Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Trở về nẻo thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Phạm Phúc An đang hỗ trợ tư vấn cho người cai nghiện tại Trung tâm Y tế Q.8
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm GDTX Gia Định, Q.Bình Thạnh cuối tháng 5-2013, các học viên (HV) đã ra trường có dịp trở lại “ngôi nhà chung” của mình sau nhiều năm xa cách. Tại đây, tôi đặc biệt ấn tượng với một HV có khuôn mặt trẻ trung, rất năng động và tự tin bước lên bục danh dự phát biểu lời tri ân nặng nghĩa tình và đầy cảm xúc chân thành…
Đó là cựu HV Phạm Phúc An – hiện đang công tác tại Phòng Can thiệp giảm tác hại thuộc Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM. Xen lẫn trong niềm tự hào vẫn còn vương vấn những dư vị chát đắng khi anh nhắc lại quá khứ từng là một con nghiện, luôn là nỗi lo thường trực của gia đình. Phúc An không ngần ngại mở lòng chia sẻ với mọi người dù quá khứ thật sự là một bóng đêm đầy sợ hãi.
Một ngã rẽ cuộc đời
…Năm 1996 khi nhận được giấy báo nhập học từ Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Phúc An mừng một thì ba mẹ mừng mười. Từ trại cai nghiện về, cậu HS Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa không chỉ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tốt đẹp mà còn đậu vào trường CĐ một cách dễ dàng. Thế nhưng chỉ một năm sau niềm vui đó, gia đình lại rơi vào cảnh u buồn khi An trở về với vòng quay ban đầu. Cứ như thế, chuyện “bắt cóc bỏ dĩa” diễn đi diễn lại đến vài ba lần. Thời gian 10 năm trôi qua như một đám mây đen vần vũ giữa trời dông gió đã đủ cho “kẻ tội đồ” gặm nhấm gần hết nỗi muộn phiền. Nhìn những đám rau xanh mướt nối tiếp trong khu vườn trại Bình Đức (tỉnh Bình Phước) hay mỗi lúc ngước mặt lên ngắm đàn chim ríu rít trên bầu trời cao rộng, An không khỏi chạnh lòng. Đã đến lúc cần ra tay cứu rỗi chính cuộc đời mình chứ không thể buông xuôi mãi theo dòng xoáy ô trọc.
Như kẻ tỉnh ngộ, An bắt đầu tìm lại nẻo về phục thiện. Lao động trước đây là sự bắt buộc thì bây giờ trở thành nhu cầu và niềm vui của chàng “công tử bột”. Không chỉ tách hạt điều giỏi mà An còn biết kỹ thuật nuôi cá và đặc biệt là “bà đỡ” rất mát tay của nhiều đàn heo nái. Niềm tin cuộc đời càng được củng cố khi trại viên An luôn được ưu tiên ra ngoài lao động tự do không cần cán bộ giám sát. Nhưng lần ưu ái đặc biệt nhất là An được Ban giám đốc Trung tâm GDTX Gia Định cho đăng ký học lớp ĐH từ xa đối với các HV cai nghiện. An cũng không ngờ rằng năm 2005 chính là bước rẽ lớn nhất làm thay đổi hoàn toàn nửa sau cuộc đời của một đôi chân nhầm lối. Dù 2 ngày nghỉ cuối tuần phải tạm thời gác lại mọi thú vui hữu ích nhưng được học tại chỗ cũng là một thuận lợi lớn cho anh tân SV Trường ĐH Mở. Đến năm 2 phải học tận Phú Đức cách xa 7km nhưng Ban giám đốc trung tâm cũng tạo điều kiện bằng cách cho ô tô đưa rước mỗi ngày. Chính nhờ thời gian học về ngành công tác xã hội mà An được nâng cấp thêm về vi tính và ngoại ngữ.
Dấn thân không mệt mỏi
Không ít bạn bè cũ trong trại cai nghiện thật sự ngạc nhiên khi gặp lại An trong màu áo xanh người cán bộ làm công tác xã hội.
Sau 4 năm dùi mài kinh sử trên giảng đường đặc biệt, anh SV cai nghiện ngày nào đã có trong tay tấm bằng cử nhân đầy niềm kiêu hãnh. Trong bộ sưu tập hoành tráng của mình, An đem về rất nhiều giấy khen bằng khen từ các hoạt động xã hội như thi kiến thức, diễn văn nghệ về chủ đề tránh xa ma túy, phòng chống AIDS… Bất kỳ chương trình tái hòa nhập cộng đồng nào cũng có bàn tay góp sức của chàng trai tình nguyện với tinh thần dấn thân không mệt mỏi. Trường học cuộc đời đầu tiên có nụ cười và cả nước mắt đã tạo nên bệ phóng giúp An khôn lớn hơn về nhận thức, dày dạn thêm về kinh nghiệm để trở thành nhân viên của Ủy ban Phòng chống AIDS năm 2010. Hòa mình vào công việc và hơn bất kỳ ai, anh cán bộ Phòng Can thiệp giảm tác hại hiểu mọi tâm tư nguyện vọng của những con người đồng cảnh. Mặc dù được chăm sóc tốt về mặt sức khỏe nhưng theo An, họ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về trình độ học vấn và cả tay nghề chuyên môn mà chưa có gì bù đắp kịp. Họ không vượt qua được mặc cảm bị bỏ rơi rất khó hòa nhập vào dòng chảy của cộng đồng. Theo anh, đây vừa là gánh nặng vừa là bài toán nan giải của TP vì lượng người nghiện nhập cư chưa hề thuyên giảm. Dù được uống thuốc ĐRV nhằm khống chế virus HIV nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ thường xuyên của các tổ chức bên ngoài thì cũng khó hoàn thành chương trình xã hội hóa chữa trị người cai nghiện. An kể, không ít bạn bè cũ trong trại cai nghiện thật sự ngạc nhiên khi gặp lại An trong màu áo xanh người cán bộ làm công tác xã hội. Trong khoảng cách khác biệt nhau, anh cán bộ tuyên truyền vẫn dùng những lời lẽ ân tình để thuyết phục và động viên họ đứng dậy tìm lại cuộc đời có ý nghĩa hơn. Những lúc đó anh thấy mình chính là tấm gương không cần nói nhiều lời để cho người khác suy ngẫm và biết phải sống với đời như thế nào cho có ý nghĩa.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Năm 2012, An tưởng mình như đang lạc vào một giấc mơ khi được cơ quan quyết định cho vào ngạch biên chế chính thức. Đối với một cán bộ bình thường đây đã là sự kiện trọng đại huống chi là một con người vốn đã từng bị văng ra khỏi “quỹ đạo” cuộc sống như anh. Lại một lần nữa An thầm cảm ơn đời và biết ơn cha mẹ vẫn còn đặt niềm tin vào một đứa con có lúc lầm đường lạc lối nhưng đã biết dũng cảm vượt qua cám dỗ thấp hèn. 
 

Bình luận (0)