần nhỏ công sức giúp các em học tập tiến bộ hơn”.
Trong giờ học, người trợ giảng luôn ngồi chung bàn với học sinh để thông dịch lại những yêu cầu của cô giáo bằng tiếng địa phương (tiếng Raglai), sau đó nói lại tiếng phổ thông giúp học sinh nắm vững bài ở lớp. Đồng nghiệp của Nga là chị Katơ Thị Tuyến ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, tâm sự: “Không biết tiếng phổ thông, nhiều em rất thụ động, hỏi thì nói, không thì ngồi im lặng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ phiên dịch, tụi mình còn phải tập cho các em viết, làm toán, đánh vần; tập nói những câu đơn giản trong giao tiếp hằng ngày và kiêm luôn công tác “dân vận” mỗi khi các em bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy”.
Katơ Thị Tuyến cho biết, ban ngày làm trợ giảng, tối còn theo học lớp 11 hệ bổ túc văn hóa; sau này sẽ nộp đơn thi vào ngành sư phạm. Hiệu trưởng trường Tiểu học Phước Đại B, chị Lê Thị Lệ Quyên, ghi nhận: “Nhân viên trợ giảng như là cầu nối giữa giáo viên với học sinh trong việc dạy và học. Nhờ vậy, giảm được khó khăn do “bất đồng” ngôn ngữ, chuẩn hóa tiếng Việt cho các em; đồng thời tạo hứng thú giúp các em tiếp thu bài vở, góp phần giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học”.
Chuyên viên phụ trách tiểu học, Phòng Giáo dục – Đào tạo Bác Ái, ông Đặng Ngọc Hải cho biết: hiện ở huyện Bác Ái có 29 người Raglai làm công việc hỗ trợ giáo viên. Tất cả đều có trình độ từ lớp 9 trở lên, tham gia trợ giảng cho giáo viên dạy lớp 1 năm 2008 – 2009, với mức lương và trợ cấp mỗi tháng khoảng 500 ngàn đồng/người. Đây là khoản tiền được trích từ kinh phí của Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Bộ GD-ĐT. Theo ông Hải, do mức trợ cấp quá thấp nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng. Vì vậy, hiện còn một số điểm trường chưa tuyển được người trợ giảng.
Thiện Nhân (TNO)
Bình luận (0)