Một bộ phận GV giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay không chỉ yếu về chuyên môn mà còn hạn chế về việc sử dụng công nghệ và ngoại ngữ.
Theo đánh giá, hiện nay một bộ phận giáo viên GDNN chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ mới. Trong ảnh: Sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM trong một tiết học thực hành |
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra tại buổi họp bàn giải pháp tuyển sinh GDNN khu vực phía Nam mới đây. Theo đó, các đại biểu khẳng định hiện nay giáo viên GDNN chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ mới, dẫn đến khó đào tạo được đội ngũ nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động. Đây cũng là nguyên nhân GDNN chưa thu hút được nhiều người học.
Chưa bắt kịp xu hướng công nghệ
TS. Lê Đình Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An) thừa nhận số giáo viên dạy nghề hiện nay đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ khá thấp. Tuy nhiên, với “chuẩn” mà các trường tự đánh giá hoặc có đánh giá ngoài thì cũng chưa hẳn là có chất lượng đối với giáo viên dạy các nghề mới, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao và sâu hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoài Quốc (Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cũng tỏ ra lo lắng khi không ít giáo viên còn khá bỡ ngỡ với trang thiết bị đào tạo hiện đại. “Dĩ nhiên việc đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ thực hành ở các trường không thể theo kịp doanh nghiệp, tuy nhiên về cơ bản giáo viên phải cập nhật công nghệ, tự tìm kiếm tài liệu liên quan đến chuyên môn”, ông Quốc nói. Trong khi đó, đại diện một trung tâm GDNN-GDTX tại TP.HCM thẳng thắn nói: “Các trung tâm GDNN-GDTX vừa được thành lập, nơi thừa nơi thiếu giáo viên, không ít giáo viên hướng nghiệp lại chuyển sang dạy nghề thì khó đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể một số trung tâm hợp đồng với giáo viên bên ngoài, không được thẩm định về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng sư phạm”.
TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng để nâng cao chất lượng GDNN, ngoài các yếu tố đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản trị nhà trường thì đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt, quyết định. Nhận thức được điều này, trong chiến lược phát triển dạy nghề với 9 giải pháp thì giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trọng tâm. Theo đó, đội ngũ này cần được sắp xếp lại theo hướng tăng quy mô, có cơ cấu cân đối và đặc biệt là nâng cao chất lượng. Trong thời gian qua, Tổng cục GDNN đã được nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ hỗ trợ giúp đỡ về việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong các cơ sở GDNN theo phương pháp tiếp cận năng lực.
Bà Lê Xuân Hạnh (Phó Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) đề xuất đội ngũ giáo viên GDNN cần được tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy. Sau mỗi khóa học có đánh giá thực tế để rút kinh nghiệm, điều chỉnh chương trình phù hợp. Đặc biệt, ngoài các chuyên gia GDNN, vai trò của doanh nghiệp với những người giàu kinh nghiệm cũng không thể đứng ngoài cuộc trong việc bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn cho nhà giáo.
Kết nối mạng lưới giáo viên
Ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng chất lượng đội ngũ giáo viên GDNN của Việt Nam còn hạn chế ở nhiều mặt, trong đó phải kể đến kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới GDNN, ông yêu cầu các địa phương, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường kết nối mạng lưới giáo viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời chủ động hợp tác với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho giáo viên tham quan, thực hành tại doanh nghiệp. “Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc vừa diễn ra cũng là nơi để giáo viên cả nước học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ bài giảng hay góp phần nâng cao chất lượng GDNN”, Thứ trưởng Lê Quân nói.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết thực trạng trình độ giáo viên GDNN còn hạn chế là có, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tuyển sinh kém hiệu quả nhiều năm ở không ít trường nghề. Bàn giải pháp khắc phục yếu kém này, ông Sự cho biết Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang tổ chức các lớp bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó có lớp bồi dưỡng và nâng cao năng lực tiếng Anh và tin học. Trước mắt ưu tiên cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. “Bên cạnh các lớp được TP chi trả từ ngân sách Nhà nước, các trường cũng phải chủ động mở lớp ngoại ngữ, tin học tại đơn vị cũng như kết nối với doanh nghiệp, hội ngành nghề, tổ chức hợp tác quốc tế… tranh thủ mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo”, ông Sự yêu cầu.
T.Anh
Bình luận (0)