Luật sư Trần Thảo Uyên, Đoàn luật sư TP.HCM |
Gần đây, ở nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện nhiều đối tượng, băng trộm chó liều lĩnh, manh động, trang bị hung khí, súng tự chế sẵn sàng chống trả người dân. Vụ 3 thanh niên ở Củ Chi, TP.HCM chết do những kẻ trộm chó chống trả khi bị truy đuổi là thực tế đau lòng khiến người dân sống trong hoang mang, lo lắng.
Theo luật sư Trần Thảo Uyên, Đoàn luật sư TP.HCM, với đại đa số người dân chúng ta, chó là vật nuôi trung thành với con người, nó có giá trị về mặt tinh thần khi vừa giữ vai trò là một người bảo vệ (giữ nhà), một người bạn và thậm chí là một tri kỷ.
Mở đầu tội trộm cắp quy định tại điều 138 Bộ luật Hình sự hiện hành đã ghi rõ rằng “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng…”. Như vậy, một người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác, không cần biết tài sản bị trộm là món đồ, vật hay con gì, chỉ cần xem xét tài sản đó thuộc quyền sở hữu/ sử dụng của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự, và sẽ không loại trừ trường hợp trộm chó. Do đó, không phải là không xử lý tội phạm này bằng pháp luật hình sự mà việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa được uyển chuyển dẫn đến sự cứng nhắc. Và phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có những quy chế riêng biệt cho nhóm đối tượng này – đối tượng vật nuôi nhằm mục đích làm cảnh?
PV: Nhưng trộm chó để bán lấy tiền chỉ là trộm vặt?
Như đã nói ở trên, giá trị tài sản của nhóm đối tượng phạm tội này (con chó) không lớn nhưng nó chứa đựng giá trị về tinh thần. Sẽ khó định lượng sự thiệt hại của giá trị tinh thần trong trường hợp này là bao nhiêu và như thế nào. Đây là một nhóm đối tượng đặc biệt.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, tội trộm cắp hình thành khi trộm tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, như vậy, trộm chó chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính. Theo luật sư, có phải vì thế mà đối tượng trộm chó ngày càng lộng hành?
Đây cũng là một trong những nguyên nhân, lợi dụng sự sơ hở, khoan dung của pháp luật mà tội phạm này ngày càng gia tăng. Không riêng trộm chó, tội phạm trộm cắp ngày càng lộng hành và trẻ hóa. Đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân: Giáo dục gia đình, niềm tin trong cuộc sống, sự du nhập giao thoa văn hóa không được chọn lọc… Rõ ràng, việc giáo dục hiện nay không giống như những thập niên trước.
Trước kia, vì nghèo người ta phạm tội trộm cắp, nay trộm cắp nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn chơi của họ. Tôi muốn nói đến nhóm tội phạm có sử dụng chất gây nghiện. Để thỏa mãn và để “thể hiện bản thân”, họ rất dễ và sẵn sàng lao vào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đã có trường hợp trộm chó bị người dân đánh chết và ngược lại. Theo luật sư, hình phạt cụ thể cho từng trường hợp cần đưa vào luật thế nào?
Thật đáng tiếc khi trong lúc tức giận mà một số người đã có những hành động phạm pháp. Tôi muốn nói rằng, tội phạm đã có pháp luật răn đe, trừng trị, việc đánh trả dẫn đến hậu quả chết người sẽ phải chịu sự lên án của luật pháp. Tùy thuộc vào kẻ trộm chó bị đánh chết hay ngược lại, pháp luật sẽ có hình phạt cho các trường hợp này. Cụ thể, những tội phạm trộm chó thông thường bị xử lý hai tội: (1) trộm cắp theo điều 138; (2) giết người theo điều 93.
Đối tượng trộm chó có bàn bạc, lên kế hoạch và tự chế súng xung điện…, đây có thể xem là những tình tiết nặng không thưa luật sư?
Tội phạm trộm chó ngày càng tinh vi, táo tợn và có tổ chức hơn, để thực hiện hành vi, chúng không ngần ngại sử dụng hết tất cả cái gọi là “nghiệp vụ” để đạt được đối tượng chúng hướng tới. Mục đích của pháp luật là giáo dục và trừng trị. Từng khung, bậc hình phạt đã thể hiện sự giáo dục tội phạm trong đó. Việc lên kế hoạch, tổ chức và sử dụng các hung khí, vũ khí tự chế… để thực hiện hành vi đều được xem xét trong việc định tội và định khung hình phạt.
Theo tôi, pháp luật quy định chi tiết, rõ ràng sẽ giúp cho những người thực thi pháp luật dễ dàng trong việc tiến hành xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật.
Xin cảm ơn luật sư!
Trần Tuy An (thực hiện)
Bình luận (0)