Bước vào lớp, cô giáo Thanh hỏi lớp có bao nhiêu bạn nhà bị chìm trong nước lũ, cả 45 học sinh đồng loạt giơ tay. Cô hỏi tiếp các em có được ăn cơm không, cả lớp đồng thanh: “Em phải nhịn đói hơn một ngày, đến khi nhận cứu trợ khẩn cấp mới được ăn mì tôm sống…”.
Học sinh Trường tiểu học Hội Phú (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) tự dọn dẹp bùn đất trong các phòng học (ảnh chụp sáng 12-11) – Ảnh: Dương Thanh Xuân |
Hàng ngàn học sinh vùng lũ của Phú Yên, Bình Định đang dần trở lại trường trong cảnh tiêu điều vì bão lũ. Học sinh đến lớp không có sách vở, bút mực. Thầy cô giáo cũng chưa kịp chuẩn bị giáo án, đồ dùng dạy học. Tất cả đã trôi theo lũ dữ.
Phú Yên: nguy cơ bỏ học cao
Yêu cầu đảm bảo “3 đủ”
Sở GD-ĐT Bình Định vừa yêu cầu phòng GD-ĐT các huyện, thành phố và các trường THPT trong tỉnh khẩn trương triển khai kế hoạch phối hợp với các cấp hội, đoàn thể, tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho học sinh nghèo có thể tiếp tục đến trường theo yêu cầu đảm bảo “3 đủ”: đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo.
Đi đôi với việc tổ chức các hoạt động quyên góp, giúp đỡ học sinh, Sở GD-ĐT còn đề nghị các trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái trong học sinh, để các em chia sẻ, động viên, giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn vượt khó tiếp tục đến trường.
|
Đến sáng 12-11 nhiều trường tiểu học trên địa bàn các xã An Ninh Tây, An Thạch… (huyện Tuy An, Phú Yên) vẫn chưa thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Sân trường tiểu học An Thạch ngổn ngang đất đá. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy nói: “Sách vở, dụng cụ học tập của học trò đều bị trôi mất hoặc ướt hỏng. Bản thân tôi cùng nhiều giáo viên trong trường cũng bị trôi sạch giáo án, đồ dùng giảng dạy”.
Thầy giáo Nguyễn Sĩ Hiệp cho biết thêm: “Nhiều gia đình có người chết, nhà sập, tài sản trôi sạch nên chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện học hành của con cái, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học”. Ông Bùi Văn Thành, phó Phòng GD-ĐT huyện Tuy An, lo lắng: “Hiện Tuy An vẫn còn mười trường chưa thể tổ chức học lại được vì trường bị hư hỏng nặng, học sinh không có sách vở, quần áo”.
Tại thị xã Sông Cầu, đến nay vẫn còn sáu trường chưa thể tổ chức cho học sinh học lại. Các trường khác dù đã tổ chức học lại nhưng số lượng học sinh đến lớp vẫn còn ít. Theo ông Nguyễn Huệ, trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Sông Cầu, toàn huyện có hơn 6.300 học sinh thuộc 16 trường bị mất sách vở, dụng cụ học tập nên các em chưa thể đến trường học lại.
Riêng huyện Đồng Xuân, hầu hết trường lớp đều bị ngập nặng trong lũ dữ. Thiết bị, đồ dùng dạy học hư hỏng nặng nề. Nhiều trường học chỉ còn trơ lại móng. Chính vì thế, việc tổ chức cho học sinh học trở lại hiện nay là một vấn đề nan giải. Hiện còn đến 21 trường học chưa thể tổ chức cho học sinh đi học lại.
Căng thẳng hơn, gần 6.000 học sinh thuộc các trường này do bị mất hết sách vở, dụng cụ học tập nên dù trường có tổ chức học lại các em chưa chắc ra lớp. Ông Phạm Ngọc Hòa, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân, nói: “Dự kiến trong tuần tới tất cả các trường trên địa bàn huyện sẽ tổ chức đi học lại nhưng với tình hình học sinh thiếu sách vở, dụng cụ học tập như hiện nay thì việc học của các em khó có thể đảm bảo”.
Bình Định: dạy học trong nước mắt
Một tuần sau trận lũ, chúng tôi trở lại trường tiểu học, trung học cơ sở ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), các huyện Vân Canh, Tuy Phước, An Nhơn… Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn học sinh đến trường trong tình trạng không sách vở. Có em mang theo sách vở vẫn còn bị ướt đến lớp. Em thì không còn đồng phục phải mặc tạm những bộ đồ cũ kỹ do hàng xóm chia sẻ. Nhiều em đến trường trên người vẫn còn vết tích sau những ngày chống chọi với lũ.
Chị Minh – mẹ của em Nguyễn Thành Nam, lớp 1B Trường tiểu học số 1 Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) – cho biết: “Gia đình tính cho cháu nghỉ một vài ngày để vay mượn người thân một ít tiền về mua sách vở rồi mới cho cháu đi học lại, nhưng cháu nằng nặc đòi đến trường nên tôi phải theo ý con. Khi tôi đưa đến cửa lớp rồi cháu không dám vào lớp, sợ cô giáo la vì không có sách vở. Nhiều cháu khác cũng có tình cảnh tương tự. Đến khi cô giáo ra động viên, cháu mới chịu vào ngồi học”.
Khi chúng tôi bước vào lớp 5D Trường tiểu học số 1 Nhơn Phú cũng là lúc cô giáo Huỳnh Thị Kim Thanh bắt đầu tiết học toán đầu tiên. Không như thường lệ mỗi khi bước vào lớp câu đầu tiên cô hỏi hôm nay có vắng bạn nào không, thay vào đó cô hỏi lớp có bao nhiêu bạn nhà bị chìm trong nước lũ thì 45 học sinh đều giơ tay.
Cô Thanh hỏi tiếp vậy trong những ngày bị ngập lụt các em có được ăn cơm không, các em đều trả lời phải nhịn đói hơn một ngày sau đó mới nhận được quà cứu trợ khẩn cấp nên chỉ ăn mì tôm sống… Hỏi đến đây giọng cô Thanh nghẹn ngào. Cô tâm sự: “Hơn mười năm làm nghề giáo chưa bao giờ tôi phải chứng kiến các em học sinh đến lớp trong tình cảnh như thế này”.
Tại Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình, chúng tôi chứng kiến cô giáo Ngô Thị Lệ Hoa vừa đọc vừa chép lên bảng cho các em học sinh lớp 1B vừa lau nước mắt. Trong suốt một buổi học không biết bao nhiêu lần cô quay mặt đi để kìm xúc động mỗi khi nhìn xuống dưới lớp.
Bởi phía dưới các học trò của mình đang vật lộn với con chữ vì tập bị ướt viết không ra chữ, sách không lật sang trang được vì trang này dính vào trang kia. Để các em không có sách theo kịp chương trình, các giáo viên chỉ chép lên bảng cho các em học, thay vì phải lật sách học như trước đây.
Theo TTO
Bình luận (0)