Đó là trường hợp của chị Trần Thị Tuyết, ở xóm Bắc, thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Khi đang sống cùng gia đình, năm 1994 có một phụ nữ tên Vịnh, quê ở Ba Vì, Hà Tây sống gá nghĩa như vợ chồng với một người đàn ông cùng xóm của chị Tuyết, rủ chị ra Bắc thăm thủ đô Hà Nội. Vì cả tin nên chị nghe theo và biệt tích suốt 16 năm qua. Năm đó chị Tuyết 28 tuổi và chưa lập gia đình.
Chị Trần Thị Tuyết sau 16 năm xa quê trở về
Bị lừa qua biên giới
Khi đến Hà Nội, Vịnh không đưa chị Tuyết đi thăm thú thủ đô như đã hứa mà đưa chị lên thẳng cửa khẩu Lạng Sơn bằng xe khách. Khi xe đã qua phía Trung Quốc, chị Tuyết mới phát hiện ra mình bị đưa đi bán. Chị định báo công an Trung Quốc về tình trạng bị bắt cóc của mình, nhưng Vịnh đã gọi 4 người đàn ông to cao, khỏe mạnh đến đánh và đe dọa, buộc chị phải đi theo chúng.
Sau đó chị được bán cho một người đàn ông trên 50 tuổi, người Việt gốc Hoa, giá 600 nhân dân tệ, với lời hứa là mua chị để cùng đi buôn bán. Sau đó, người đàn ông này (chị không biết tên) bán chị cho một người đàn ông khác 35 tuổi, tên là Luận A Dị (phiên âm tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt). Luận A Dị mua chị về làm vợ với giá 2.700 nhân dân tệ. Lúc này, chị gặp một số phụ nữ Việt Nam cũng bị bắt cóc sang Trung Quốc để bán làm vợ, khuyên chị nên chấp nhận hoàn cảnh vì nếu không thuận theo có thể bị bán vào các ổ chứa mại dâm, và như vậy tình cảnh còn có thể bi đát hơn.
Nghe theo lời khuyên của người cùng cảnh ngộ, chị chấp nhận làm vợ Luận A Dị. Từ đó chị sống với Luận A Dị tại xã Mồ Cô Xám, huyện Xín Phỉng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Nhập cảnh “lậu” về quê
Nhìn dáng vẻ khắc khổ của chị, khi chúng tôi hỏi chị được đối xử như thế nào, chị trả lời bằng thứ tiếng Việt rõ ràng nhưng giọng hơi cứng và chậm vì đã 16 năm xa quê hương, rằng Luận A Dị đối xử tốt với chị, không đánh đập, hành hạ chị. Thời gian đầu chị rất sợ hãi vì cô đơn, chỉ có một mình, lại lần đầu xa quê, không biết tiếng Trung Quốc. Nhưng rồi qua thời gian, chị hòa nhập dần với cuộc sống mới. Chị có 2 con với người đàn ông này. Con đầu 15 tuổi, con thứ hai được 10 tuổi và đều là con trai.
Thời gian đầu sau khi làm vợ Luận, chị ở nhà làm việc nhà, sau đó chị đi làm ở một xí nghiệp sản xuất đồ da xuất khẩu. Cuộc sống vật chất của chị ở mức trung bình, đủ ăn. Chị bảo nơi chị sống có khoảng 4 đến 5 người cũng bị bắt cóc để bán làm vợ đàn ông Trung Quốc. Theo chị, khoảng 10 năm trở về trước, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị bắt cóc xảy ra nhiều, hiện nay tình trạng này đã giảm.
Vì xa quê nên chị Tuyết rất nhớ nhà. Năm 1999, được phép của Luận, chị quyết định trở về Việt Nam thăm quê, nhưng khi đi đến gần cửa khẩu, chị bị cướp hết tiền bạc, tư trang nên không thể về quê được. Lần này, cũng được phép của Luận, chị lại quyết tâm về quê. Nhưng vì chưa nhập khẩu được ở Trung Quốc, không có bất cứ giấy tờ tùy thân hợp pháp nào nên không thể làm các thủ tục nhập cảnh, chị buộc phải đi “lậu” về quê sau khi chi 100 nhân dân tệ cho một nhóm người chuyên đưa người qua lại biên giới Việt – Trung. Họ đưa chị “vượt biên” bằng thuyền qua sông Móng Cái, theo đường sông trở về Việt Nam.
Mong được làm lại giấy tờ tùy thân
Chị Tuyết về tới Tuy Phước, Bình Định vào ngày 2.10.2010. Sau 16 năm xa quê, tên của chị không còn trong hộ khẩu vì gia đình có nhiều biến động. Chị đã báo với Công an huyện Tuy Phước về sự có mặt của mình tại quê nhà và đề nghị được cấp các giấy tờ tùy thân để được “nhập khẩu” hợp pháp. Tuy nhiên, cơ quan công an trả lời rằng trường hợp của chị là chưa có tiền lệ nên chưa giải quyết được.
Hiện nay người phụ nữ đáng thương này đang cần giấy tờ tùy thân hợp pháp để có thể đi lại thuận tiện. Mong muốn của chị là sẽ đưa các con của chị về thăm quê ngoại, nhưng vì không có giấy tờ tùy thân nên việc đi lại, giao dịch rất khó khăn.
Ngô Hồng Sơn / TNO
Bình luận (0)