Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu quá ảm đạm. Những hi vọng về sự phục hồi nhanh chóng của khu vực tài chính nhanh chóng tiêu tan cùng với các vụ đổ bể mới.
Kinh tế thế giới dường như quay lại với các tiêu chuẩn phát triển cơ bản, mà ở đó các nền kinh tế đang phát triển được coi là hạt nhân cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Diễn tiến bi quan
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra mới đây, nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo thế giới kinh tế thế giới đưa ra nhận định không mấy sáng sủa cho kinh tế toàn cầu: “Kinh tế thế giới đang đối mặt với giai đoạn suy giảm tăng trưởng. Có sớm cũng phải hết năm 2009 mới thoát khỏi những khó khăn này”. Nhận định bi quan đó không phải ngẫu nhiên được đưa ra, mà hơn thế nó là sự nhìn nhận tổng thể từ sự tan vỡ của nhiều khu vực kinh tế Mỹ. Khiến nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này có nguy cơ rơi vào thảm cảnh suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1929 -1930 của thế kỷ trước. Cũng trong phiên họp của WEF, Phó Chủ tịch City Group, William R. Rhodes, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành City Bank cho rằng “Những gì đang diễn ra trên thị trường Mỹ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ đang trong cơn khủng hoảng, nhưng đó chỉ là cơn khủng hoảng lòng tin”. Tuy nhiên với những gì diễn ra trong khu vực tài chính Mỹ, ở lần lượt các thiết chế tài chính Mỹ thì xem ra hai chữ “lòng tin” không thôi thì chưa đủ. Rõ ràng sự đổ vỡ ở Mỹ, diễn biến tới mức bi đát như hiện nay không chỉ là lòng tin mà hơn thế nó là sự đổ vỡ của một cơ chế – cơ chế tín dụng lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận và chịu nhiều sức ép cạnh tranh trên thị trường.
Chính các yếu tố con người và lợi thế tự nhiên vốn sẵn ở khu vực Trung Quốc và Asean đang là cơ sở để thế giới vượt qua khủng hoảng hiện nay. |
Trông đợi khu vực đang phát triển
Các nền kinh tế đang phát triển, nơi những quy định về tín dụng còn lỏng lẻo hơn nhiều ở Mỹ và châu Âu. Nhưng trong bối cảnh kinh tế suy sụp như hiện nay, thì chính khu vực này mới là đòn bẩy để khơi dậy sự hưng phấn, tạo đà phát triển để có cơ hội điều chỉnh mới cho thị trường. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đều cho rằng: “Cho dù cũng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chung giống như kinh tế toàn cầu lúc này, song Trung Quốc và các nền kinh tế mới như ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thế giới”. Theo ông Cheng Siwei – Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Mềm Trung Quốc thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lân cận đang phải giải bài toàn cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát. Để đạt mục tiêu bình ổn, hạ lạm phát thì những lợi thế về tăng trưởng về thu hút đầu tư sẽ mất đi. Trong khi so với nhiều khu vực trên thế giới thì Trung Quốc, ASEAN rồi Ấn Độ … đang có những lợi thế phát triển hơn cả. Có lẽ vì lý do đó, nên cả Trung Quốc cũng như nhiều nước trong khu vực dường như đều chấp nhận giải pháp kiềm chế lạm phát vừa phải trong khi cố giữ tăng trưởng hơi nhỉnh so với mặt bằng thế giới và khu vực. Từ đó hi vọng tiếp tục là điểm đến của giới đầu tư, là điểm tựa cho sự phục hồi và sẽ là trung tâm cho kinh tế cho chu kỳ phát triển mới sau khủng hoảng. Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, đúng như nhận định của ông Jack Ma Yun – Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn Alibaba Trung Quốc cho rằng “thế giới đang trở lại những giá trị cơ bản”. Sự trở lại này là khẳng định, là đề cao những yếu tố kinh tế truyền thống.
Nam Phong (dddn)
Bình luận (0)