Y tế - Văn hóaThư giãn

Trở lại với nhạc xưa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc xưa hay nhạc “sến” nói đúng tâm trạng của số đông, khi được diễn tả bởi những giọng ca phù hợp sẽ đánh thức và làm bay bổng những hoài niệm, mộng ước của nhiều thế hệ
Sau năm 1975, gu thưởng thức nhạc đã chia ra 3 loại hình, gồm nhạc đỏ, nhạc vàng và nhạc “sến”.
Nổi chìm nhạc “sến”
Nhạc đỏ là những bản nhạc cách mạng với giai điệu hùng tráng, ca từ mạnh mẽ, lạc quan, mang tính chiến đấu cao từ trong chiến tranh phổ biến ở cả miền Bắc lẫn miền Nam (thời kỳ tạm chiếm). Nhạc vàng, được hiểu là nhạc “tiền chiến”, là những sáng tác âm nhạc trước năm 1945, hầu hết là những ca khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng, trầm buồn, ca từ trau chuốt, lãng mạn, thể hiện tình yêu đôi lứa. Nhạc “sến”, phổ biến ở miền Nam trong giai đoạn chiến tranh ở miền Nam trước năm 1975, hầu hết những bài hát này từ giai điệu đến ca từ đều rất buồn, thể hiện tình yêu đôi lứa trong cảnh chia ly, tan vỡ hoặc nỗi buồn về thân phận, quê hương chia cắt. Một số ca khúc nói về đời lính, tình yêu của lính trong bối cảnh chiến tranh, nhìn tương lai u ám, nuối tiếc dĩ vãng, kỷ niệm… Nói chung, được quy cho cái mác nhạc “não tình”.
Ca sĩ Xuân Phú hát nhạc xưa tại phòng trà WE Ảnh: LEON TRAN
Nhưng thế nào là nhạc “sến”? Có nhiều cách giải thích nhưng theo tôi, cách giải thích thuyết phục nhất thì thế này: Do đây là dòng nhạc sáng tác cho đại chúng, theo giai điệu boléro, hambanera, slow rock… mà hầu hết lấy điệu boléro làm chủ đạo, ca từ đời thường dễ hiểu, dễ thuộc, mang nặng tâm trạng của số đông kể cả thành thị lẫn nông thôn nên khi được các ca sĩ có chất giọng phù hợp phổ biến trên các phương tiện truyền thông thời bấy giờ thì rất dễ đi vào lòng người, lan tỏa nhanh thành một xu hướng nhạc thị hiếu, đáp ứng cho số đông. Phải nói rằng gạn lọc từ trong dòng nhạc này cũng có nhiều ca khúc phù hợp với tâm trạng của nhiều người và chính vì thế nên được hát mọi lúc, mọi nơi, không chỉ với người lớn tuổi mà cả giới trẻ, đặc biệt là giới “bình dân”.
Giới “bình dân” thời đó là ai? Đó là giới có trình độ văn hóa thấp, xuất thân từ nông thôn, do chiến tranh loạn lạc rời bỏ quê nhà lên Sài Gòn làm nghề ở mướn, giúp việc cho các gia đình người Mỹ có vợ Việt hoặc gia đình người Việt giàu có. Đa số thành phần này là các cô gái trẻ, hoàn cảnh nghèo, đang trong độ tuổi yêu đương, lãng mạn, có người phải chia tay với người yêu do hoàn cảnh, có người bị phản bội…, nói chung là đầy tâm trạng, ẩn ức. Thời đó, Sài Gòn chưa có nước máy vào tận mỗi nhà, từng khu vực sử dụng chung một “phông-tên nước” công cộng, mở theo giờ giấc quy định, ban ngày nước chảy yếu, ban đêm nước chảy mạnh nên các cô giúp việc được gọi là cô “Sen” hay Mỹ hóa thành “Mari Sến” mỗi tối phải mang đôi thùng ra xếp hàng theo thứ tự để hứng nước, rồi gánh về nhà chủ.
