Học trò của cô Dương Thị Bích Phượng – Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) luôn hào hứng với giờ lịch sử bởi các em được hóa thân thành các nhân vật lịch sử như: Quang Trung, Bà Triệu…
Cô giáo Dương Thị Bích Phượng. |
Cô Phượng nói, học sinh lớp 4 mới bắt đầu làm quen môn Lịch sử, nên nhiệm vụ chính của giáo viên dạy sử là giúp các em nhận thức được những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu… Làm sao để môn Lịch sử đến với các em thật tươi mới, sinh động và nhẹ nhàng? Ngoài giờ lên lớp, cô Phượng còn tìm kiếm hình ảnh minh họa, những đoạn phim liên quan nhân vật, địa danh lịch sử có trong bài học.
Cô hầu như không bắt các em đọc thuộc lòng mỗi khi kiểm tra bài cũ. “Với độ tuổi của các em, học thuộc lòng mà không nắm được bài thì cũng chẳng có tác dụng. Với những bài lịch sử quá dài, các em cần nắm được nội dung cốt lõi, sự kiện quan trọng nhất để ghi nhớ”, cô Phượng nói.
Hai năm liền 2010 và 2011, cô giáo Dương Thị Bích Phượng đều được Thành Đoàn TPHCM tuyên dương danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu.
|
Trong giờ Sử của cô Phượng, học sinh luôn thoải mái nêu ý kiến, cảm tưởng. Với mỗi nội dung bài học, cô Phượng thường giao trước cho học sinh tìm tài liệu ở nhà, phân tích, chắt lọc nội dung chính và thể hiện trước lớp theo từng nhóm, bằng các phương pháp khác nhau như tả, thuật lại trận đánh bằng sơ đồ, mô hình hoặc phân vai cho các em tái hiện nhân vật, sự kiện lịch sử. “Điều này khiến các em rất thích thú, nắm được bài học nhanh và sâu”, cô Phượng nói.
Trong các vở kịch lịch sử, cô Phượng soạn sẵn kịch bản theo nội dung bài học. Học sinh tự phân vai theo nhóm, có em đọc diễn cảm lời dẫn, lời bình, có em nhập vai nhân vật. Chị Tú Anh, một phụ huynh, chia sẻ: “Nhà tôi có 2 con, một đứa đang học lớp 9, một đứa đang học lớp 4.
Trong khi đứa lớn cứ nhầm lẫn, không biết vua Trần Thái Tông hay Trần Thánh Tông chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất thì đứa em lớp 4 lại nhớ rất rõ vì hôm học bài đó cháu được đóng vai… vua Trần Thái Tông”.
Lê Quang Minh (TPO)
Bình luận (0)