Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trợ lý phim: Nghề để… sai vặt

Tạp Chí Giáo Dục

Trợ lý Nam Anh (bìa trái) và các diễn viên trong phim Đồng hồ cát

Nhiều diễn viên như Hùng Thuận (Bé An trong Đất Phương Nam), Tạ Minh Tâm (Bác sĩ Hùng trong Blouse trắng), Hồng Ánh (Bạch Vân trong Người đẹp Tây Đô), Phi Thanh Vân (Phương Trinh trong Cô gái xấu xí), Lê Hoài Phúc (Bé Trí trong Đồng hồ cát)… vụt sáng thành “sao”, công đầu là nhờ các trợ lý đoàn phim phát hiện. Nhưng thực tế, người trợ lý rất ít được khán giả biết đến. Họ cứ lẳng lặng với cái nghề gian nan này mà trong giới điện ảnh thường ví von: “Là người sai vặt, luôn chịu sự “trên đe đưới búa” của đạo diễn…”.
“Trăm dâu đổ đầu… trợ lý”
Diễn viên Nam Anh, trợ lý bộ phim thiếu nhi Đồng hồ cát dài gần 200 tập kể: “Theo yêu cầu của đạo diễn, tôi đã “lùng sục” ròng rã suốt một tháng trời khắp các trường học, đội kịch thiếu nhi trong toàn thành phố để tìm các diễn viên nhí. Ngày cuối cùng, các vai phụ đều đã chọn được nhưng vẫn còn thiếu diễn viên nhí thủ vai chính. Tình cờ, tôi gặp cậu bé Lê Hoài Phúc gương mặt thông minh rất phù hợp. Khi đạo diễn yêu cầu Phúc diễn một phân đoạn trong kịch bản, cậu diễn thật xuất sắc nên được chọn ngay vào vai chính…”. Đó là chuyện tìm kiếm diễn viên, còn chuyện quản lý một lực lượng diễn viên nhí hùng hậu, trợ lý cũng phải có nhiều “chiêu”, Nam Anh chia sẻ tiếp: “Bộ phim quay 6 tháng liền, các em còn phải bận học ở trường nên việc sắp xếp lịch quay gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi ra điều kiện: nếu nghe nhà trường báo em nào học hành sa sút thì sẽ cắt vai ngay nên em nào cũng rất sợ. Tất cả đều đảm bảo lịch quay và đảm bảo việc học rất tốt…”.
Trong phim Đất lạ, trợ lý Khoa Nam được giao nhiệm vụ tìm nhân vật bán đồ cũ nghèo khổ theo yêu cầu của đạo diễn. Những tưởng đây là việc dễ dàng vì mấy nhân vật kiểu này rất nhiều ở các khu hè phố. Nhưng khổ nỗi, vai diễn này cat-se chỉ có 30 ngàn nên chẳng ai chịu đóng. Thấy Nam năn nỉ tội nghiệp quá, có một cô đồng ý, hẹn ngày mai sẽ đóng. Đến ngày quay, cô ta đi đâu mất, Nam tìm muốn hụt hơi mà không ra, báo hại bị đạo diễn la cho một trận như tát nước vào mặt, vừa quê vừa mệt, nhưng thân làm trợ lý phải bấm bụng mà nghe, đâu kịp thanh minh.
Trợ lý Linh Nhỏ cũng từng rơi vào hoàn cảnh éo le. Số là trong phim Trùng Quang tâm sử, đạo diễn muốn tìm một người dân bình thường nhưng phải bị bệnh ung thư… sắp chết, tức là gương mặt phải hốc hác tiều tụy, tả tơi, Linh Nhỏ lang thang hết mấy ngày trời ở các khu lao động nghèo, cuối cùng tìm được một người bệnh ung thư theo đúng ý đạo diễn. Nhưng mới quay được một ngày, đoàn phim chuyển sang bối cảnh khác, vì bối cảnh này quan trọng hơn. Một tuần lễ sau, khi đoàn phim dự định trở lại quay tiếp thì bệnh nhân đó đã ở trên… bàn thờ. Trợ lý lật đật báo cáo tình huống trên. Mới nghe qua, đạo diễn giận run người và mắng xối xả: “Tại sao không giữ bệnh nhân đó lại, bây giờ lấy gì mà có “rắc co” cho phim được”. Thật hết biết!
Trong phim Sương gió biên thùy, đạo diễn cần 30 diễn viên quần chúng người dân tộc, thế là trợ lý Lê Cường phải lội bộ gần 10 cây số đường rừng mới tới được một buôn làng, năn nỉ lắm bà con mới đồng ý. Mới 4 giờ sáng là phải lên đường đón họ ra hiện trường. Mới quay được một buổi, nhiều người thấy cực mà cũng không quen việc đóng phim nên đã lén bỏ về, không chịu đóng nữa. Thế là Lê Cường phải “lùng sục” thêm mấy ngày nữa, thuyết phục bằng mọi cách mới có người chịu đóng tiếp. Chuyện hẹn giờ giấc với diễn viên cũng là một nỗi khổ, dù đã hẹn đầy đủ mọi người, nhưng chỉ cần một người đột xuất “bệnh” là coi như công toi. Hoặc có người, dù hẹn đúng ngày giờ, nhưng đến nơi chưa quay được, thế là bao tội lỗi đều trút lên đầu: “tại trợ lý”.
Gian nan thử “lửa”
Vai trò của trợ lý rất quan trọng trong đoàn phim bởi mỗi khi vắng mặt trợ lý là cả đoàn phim có khi rối tung lên ngay. Hầu như nghề này chưa có trường lớp hẳn hoi, đa phần đều xuất thân từ các diễn viên lâu năm, có khi là các đạo diễn trẻ mới ra trường muốn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tế. Càng khó khăn, càng giúp các trợ lý trưởng thành hơn.
Theo đạo diễn Chu Thiện – người từng có “thâm niên” trong nghề làm trợ lý thì: “Làm nghề này, phải chịu “cày” và “chịu đựng”, xông xáo mọi lúc mọi nơi, đừng hứa với ai điều gì, phải làm việc kỹ với đạo diễn về lịch quay, nắm vững kịch bản, giao tiếp tốt với diễn viên, có như thế thì sự “rủi ro” mới ít…”. Còn Linh Nhỏ thì: “Nghề này đòi hỏi luôn túc trực ở hiện trường, bất cứ tình huống nào xảy ra, cũng phải bình tĩnh mà giải quyết. Nhiều lúc đạo diễn mệt nên giận vô cớ, la mắng, cũng phải cố chịu…”. Hầu hết các trợ lý đều bận rộn suốt ngày, có khi tắt tiếng bởi huy động một lực lượng lớn diễn viên, liên lạc với quần chúng cũng như sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên phim trường. Họ hầu như túc trực 24/24 của các cảnh quay, nhưng tiền lương lại không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, họ đều rất vui vẻ làm tốt vai trò của mình vì niềm đam mê nghệ thuật cũng như chờ đợi cơ hội thăng tiến lên bậc đạo diễn sau này như trường hợp của Chu Thiện, Nguyễn Hậu, Minh Hiền, Phương Điền, Lê Bảo Trung, Nguyễn Duy Phúc, Lê Hóa, Mai Huỳnh…
Bài và ảnh: LỮ ĐẮC LONG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)