Trong ký ức của nhiều người, Phước Long trước kia chỉ là những mái nhà tranh xơ xác, những người dân tộc Stiêng da cháy nắng, lầm lũi đi bộ với chiếc gùi trên lưng. Và Phước Long với những trận “mưa” bom, “bão” đạn cày nát đến từng tấc đất, gốc cây. Còn Phước Long bây giờ là chốn thị tứ với những khách sạn ba sao, những khu nghỉ dưỡng, karaoke, cà phê internet… Những khu du lịch (KDL) sinh thái, điểm hẹn của du khách bốn phương tìm về.
1. Đúng 7 giờ 30, xe chúng tôi xuất phát từ Công ty Du lịch Lửa Việt thẳng QL 13 hướng về Bình Phước – vùng đất một thời máu lửa. hai bên đường là những rừng cao su bạt ngàn, những con đường trải nhựa phẳng lì uốn quanh theo đồi núi. Những con đường đất đỏ, với những ổ voi, ổ gà một thời là nỗi kinh hoàng cho người đi đường nay chỉ còn trong ký ức. Trên những đoạn đường chúng tôi đi qua, đâu đâu cũng là dấu ấn lịch sử còn in đậm trên vùng đất Phước Long này. Phước Long không chỉ là địa phương có nhiều cảnh quan tự nhiên còn đang giấu mình trong các khu rừng bạt ngàn như: Thác Mơ, núi Bà Rá, KDL sinh thái Mỹ Lệ… mà còn là một trong những địa phương gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc bãi công của công nhân Công ty Phú Riềng, An Tiên. Nơi ra đời Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng Đông Nam bộ, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Phước Long còn gắn liền với những cuộc nổi dậy của người Stiêng, cuộc kháng chiến chống Pháp của anh em Điểu Mol và Điểu Mói. Đồng thời là điểm giao tranh khốc liệt, giành giật từng tấc đất giữa quân ta và quân địch những năm 1970-1975. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước, người dân Phước Long đã đóng góp biết bao sức người, sức của để làm rạng danh cho một vùng đất anh hùng. Di tích núi Bà Rá nhiều chiến sĩ cách mạng đã xả thân vì Tổ quốc, để có cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975.
2. 11 giờ, xe chúng tôi đến khách sạn Mỹ Lệ. Đặt chân lên vùng đất bán sơn nguyên này mới cảm nhận được cái không khí trong lành của rừng núi. Từ trên tầng 8 của khách sạn nhìn xuống cả vùng một màu xanh bạt ngàn của cao su, điều. Xa xa là ngọn núi Bà Rá và hồ thủy điện Thác Mơ đã gắn liền với những trận chiến bi hùng của quân và dân ta. Cả đoàn ai ai cũng bất ngờ về sự thay da đổi thịt kỳ diệu nơi mảnh đất này. Cuộc sống êm đềm, những rừng cao su, điều nối tiếp, hồ thủy điện Thác Mơ thơ mộng và gió núi Bà Rá thổi nhè nhẹ. Đi trên con đường trải nhựa láng mướt, hòa mình trong không khí mát lành giữa cây rừng xanh bạt ngàn, chúng tôi mới cảm nhận hết được sức sống phi thường của thiên nhiên cũng như con người nơi đây khi phải oằn mình suốt mấy chục năm trong cuộc chiến trường kỳ, gian khổ. Để hôm nay Phước Long – mảnh đất, tình người chiến khu xưa lại dang rộng vòng tay đón chào các thế hệ con cháu trong những chuyến du lịch về nguồn…
