Y tế - Văn hóaThư giãn

Trở lại làng Vây

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi theo đoàn y tế của huyện Hướng Hóa về công tác ở mấy xã đường biên. Chiếc U- oát bò đến dốc cây Lim thì phải dừng lại. Đường tắc. Cơn bão số hai làm mặt đường sạt lở mất một góc cua. Phía trước, một tốp gần chục người cả Kinh lẫn Vân Kiều đang xếp đá sửa chữa đường cho chiếc xe tải chở lương thực, thực phẩm lên các lán trồng tiêu và cà phê. Một cô gái Vân Kiều đanh đá gọi:

– Cán bộ ơi! Xuống làm đường đi. Không làm chúng em không cho xe đi đâu.

Nhận ra cậu Tiến lái xe, cô sựng lại:

– Ô! Anh Tiến. Em không biết các anh lên.

– Trời! Ai như cô Đắc – tôi ngỡ ngàng nhìn cô gái, suýt reo lên. Đâu phải! Cô gái Hồ Thị Đắc của tôi ngày xưa đâu còn nguyên vẹn hai bàn tay…

*

* *

Mùa xuân Mậu Thân, tiểu đoàn chúng tôi bí mật tiến dọc theo con đường Trường Sơn tiếp cận với cụm phòng ngự phía tây của địch trên mặt trận Đường 9 – Khe Sanh.

Làng Vây là cứ điểm nằm ở góc Tây-Bắc của tỉnh Quảng Trị. Địa hình ở đây rừng núi hiểm trở, cây cối rậm rạp, sương mù bao phủ quanh năm. Làng cách sông Sê Pôn 1,5 km, sát biên giới Việt – Lào. Bọn địch xây dựng căn cứ Làng Vây thành một cứ điểm mạnh, có đủ sắc lính: lực lượng đặc biệt Mỹ, biệt kích ngụy Sài Gòn, lính mũ nồi xanh người Bru, Hre… và cả biệt kích Lào. Oétmôlen, tư lệnh quân đội xâm lược Mỹ tại Việt Nam, huênh hoang: “Gặm vào Khe Sanh, Việt cộng sẽ bị gãy răng”…

Hãy khóa mõm lũ giặc ngạo mạn Huê Kỳ bằng những quả đấm thép – chúng tôi nói với nhau. Trời tháng hai lạnh giá, dòng Sê Pôn ầm ào cuồn cuộn chảy. Những chiếc xe tăng PT-76 lao xuống đầm mình bơi trong nước. Những ngày này khắp mặt trận rền vang tiếng đạn bom. Pháo sáng của địch liên tục giăng kín bầu trời. Thỉnh thoảng những chiếc L-19 láo liên, nghiêng ngó, quần đảo nhưng không phát hiện được điều gì. Chúng tôi ngụy trang thật kĩ bằng lá cây rừng và những vạt cỏ lách tươi. Dòng sông Sê Pôn hẹp, có nhiều chỗ đá ngầm xe qua không được. Đơn vị công binh lợi dụng lúc pháo địch rộ lên để nổ mìn phá đá. Cuối cùng chúng tôi cũng tập kết đúng thời gian quy định tại Pê-sai.

Giờ tiến công đã đến. Đêm mồng 6 tháng 2, các cỡ pháo của ta gầm lên, bắn áp chế vào cứ điểm làng Vây. Những chiếc xe tăng của tiểu đoàn 198 đã trườn vào phía nam cứ điểm. Đúng 23 giờ 15, xe tăng ta phối hợp với bộ binh, đặc công đồng loạt xung phong. Những chiếc xe tăng hùng dũng tung hoành, diệt hết hỏa điểm này đến hỏa điểm khác. Pháo của địch từ Khe Sanh, căn cứ Carroll và Roc kpile dội về. Máy bay F4H và AD6 đổ bom xuống như mưa. Các thùng nhiên liệu cháy sáng rực như ban ngày. Lúc 2 giờ 30, hai cánh xe tăng của ta dẫn bộ binh thọc thẳng vào sở chỉ huy cứ điểm. Bọn địch điên cuồng dùng súng chống tăng M72 chống trả. Một quả đạn làm Việt – pháo thủ số 2 bị thương. Tôi cho xe cố tiến vào sở chỉ huy của địch đang cố thủ dưới hầm ngầm. Một trái phá nữa bật bung xích sắt. Tôi dùng K53 quét ngang vào đội hình bộ binh địch. Trời sáng tỏ, quân ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường. Bọn địch giẫm đạp lên nhau tháo chạy về Khe Sanh. Tiêu diệt xong cứ điểm, ngày mồng 7 tháng 2 xe tăng ta bơi ngược trở lại theo dòng Sê Pôn về căn cứ giấu quân dưới cánh rừng già Lao Bảo. Lúc này phi đoàn không quân số 1 lính thủy đánh bộ Mỹ đã dùng bom xăng hủy diệt trận địa. Chúng thả bom ngạt ở vòng ngoài rồi cho máy bay lên thẳng giải cứu đồng bọn còn sót lại dưới hầm ngầm. Máy bay địch đuổi theo oanh kích đoàn xe. Nguy hiểm nhất vẫn là loại máy bay Spooky AC- 47D “rồng lửa”, một loại máy bay được trang bị nhiều súng máy. Anh Liêm lái xe và cậu Việt dính đạn ngã xuống sau khi đã dùng 12 ly 7 hạ được một chiếc F4H. Đại – pháo thủ số 1, bị mảnh đạn găm vào trán máu chảy đầm đìa. Tôi bị thương phần mềm ở đùi, cố dìu anh về một hố bom sát thương …