Trong lúc chờ hứng nước, những cô gái đồng cảnh ngộ, đồng tâm trạng này thường túm tụm từng nhóm, nói chuyện trên trời dưới đất, tâm sự mọi nỗi niềm, có cô cao hứng cất tiếng hát rồi nhiều cô hát theo và đó là những ca khúc đã đi vào lòng mỗi người, điệu boléro, ca từ phù hợp với tâm trạng như nói lên nỗi lòng mình, ước mơ, hoài bão… trong từng lời ca, ý nhạc. Và từ đó, những ca khúc điệu boléro dễ thuộc, dễ hát, dễ cảm được gọi là nhạc “Mari Sến”, lâu dần gọi tắt là nhạc “sến”.
Sau năm 1975, nhạc “sến” bị quy cho cái mác là nhạc “não tình” không phù hợp với cuộc sống mới nên đã bị cấm. Nhưng rồi sau một thời gian, các quán cà phê đã mở lại loại nhạc này, người ta vẫn hát trong những buổi sinh hoạt, tiệc tùng của gia đình. Sau đó nữa là các tiệm karaoke với đầu máy phát 5 số, 6 số trong list nhạc, cạnh những bài nhạc đỏ (nhạc cách mạng) chiếm đa số là nhạc vàng và nhạc điệu boléro trước năm 1975 (lúc bấy giờ được gộp chung là nhạc “sến”). Theo cách gọi này, vô hình trung tới giai đoạn đổi mới sau năm 1986, loại hình âm nhạc được phân chia lại theo “đẳng cấp”: nhạc đỏ, nhạc trẻ (mới nổi) và nhạc “sến” – đã gộp cả nhạc tiền chiến vào – dù cách gộp này rất khập khiễng bởi nhạc tiền chiến là một dòng nhạc riêng, sang trọng, dành cho giới trung lưu, không phải là nhạc “sến”.
Khai phá làng giải trí
Theo từng giai đoạn, cơ quan chức năng đã “gỡ nút thắt” cho nhạc “sến”, hiện nay chỉ còn một số ít ca khúc trước năm 1975 chưa được phép phổ biến. Cùng lúc đó, không chỉ có người sống ở miền Nam trước đây mà người miền Bắc bây giờ ngoài việc thưởng thức nhạc cách mạng đã có thêm sự chọn lựa là thích nghe nhạc “sến”. Có nhu cầu, tức có người phục vụ nhu cầu, nhiều show ca nhạc tổ chức ở Hà Nội mời Chế Linh, Tuấn Vũ, Kim Anh, Thanh Tuyền, Phương Dung và sau này cả Duy Quang, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Ly… về hát nhạc xưa thay cho cách gọi nhạc “sến”, coi như sự khai phá trong làng giải trí về một dòng nhạc không thể lãng quên. Những show diễn có ca sĩ xưa, hát nhạc xưa này đều cháy vé. Cùng lúc đó, ở TP HCM, các phòng trà như Văn Nghệ, Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, Tiếng Xưa… cũng đua nhau mời các ca sĩ này về biểu diễn. Riêng phòng trà Ân Nam thường xuyên có một dàn ca sĩ chuyên hát nhạc xưa, xem đây là nét đặc biệt của một phòng trà đã tạo được dấu ấn riêng.
Nhạc “sến” hay nhạc xưa, tùy theo cách gọi và cách hiểu của mỗi người nhưng có một điểm chung là dòng nhạc này có nhiều bài (chứ không phải hầu hết) của các nhạc sĩ thành công với giai điệu boléro như: Trúc Phương, Hoài Linh, Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Thanh Sơn, Lam Phương, Lê Dinh, Anh Bằng… đã nói lên đúng tâm trạng của số đông và nếu được diễn tả bởi những giọng ca phù hợp thì sẽ đánh thức được những hoài niệm, hình bóng dĩ vãng, tâm trạng, tình yêu đôi lứa, mộng ước của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Tất nhiên, mỗi người thưởng thức nhạc xưa theo tâm trạng của riêng mình và cái hay cũng tùy theo hoàn cảnh, thậm chí cả trong khoảnh khắc nào đó ta chợt bắt gặp trong cuộc sống.
Và điều này có thể lý giải vì sao gu thưởng thức âm nhạc ngày nay đã dần quay lại với ngày xưa.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)