Về Phước Long thăm lại những chứng tích như: cây khế 100 tuổi, cây Knia cổ thụ vững chãi với thời gian. Vẫn còn đó trên thân cây những vết đạn nham nhở, như thể nhắc thế hệ hôm nay nhớ ơn những người đã ngã xuống vì ngày độc lập. Cây Knia huyền thoại vẫn sừng sững giữa núi đồi đã trở thành biểu tượng của người dân Phước Long, Knia không những che quân thù mà đồng bào Stiêng còn lấy thân cây làm chày giã gạo nuôi bộ đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã nhắc đến trong bài hát Tiếng chày trên sóc Bombo. Về Phước Long còn được chinh phục đỉnh núi Bà Rá viếng Miếu Bà (đồng bào Stiêng gọi ngọn núi này với cái tên thành kính “Bơnom Brah” nghĩa là “ngọn núi thần”) với độ cao 733 mét. Từ xa núi Bà Rá hiện ra huyền ảo với cây rừng tầng tầng lớp lớp. Xe chúng tôi dừng tại đồi Bằng Lăng, ở đây có khoảng sân rộng và một trạm kiểm lâm. Tại đồi Bằng Lăng có bia tưởng niệm thờ các anh hùng liệt sĩ. Từ đây lên tới đỉnh theo lời người hướng dẫn thì khoảng 1.767 bậc tam cấp. Đi lên khoảng 200 mét chúng tôi gặp một số gia đình công nhân dắt díu nhau lên đây làm công trình cáp treo. Trong khi leo nhiều người trong đoàn nói rằng núi Bà Rá so với núi Bà Đen thì núi Bà Rá khó leo hơn, có chỗ độ dốc nghiêng 45 độ, phải cố gắng mới leo lên được. Vì vậy trong đoàn chúng tôi không ít thầy cô giáo lớn tuổi chỉ leo được nửa chừng phải quay trở xuống.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt lên được 2/3 đường mồ hôi ướt đẫm áo nhưng vẫn tươi cười hô hào cả đoàn cùng tiến lên phía trước. Ông lấy cây trúc ven đường mà công nhân mới chặt làm chiếc gậy chống cho đỡ mệt, rồi ông buông lời như thể động viên cả đoàn chúng tôi: “Phải quyết tâm chinh phục đỉnh Bà Rá bằng được, bởi mấy năm nữa không biết tôi và một số anh chị em ở đây có còn đủ sức leo lên được không nữa”. Đường lên núi khá đẹp, được bao phủ bởi những hàng trúc, lồ ô. Hai bên đường đi có nhiều cây cổ thụ và đâu đó có những công nhân đang xây dựng đường cáp treo. Leo lên đến đỉnh ai ai cũng thở hổn hển, nhưng phía sau sự mệt nhọc là những nụ cười chiến thắng đầy hãnh diện vì đã chinh phục được đỉnh núi. Trên đỉnh có Trạm phát sóng của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Phước, và một Miếu Bà nghe người dân nơi đây nói là rất linh thiêng. Một nhân viên trực trạm phát sóng cho chúng tôi hay: Trạm phát sóng này có 12 nhân viên trực thay ca nhau, hai ngày xuống núi mua đồ ăn một lần. Ngày trước có rất nhiều vắt, nhưng nay thì đỡ nhiều rồi. Cách đó không xa có một chốt biên phòng, một anh lính vừa bắt con vắt từ kẽ chân ra vừa nhìn tôi giải thích: Đi ở đường đá thì không có vắt, nhưng đi vào những bụi cây thì không tránh khỏi. Trong khi đó nhiều người tìm cảnh đẹp để chụp mấy kiểu hình làm kỷ niệm. Phía xa xa là cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của phóng viên Đài Truyền hình Vĩnh Long và Đài Truyền hình cáp Sai Gon Tourist với những thầy, cô giáo vừa lên tới đỉnh núi. Cả đoàn chia tay núi Bà Rá để trở về khi hoàng hôn xuống.