Tỉnh lại, tôi thấy mình ở trong một căn nhà nhỏ của làng Troài. Nhà chỉ có một bà cụ người Vân Kiều thân hình nhỏ nhắn, nước da nâu sậm. Đại đang nằm trên sạp nứa, đầu quấn băng kín mít. Một thứ nước màu vàng đục nhờ nhờ chảy xuống hai hốc mắt anh. Một lúc sau, có cô gái cụt một bàn tay đi ngoài rừng về. Cô hái nắm lá thuốc con khỉ giã nhỏ đắp vào vết thương cho tôi. Đây là lá thuốc chữa vết thương bí truyền của người dân tộc. Hàng ngày, cô gái lên nương còn bà cụ ở nhà cho chúng tôi ăn. Lương thực của người dân ở đây chẳng có gì ngoài sắn.

Một tuần sau, có một chiếc máy bay lên thẳng của địch đổ quân xuống bên chiếc xe tăng bị trúng bom. Mấy tên cố vấn Mỹ hí hửng đến chụp ảnh. Bọn thủy quân lục chiến lùng sục khắp làng. Chúng điên cuồng trả thù dân làng che giấu Việt cộng, xả súng bắn người vô tội vạ. Cô gái Hồ Thị Đắc ( Người Vân Kiều mang họ Bác Hồ) dìu chúng tôi ra một hang đá ngoài rừng. Chiều tối bọn địch rút hết, chúng tôi trở về thì thấy bà mẹ nằm bên vũng máu, đầu bị đập vào cột nhà. Kiểm tra lại chỉ thấy mất đi chiếc mũ tai bèo chúng tôi chưa kịp giấu. Chúng tôi đau đớn chôn xác mẹ ngay trong vườn. Tôi ở lại hai tháng thì sức khỏe hồi phục. Đại đã bị mù cả hai mắt. Anh ôm lấy tôi khóc như mưa. Lòng se lại, tôi lấy mấy ngón tay gầy guộc vén mái tóc dài phủ xuống hai bên má cho anh, đôi mắt anh chỉ còn màu trắng dã. Tôi nắm lấy bàn tay còn lại của Đắc như một lời ký thác tính mệnh người đồng đội thân thương. Tôi hứa với Đại khi nào về đến nơi sẽ trở lại đón anh, nhưng giữa năm 1968 bọn địch đã tái chiếm một số vùng giải phóng nên đành chịu. Đây là thời kỳ cam go nhất của quân ta. Lương thực, đạn dược và thuốc men cạn kiệt. Đầu năm 1969 bọn địch đã đẩy chiến tranh lên nấc thang ác liệt hơn. Tôi được ra Bắc điều trị, sau đó trở lại trường đại học. Lời hẹn đối với Đại canh cánh trong lòng. Sau ngày giải phóng đã mấy lần tôi quay trở lại chiến trường Quảng Trị tìm anh. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng quê anh ở vùng Hải Lăng- Quảng Trị. Anh theo ba mẹ ra Bắc tập kết lúc mới tám tuổi. Tôi gặp nhiều cán bộ tập kết ra Bắc nhưng chẳng ai biết về bố mẹ của Đại bởi ngay tôi cũng không biết bố mẹ anh tên gì. Tôi nhiều lần đến làng Vây, làng Troài nhưng bom đạn giặc cày xới, làng xóm tiêu điều, phiêu tán, cũng chẳng ai còn biết gì về cô gái Hồ Thị Đắc.

*

* *

Sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã cùng đồng bào chữa đường xong. Chiếc xe tải nhường cho chúng tôi vượt trước. Cô gái ấy sao mà trông quen quá – Có lẽ nào là con gái của cô Đắc. Ý nghĩ đó cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi suốt cuộc hành trình. Tôi trách mình lúc ấy sao không hỏi thử. Tôi nói điều suy nghĩ với Tiến. Cậu nói:

– Không biết bố mẹ cô gái tên gì. Chỉ biết bây giờ ông bà già đang ở thị trấn Khe Sanh. Cứ mỗi tuần hai lần, cô lại chở lương thực, thực phẩm lên lán ở Ba Tầng cho công nhân. Gia đình cô có gần hai chục héc ta hồ tiêu với cà phê.

– Cậu có thấy bố cô bị mù lòa gì không?

– Cái đó thì em không biết. Mà vội gì, đến hôm về ghé lại thị trấn khắc biết…À! Hình như bố mẹ cô đều là thương binh.

– Bố mẹ cô đều là thương binh. – Tôi sung sướng reo lên. Đại ơi! Tôi đang về lại với anh đây. Tôi đang chuộc lỗi với anh đây! Suốt bao năm tìm bạn long đong, vất vả, lần này tôi lại về làng Troài, làng Vây như tìm lại chính mình. Chắc chắn đó chính là Đại chứ không thể là ai khác – lòng tôi canh cánh một niềm tin sẽ tìm được người đồng đội thân yêu của mình…

Chiếc U-oát vù ga vượt dốc, nó dũng mãnh như chàng trai mười bảy, đường gập ghềnh nhưng vẫn chạy bon bon.n

Trần Đức Niềm

(Quảng Bình mùa xuân 2008)

Bình luận (0)