Y tế - Văn hóaThư giãn

Trở thành nhà báo nhờ… thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Cc có khong 19 ngàn nhà báo có th. Và tôi là mt trong s đó. Tôi không biết nhng đng nghip khác tr thành nhà báo như thế nào. Còn tôi, tr thành nhà báo nh… tht nghip.

Vào ngh t con s 0

Năm 1998, tôi tốt nghiệp đại học. Sau hơn một năm vác hồ sơ đi xin việc ở rất nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp nhưng không được, tôi đành làm việc cho một công ty bảo hiểm. Công việc chẳng liên quan gì tới cái bằng đại học. Tiếc 4 năm mài đủng quần trên ghế giảng đường nên chỉ làm hơn nửa năm là tôi xin nghỉ. Thế là tôi trở thành người thất nghiệp… Nhờ vậy mà tôi bước chân vào nghề báo.

Môi trường báo chí đầu tiên mà tôi làm quen là văn phòng Hà Nội của Báo TN. Do ai cũng bận trăm công nghìn việc nên chẳng ai để mắt tới tôi. Còn tôi, vốn không học báo chí nên không biết làm sao để thu thập thông tin, lại càng không biết viết một cái tin, một cái bài là như thế nào. Đã vậy ngày ấy tôi nhút nhát lắm, chẳng dám mở miệng hỏi đàn anh, đàn chị chuyện gì, cũng không dám nhờ họ chỉ dẫn… Thế nên ngày nào tôi cũng chỉ biết ngồi ở tòa soạn đọc báo và… đọc báo. Hơn 2 tháng sau, tôi “nhấn nút biến”. Bởi tôi biết, có ngồi đó cũng chỉ như cái bóng thôi, lãng phí thời gian.

Tuy không có chút vốn liếng gì của nghề báo nhưng tôi biết, nếu không làm báo thì tôi… cũng chẳng làm được gì cả. Thế nên gần cuối năm 2001, tôi vào TP.HCM với quyết tâm “sống chết” cùng nghề báo.

Lúc đó tôi xin cộng tác tại văn phòng phía Nam của Báo CAND. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi nhanh mồm nhanh miệng bắt chuyện tất cả các tiền bối, thấy anh, chị nào dễ chịu thì xin cho đi tác nghiệp cùng. May mắn cũng có mấy anh, chị tốt bụng và có thời gian chỉ bảo cho tôi. Vốn không phải kẻ ngốc nên các tiền bối chỉ 1, tôi biết tới 3, 4…

Tác phẩm đầu tiên của tôi không phải là một cái tin be bé xinh xinh 100-200 chữ mà là một bài dài gần 1.000 chữ. Điều đáng nói là tôi viết khoảng 1.100 chữ mà chỉ bị cắt hơn 100 chữ. Bây giờ làm biên tập, được cắt bài của phóng viên, nghĩ lại chuyện đó, tôi nhận ra, ngày ấy mình đâu có tệ.

Bài viết đó, tôi viết về một người mẹ khốn khổ gõ cửa hết cơ quan này đến ban ngành nọ chỉ mong đòi được quyền nuôi con. Con của chị ấy bị gia đình chồng bắt… Sau khi báo đăng, Trưởng văn phòng đại diện cũng là người trực tiếp biên tập bài đã khen tôi viết tốt và động viên tôi cố lên. Một đứa chưa từng học một tiết báo chí nào, lại càng không được thực tập ở bất kỳ tòa soạn nào; vậy mà chỉ một thời gian ngắn ngửi mùi mực của báo in đã có thể viết được một bài báo đăng cả nửa trang, rồi còn được sếp khen… Tôi thật sự rất hạnh phúc.

Điếc… không s súng

Nhiều người nói, nghề báo là nghề nguy hiểm. Nhưng có lẽ do điếc… nên tôi không biết sợ súng. Bởi vậy tôi đã gặp không ít… nguy hiểm.

Một lần, tôi theo chân chị bán đồ ăn sáng gần văn phòng Báo CAND tham dự một buổi lên đồng. Nghe mọi người nói, “bà đồng” mới ở Mỹ về. Buổi lên đồng diễn ra trong một căn nhà hai lầu ở Q.10 với cả trăm người từ rất nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận tham dự. “Bà đồng” ăn mặc lòe loẹt và nhảy múa, mỗi khi bà dừng lại nói gì đó là hàng trăm người lại cúi xuống quỳ lạy. Ghi nhận toàn bộ sự việc ở buổi lên đồng, rồi hỏi người nọ, người kia… tôi đã viết được một bài lớn. Báo phát hành mấy tiếng thì tòa soạn nhận điện thoại của bạn đọc yêu cầu được gặp tôi, người trực điện thoại nói tôi chưa tới thì họ đòi cung cấp số di động, người trực điện thoại không cung cấp, thế là họ đòi lên tòa soạn “xử” tôi. Họ nói họ biết mặt tôi, vì tôi là người lạ trong số cả trăm người tham dự buổi lên đồng đó… May mắn là họ chỉ dọa, nếu “xử” thật, không biết giờ này tôi thế nào…