Buổi sáng thứ hai thức dậy khi màn sương sớm còn lãng đãng trên sườn núi, những áng mây lơ lửng trên đầu. Một không khí trong lành tỏa khắp không gian, những làn gió nhè nhẹ khiến chúng tôi ra về khi lòng còn lưu luyến. Từ khách sạn Mỹ Lệ đoàn chúng tôi ghé thăm Đài Kỷ niệm chiến thắng Phước Long. Nếu không được đến đây tận mắt chứng kiến và tìm hiểu có lẽ trong chúng tôi rất ít người biết được về sự hi sinh to lớn của những chiến sĩ đã ngã xuống nơi vùng đất đỏ này. Đoàn chúng tôi về Bình Phước lần này phần lớn là giáo viên dạy lịch sử, các thầy cô được tham quan nhiều di tích và tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng của vùng đất Phước Long, cũng để thắp nén nhang nhớ về người đã khuất và tự hào về vùng đất đã đi vào huyền thoại với những cuộc chiến long trời lở đất. Giúp các thầy cô trang bị thêm những kiến thức thực tế dạy cho học trò của mình về sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng đất chết.
12 giờ, đoàn chúng tôi về đến KDL sinh thái Mỹ Lệ thăm vườn điều và nhà máy chế biến hạt điều. Ngồi trên xe điện tham quan KDL sinh thái, những vườn trà 0olong trải dài theo sườn núi, với những công nhân cõng chiếc gùi trên lưng vừa làm vừa nói cười rôm rả. Phía trước là trang trại heo rừng, khi xe chúng tôi chạy ngang qua những chú heo chạy toán loạn, một vài chú heo con hốt hoảng chạy lăng xăng tìm mẹ. Phía bên kia, vườn chôm chôm tuy đã cuối mùa nhưng vẫn còn trĩu quả. Song song đó là các dịch vụ du lịch ăn uống, vui chơi giải trí cho du khách gắn với văn hóa ẩm thực như: xôi hạt điều ăn với thịt heo rừng, nhông, cá lăng, canh lá rừng, khoai mì, măng rừng… Đặc biệt món xôi hạt điều là một đặc sản của Phước Long. Chị Trần Thị Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Mỹ Lệ nói vui với chúng tôi rằng: Nếu đến Phước Long mà chưa được thưởng thức món xôi hạt điều thì người đó chưa đến Phước Long.
3. Về Phước Long tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày và được nghe anh Trần Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Mỹ Lệ cho biết về những dự án biến vùng đất chết thành điểm tham quan du lịch trong nay mai, cả đoàn chúng tôi cảm thấy rất vui mừng xen lẫn niềm tự hào khôn tả. Nào là Phước Long đang được UBND tỉnh tôn tạo đầu tư, các di tích đang được trùng tu, đặc biệt núi Bà Rá đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Rồi tỉnh quy hoạch đầu tư nhiều dự án lớn phát triển du lịch như: dự án KDL sinh thái Bà Rá – Thác Mơ, có diện tích 1.500 ha gồm nhiều hạng mục như: chùa, đền, cáp treo Bà Rá, máng trượt, khu an dưỡng, nhà nghỉ, nhà ga và hệ thống dịch vụ công cộng… đặc biệt đảo khỉ trên hồ Thác Mơ rộng 200ha. Tất cả những công trình được tôn tạo, trùng tu, xây dựng mới sẽ được thực hiện một cách thống nhất trên nguyên tắc bảo vệ nguyên hiện trạng lịch sử, tôn trọng yếu tố tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài mục tiêu tôn vinh các dự án di tích lịch sử và giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ con cháu, dự án còn nỗ lực tạo sức bật cho ngành du lịch Bình Phước trong thời kỳ mới.
Đến với Phước Long, đến với KDL sinh thái Mỹ Lệ trong những chuyến du lịch về nguồn như vậy giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử hào hùng và oanh liệt của vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, từng là nỗi kinh hoàng của đế quốc Mỹ. Vùng đất Phước Long ngày ấy -bây giờ sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực hào khí trên bước đường xây dựng đất nước.
Văn Mạnh
Bình luận (0)