Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trò học dở, thầy học lại

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi những nơi khác giáo viên tận dụng 2 tháng nghỉ hè để nghỉ ngơi, ôn lại chuyên môn hoặc phụ giúp gia đình thì hàng ngàn giáo viên tiểu học ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đang phải ngồi gò lưng làm lại từng bài tập trong chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5…          
Giáo viên gò lưng giải 1 + 1!
Chuyện thật như đùa trên xuất phát từ một phần nội dung trong công văn số 254 ngày 20-4-2009 của Phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng, hướng dẫn đánh giá chương trình sách giáo khoa môn tiếng Việt và môn Toán bậc tiểu học. Theo đó, Phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng “yêu cầu tất cả giáo viên đang giảng dạy bậc tiểu học phải tự giải tất cả các bài tập toán trong sách giáo khoa hiện hành của bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Bài tập giải của mỗi khối ghi chép vào một quyển tập; bậc tiểu học có 5 khối là 5 quyển tập”.
Tiết học Toán lớp 2 ở một trường tiểu học huyện Giồng Riềng.
Theo các giáo viên, mỗi khối lớp họ phải dạy khoảng 180 tiết, mỗi tiết có từ 1-5 bài tập. Như vậy, với 5 khối học mỗi giáo viên tiểu học phải giải trung bình hơn 2.000 bài tập. Nhiều giáo viên tỏ ra mệt mỏi và bất bình với cách làm của phòng giáo dục. Không ít người cảm thấy bị xúc phạm khi được yêu cầu làm lại các bài toán cộng trừ nhân chia với những con số đơn giản ở lớp 1, 2…
Giáo viên N.V.T ở thị trấn Giồng Riềng bức xúc: “Vấn đề không phải là độ khó của các bài tập. Chúng tôi bức xúc ở chỗ, Phòng GD-ĐT của huyện không phân loại các bài tập nào cần phải giải mà buộc mọi người phải chép lại cả những bài tập 1 + 1 = 2, rất mất thời gian”. Cũng theo giáo viên này, trong suốt thời gian nghỉ hè vừa qua, anh không làm được gì ngoài việc phải ngồi giải hàng ngàn bài tập.
Để kịp “trả bài” cho Phòng GD-ĐT huyện, nhiều giáo viên đã phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân. Chị M. giáo viên ở thị trấn Giồng Riềng bày tỏ: “Tôi mới chép được hơn 2 quyển, từ nay đến ngày 15-7 (hạn chót nộp bài) phải hoàn thành nốt gần 3 quyển còn lại. Gấp quá nên thú thật tôi phải huy động cả chồng, con chép tiếp”.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy?
Lý giải về việc bắt các giáo viên tiểu học “trả bài”, một trong những lý do được Phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng đưa ra là để nâng cao khả năng giải toán cho giáo viên ở bậc tiểu học. Bởi lẽ năm học 2007 – 2008 vừa qua, ngành giáo dục huyện Giồng Riềng tổ chức cuộc thi khảo sát giải toán cho học sinh khối lớp 4 và 5, kết quả không có em nào trong số 200 em học sinh của huyện đạt điểm trung bình. Sốt ruột với kết quả này, phòng GD-ĐT huyện mới nghĩ ra “sáng kiến” cho giáo viên tiểu học ngồi giải lại các bài tập trong sách giáo khoa với hy vọng tất cả giáo viên sẽ có điều kiện để tiếp xúc với các dạng bài toán trong bậc tiểu học, từ đó có cách dạy tốt hơn trong năm học mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Điện, Phó phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng nói: “Chúng tôi không dám đánh giá khả năng dạy toán của giáo viên. Về công văn 254, chúng tôi đã nhận thấy một số điểm thiếu hợp lý, cụ thể là chưa xác định được những dạng bài cần phải giải và khoanh đối tượng cần giải bài…”.
Trước phản ứng của giáo viên, mới đây Phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng vừa có văn bản giải trình với Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang. Ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang nói: Việc làm của Phòng GD-ĐT huyện Giồng Riềng xuất phát từ ý định tốt. Tuy nhiên, khi thực hiện, lãnh đạo phòng đã triển khai quá nóng vội, thiếu khoa học. Ngay sau khi nhận được giải trình của Phòng GD-ĐT Giồng Riềng, sở đã có chấn chỉnh; cụ thể, cách làm trên vẫn có thể áp dụng nhưng phải phân biệt rõ ràng từng dạng bài tập cần giải lại. Bên cạnh đó, giáo viên dạy khối nào sau một năm sẽ sinh hoạt chuyên môn ở khối đó để đưa ra các dạng bài tập khó để cùng thảo luận tìm hướng giải hay nhất giúp học sinh dễ hiểu, chứ không thể buộc giáo viên giải hết bài tập của cả 5 khối theo kiểu “dàn hàng ngang bước đều” như vậy.
ĐÌNH TUYỂN – XUÂN LỢI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)