Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trở lại Bàn Cờ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phong trào đấu tranh chống Mỹ, Bàn Cờ (P.3, Q.3, TP.HCM) được chọn là căn cứ cách mạng, là vùng lõm chính trị xây dựng căn cứ lòng dân, điển hình là Nguời mẹ Bàn Cờ.

Diện mạo mới của đường Bàn Cờ hiện nay

Vùng lõm Bàn Cờ, cái tên còn là niềm tự hào của Nhân dân Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM. Tại đây, hơn 40 năm trước, có khoảng 200 bà mẹ Bàn Cờ đã hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng mà tên tuổi các mẹ đã đi vào lịch sử.

Vùng lõm Bàn Cờ

“Các mẹ đã ra đi, chỉ còn vài người nhưng sức khỏe cũng hạn chế”, anh cán bộ Đoàn P.3 thông tin như thế khi chúng tôi muốn gặp. Dẫu các mẹ có đi xa ngàn trùng nhưng hình tượng mẹ Bàn Cờ vẫn còn mãi trong trang sử hào hùng, là ngọn đuốc sáng, lòng trong soi đường thế hệ trẻ tiếp bước.

Căn cứ cách mạng Bàn Cờ là “máu thịt” của Nhân dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ở đó có những người mẹ bất khuất, kiên trung một lòng một dạ hướng về cách mạng. Các mẹ đã nuôi giấu, bảo vệ đảng viên, cán bộ và đáng tự hào là chính nhờ các mẹ Bàn Cờ mà đã xây dựng thành công căn cứ lòng dân và nhiều cứ điểm nội đô. Tháng năm ấy, những người con của mẹ cũng đã vĩnh viễn nằm xuống vì nghĩa lớn. Không chỉ đóng góp về công sức, trí tuệ, tinh thần cách mạng mà các mẹ còn đóng góp nhiều của cải để phục vụ cách mạng trong những ngày Sài Gòn sục sôi.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ P.3, Q.3) nhớ lại, Bàn Cờ cách đây 50 năm là một xóm lao động nghèo nằm lọt thỏm giữa các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Lạ thay, vùng đất này lại sinh ra những con người kiên trung, bất khuất, dám đương đầu dẫu cái chết cận kề. Chúng tôi đã tìm gặp bà Trần Ngọc Sương, là một trong số hơn 200 mẹ Bàn Cờ còn sống chính tại mảnh đất này. Bà Sương vừa bước sang tuổi 84, đang phải chống chọi với bệnh tật khá nặng. Bà Sương còn được thế hệ trẻ của Q.3 nói riêng và TP.HCM nói chung gọi bằng cái tên trìu mến: “Mẹ Sương” hoặc “mẹ Bàn Cờ”.

Người mẹ Bàn Cờ

Khắc tạc hình tượng người mẹ miền Nam – người mẹ Bàn Cờ vào trong thi ca chính là chàng sinh viên miền Trung Nguyễn Kim Ngân (sinh năm 1946). Bài thơ Người mẹ Bàn Cờ là cảm xúc của Nguyễn Kim Ngân khi còn là một chàng sinh viên tranh đấu của ĐH Văn khoa Sài Gòn đã hơn một lần được các mẹ Bàn Cờ chở che, cưu mang. Những người mẹ khéo léo, thông minh và lòng bao dung đã giúp ông và anh em tranh đấu thoát khỏi vòng vây của chính quyền Sài Gòn, tiếp tục phong trào tranh đấu.

Khoảng giữa những năm 1970, ca khúc cùng tên ra đời do người bạn nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc đã nhanh chóng lan truyền và để lại nhiều cảm xúc và ảnh hưởng trong nhiều giới. Những người cùng thời cho rằng, ca khúc Người mẹ Bàn Cờ là ngọn đuốc của niềm tin, của sức mạnh đối với các phong trào đấu tranh ở Sài Gòn, đặc biệt là trận Mậu Thân 1968 và sau này là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Kim Ngân trở về quê hương gắn bó với nghề dạy học. Ông chính thức cầm sổ hưu từ nhiều năm nay, sống an nhàn cùng với con, cháu tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngôi nhà tuềnh toàng của ông giáo già trở thành “trạm” dừng chân của anh em văn nghệ sĩ khắp nơi khi có dịp thiên lý Bắc Nam. 

Trong những ngày Sài Gòn binh biến, dù đang bị kiểm soát gắt gao nhưng bà Sương đã tổ chức cho hàng chục người mua vải may cờ chờ ngày nổi dậy giành chính quyền trong thành phố. Cờ may xong, việc vận chuyển đến các căn cứ cách mạng nội đô không dễ, thế mà những xe cờ được ngụy trang là xe hàng đã lần lượt về điểm tập kết. Với sự liều lĩnh, gan dạ giải thoát nhiều vòng vây của chính quyền Sài Gòn với Bàn Cờ mà đồng đội, đồng chí gọi là “chứng nhân Bàn Cờ”.

Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) cho biết, Bàn Cờ còn được chọn xây dựng căn cứ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Chính quyền Sài Gòn đã “khoanh vùng”, đây là địa chỉ nằm trong “danh sách đen” cần phải theo dõi chặt chẽ mọi động tĩnh. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều phương án chuẩn bị cho các đợt tấn công và nổi dậy của chúng ta lúc bấy giờ bị thất bại. Dù tuổi tác ngang nhau nhưng ông Tư Cang bảo gọi mẹ là vì hình ảnh các chị quá lớn, chở che và bảo bọc như những người mẹ.

Diện mạo mới

Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, quân và dân Bàn Cờ đã chịu nhiều hy sinh, mất mát. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với sự quan tâm của chính quyền thành phố, người dân Bàn Cờ đã đoàn kết một lòng xây dựng địa phương phát triển về mọi mặt và tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Theo bản đồ hành chính của Q.3, Bàn Cờ hiện nay được chia thành 5 phường, trong đó P.3 là trung tâm, là nơi mà trong ký ức của người Sài Gòn ít nhiều lưu giữ về tháng ngày chìm trong bom đạn. Sau hơn 40 năm, Bàn Cờ đã khoác lên mình chiếc áo mới, khẳng định sự đoàn kết một lòng của chính quyền và Nhân dân. Bà Hoa nói: “Thật lòng tôi không thể tin được sự đổi thay của một xóm lao động nghèo nhà cửa tạm bợ, lụp xụp và ẩm thấp trước đây”.

“Hầu như năm nào tôi cũng trở lại Bàn Cờ, lúc thì họp hành, khi thì thăm anh em đồng chí. Mỗi năm Bàn Cờ mỗi khác, từ trong hẻm cũng tươi sáng, rực rỡ hơn, nhà cửa khang trang hơn”, ông Tư Cang xúc động nói.

Cuối tháng 7-2015, Vùng lõm chính trị – Căn cứ cách mạng Bàn Cờ đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Tại buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã yêu cầu Đảng bộ địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần “trung thực, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân, đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, mãi xứng đáng là thế trận lòng dân.

Trước sự hy sinh to lớn của người mẹ Bàn Cờ, thế hệ trẻ hôm nay luôn nỗ lực học tập và rèn luyện, trau dồi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong mọi hoàn cảnh.

Bài, ảnh: Trần An

 

Bình luận (0)