Mặc dù đã tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trước đó, nhưng những thông tin mà các diễn giả đưa ra trong chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc CMCN 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua vẫn làm các em học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) hào hứng, thích thú.
Không chỉ mang đến cho học sinh những phân tích bổ ích về cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Thanh Tùng còn khiến các em thích thú khi trình bày ca khúc tự sáng tác cùng với con trai mình. Ảnh: L.Vy |
Cuộc CMCN 4.0 có tác động khủng khiếp
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), cùng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, hàng triệu lao động trên thế giới sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp, cụ thể là những người đang làm công việc theo quy trình lặp lại hàng ngày. “Tại Mỹ, người ta đã chế tạo được chiếc xe thay thế con người lái, thậm chí còn an toàn và không gây tai nạn. Trong tương lai không xa, sẽ có khoảng 3 triệu tài xế mất việc làm và khoảng 5 triệu người hoạt động ở các dịch vụ dành cho tài xế như trạm dừng chân sẽ không còn làm trong ngành này. Tại Việt Nam, sẽ có khoảng 86% công nhân làm trong những ngành nghề lao động thủ công thất nghiệp. Những ngành dệt, may mặc trước nay vốn được coi là thế mạnh của nước ta sẽ không còn vì con người đã chế tạo ra vật liệu mới, một loại vải không cần phải dệt và với máy in 3D thì chỉ cần tốn vài phút là có thể in thành 1 chiếc áo để mặc. Đây là những tác động khủng khiếp mà nếu không có sự chuẩn bị sẵn thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu”, ông Tùng phân tích.
Trước băn khoăn của em Vũ Hà Linh (lớp 10CV) về việc phải làm gì trước những biến động khủng khiếp này, ông Tùng cho rằng, dù máy móc có thể thay thế con người làm ở nhiều công việc nhưng không thể thay thế hoàn toàn bởi con người có năng lực tư duy sáng tạo. Và để chủ động hội nhập cuộc CMCN 4.0, theo ông Tùng, con người cần phải có 5 chữ C, gồm: Collaboration (kỹ năng hợp tác), Creativity (kỹ năng sáng tạo), Communication (kỹ năng giao tiếp), Critical thinking (kỹ năng tư duy phản biện) và Continuous learning (kỹ năng học tập suốt đời). Tất cả những kỹ năng này, thiếu kỹ năng nào cũng không thể hội nhập và học sinh hoàn toàn có thể rèn luyện được những kỹ năng này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Các em có thể phát huy kỹ năng hợp tác bằng cách học theo nhóm, một cái đầu không thể suy nghĩ nhanh và sáng tạo hơn nhiều cái đầu. Các em có thể rèn kỹ năng giao tiếp nhiều để học cách nói cho người khác hiểu và hiểu điều người khác nói; có thể rèn tư duy phản biện bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi với thầy cô trong bài học. Và, các em cũng cần biết cách tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, điên rồ với ý tưởng sáng tạo của người khác chứ không phải “ghẻ lạnh” với nó. Nếu làm được điều này, các em chắc chắn sẽ hội nhập tốt”, ông Tùng chia sẻ.
Công dân toàn cầu không phải là… cái mác
Ông Tạ Minh Tuấn (một cựu học sinh của trường, hiện là Chủ tịch TMT Group) cho rằng để hội nhập tốt với thế giới, với cuộc CMCN 4.0, con người phải là những công dân toàn cầu (CDTC). Theo ông, một CDTC phải hiểu mình là ai, có vai trò gì, phải có cách giải quyết những vấn đề của thời đại hiện nay. “CDTC không phải là người đi nhiều quốc gia mà là người có thể làm việc ở mọi quốc gia, hay ngay tại đất nước mình mà vẫn có thể hợp tác với những người ở quốc gia khác… Hiểu rộng ra, CDTC là người có thể sống, làm việc và cống hiến được ở mọi nơi vì họ biết cách thích ứng, biết ngôn ngữ, có trình độ chuyên môn và thái độ sống tích cực”, ông Tuấn chia sẻ.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hào hứng với phần trình bày của các diễn giả. Ảnh: L.Vy |
Sau khi nghe những lời chia sẻ này, em Đinh Thùy Trang (lớp 11CA) thắc mắc: “Không ai có thể tự xưng là CDTC ngoại trừ bản thân họ. Vậy, làm thế nào để được công nhận là CDTC?”. Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn khẳng định, CDTC không phải là cái mác, không phải là bằng cấp hay chứng chỉ để con người ta có thể theo học như một khóa học kỹ năng hay một chuyên ngành, mà CDTC chính là thái độ sống. Đó là một thái độ sống tích cực, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ môi trường nào cũng luôn suy nghĩ xem mình có thể đóng góp được gì cho tập thể. Đóng góp đó có thể to lớn như làm một điều gì đó tạo nên sự thay đổi toàn cầu, nhưng đôi khi lại chỉ bắt đầu từ một hành động rất nhỏ. “Ở Nhật, một cô tiếp viên hàng không có thể cười rất tươi với hành khách, một nụ cười chân tình khác hẳn với cười xã giao mà chúng ta vẫn thường gặp hằng ngày. Nụ cười ấy đã “ám ảnh” nhiều hành khách và họ đem câu chuyện đó kể với rất nhiều người như một thái độ thân thiện, mến khách của người Nhật. Chính lúc mang nụ cười nước Nhật đi xa, cô gái đó đã là một CDTC”, ông Tuấn dẫn chứng.
Ở góc độ một học sinh, ông Tuấn cho rằng các em hoàn toàn có thể trở thành một CDTC khi có một thái độ học tích cực, biết tìm tòi và học hỏi những kiến thức, văn hóa, ngôn ngữ mới. “Với vai trò là một học sinh, các em hãy suy nghĩ làm sao để lớp của mình, trường của mình được tốt hơn. Xa hơn nữa, các em có thể suy nghĩ xem mình có thể làm gì để thành phố mình, đất nước mình ngày một trở nên tốt đẹp, gây được ấn tượng đẹp với bạn bè thế giới. CDTC phải được bắt đầu từ những thế hệ trẻ như các em”, ông Tuấn khẳng định.
Ngọc Anh
Bình luận (0)