Một lần khác, tôi tới một phường ở Q.1 để viết về tình hình an ninh trật tự. Tại đây nhiều người cho tôi biết trên địa bàn có một quán ăn chơi thác loạn, “thượng đế” vào quán là được tắm bia cùng các em chân dài; cứ mỗi buổi sáng, người dân lại thấy cả bịch bự bao cao su vứt ra sau quán… Tôi cứ nghĩ đơn giản khi viết báo thì nên để tên và địa chỉ của người cung cấp thông tin, như vậy mới thuyết phục bạn đọc, không bị chửi là “nhà báo nói láo ăn tiền”. Không ngờ, sau khi báo ra, một tiền bối cảnh báo tôi, những quán ăn chơi như vậy lúc nào cũng có đầu gấu bảo kê, bọn chúng sẽ không dễ gì tha cho những ai đụng đến miếng cơm của mình. Chúng có thể hành hung, đập phá nhà cửa của những người cung cấp thông tin cho tôi. Và đương nhiên chúng cũng có thể tìm tôi để “dạy cho một bài học”… Nghe tiền bối đó nói mà tôi nổi hết cả da gà. Cũng may mọi việc không nghiêm trọng… 

Để có bài phóng sự “Nghề bán máu”, tôi đã gặp những ông bố, bà mẹ vì bước đường cùng mà phải bán máu nuôi con; gặp một số sinh viên bán máu lấy tiền ăn học… Và đương nhiên, tôi cũng gặp không ít con nghiện, bán máu để có tiền mua ma túy. Không những thế, tôi còn gặp cả những kẻ cho vay nặng lãi, bọn xã hội đen… Khi biết tôi là nhà báo, không ít sinh viên, ông bố, bà mẹ đã không ngần ngại cung cấp thông tin; nhưng với những con nghiện, bọn xã hội đen thì chúng dọa lấy máy ảnh của tôi, đòi “đập tan xác” nếu tôi không “biến đi chỗ khác”…

Nếu bây giờ được quay lại những tháng ngày đó, tôi không dám chắc mình “đủ điếc” để hành nghề…

“Anh” Hòa Triu

Tên của tôi không phải là Hòa Triều mà đó chỉ là bút danh. Có không ít người hỏi tôi, sao lấy tên kỳ vậy – nam không ra nam, nữ không ra nữ. Và lần nào tôi cũng trả lời, cái tên Hòa Triều đủ mạnh mẽ và cũng không thiếu dịu dàng, rất hợp với tính cách của chủ nhân nó. Nhưng thực ra, Hòa Triều là tên của ngôi làng mà bố, mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên (thôn Hòa Triều, xã Quãng Hòa, huyện Quãng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Vâng! Cũng vì cái bút danh không rõ ràng giới tính, đã vậy ngôn ngữ viết báo lại khá ngang mà rất nhiều bạn đọc cứ đinh ninh tôi là một… ông chú.

Sau khi tôi viết loạt bài “Tiền trường, quỹ hội: Chớ vội kết tội nhà trường”, cái tên Hòa Triều đã tạo không ít ấn tượng tốt với những người làm giáo dục. Một lần báo tổ chức sự kiện và có mời các trường tham dự. Tôi ngồi cạnh một cô là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp. Sau khi biết tôi là Hòa Triều, cô ấy nói: “Lâu nay đọc bài của chị, em và nhiều thầy, cô trong trường cứ nghĩ chị là nam giới, khoảng 50 tuổi. Không ngờ lại là nữ và còn trẻ nữa”…

Một lần khác, tôi tới Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Q.1. Gặp tôi, thầy hiệu phó hỏi: “Anh Hòa Triều dạo này có khỏe không cô?”. Lúc đó tôi buồn cười lắm nhưng không dám cười, cũng chẳng dám thú nhận mình là chủ nhân của cái tên Hòa Triều mà chỉ trả lời: “Dạ, anh ấy khỏe”…

Và đến bây giờ, khi mà cái bút danh Hòa Triều đã gắn bó với tôi gần 20 năm rồi thì thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những thư mời (dù là thư điện tử hay thư giấy) ghi là: Kính gửi anh Hòa Triều – Báo Giáo dục TP.HCM. Thậm chí có đối tác gọi điện cho tôi và nói: “Chị ơi cho em gặp anh Hòa Triều”…

Năm nay, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/ 21-6-2020), viết ra những buồn vui trong 19 năm làm nghề, tôi nhận ra mình đã không sai khi khẳng định, nếu không làm báo thì tôi chẳng làm được gì cả. Nhưng trên hết, nghề đã cho tôi gặp gỡ nhiều người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội; và nghề cũng cho tôi nhiều kiến thức bổ ích…

Nhà báo Hòa Triu

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)