Tòa soạnThư đi – tin lại

Trộm cướp “viếng thăm” hội thảo

Tạp Chí Giáo Dục

Túi đồ đạc của vị giảng viên bị bỏ lại sau khi “phụ nữ lạ mặt” lục cướp iPad tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM vừa qua
Sự việc giảng viên bị cướp iPad trắng trợn tại hội thảo diễn ra mới đây ở một trường ĐH hiện dấy lên nhiều lo ngại. Khi lực lượng bảo vệ còn mỏng hoặc gần như không được chú trọng thì những vụ việc trộm cắp tài sản tại hội thảo – nhất là những tháng cuối năm các đơn vị tổng kết, hội thảo, hội nghị nhiều – hoàn toàn có thể tiếp diễn, khiến người tham dự hoang mang…
Một số đơn vị không chủ trương bố trí lực lượng bảo vệ trực tiếp tại khuôn viên hội thảo vì cho rằng việc này có thể gây thêm cảm giác nặng nề và tạo ấn tượng không tốt đối với đại biểu tham dự.
Cướp iPad trước mặt giảng viên
Mới đây, một phụ nữ lạ mặt đã trộm trắng trợn iPad của giảng viên ngay trong phòng hội thảo tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Cụ thể, vào giờ giải lao, khi đại biểu này ra sảnh ngay trước phòng hội thảo uống trà thì tận mắt chứng kiến một phụ nữ lạ tiến đến khu vực ghế ngồi của mình và lục túi đồ lấy iPad. Giảng viên vội vã trở vào phòng, kiểm tra lại tài sản và truy hô thì tên trộm đã lẻn chạy nhanh ra khỏi khu vực hội thảo. Một lát sau, lực lượng bảo vệ được điều vào nhưng cũng không thể giúp cải thiện tình hình vì tên trộm đã “cao chạy xa bay”. Cùng thời điểm này, có rất nhiều đại biểu khác cũng “hồn nhiên” để đồ đạc, tài sản lại hội trường trong khi ra ngoài giải lao.
Từ trước đến nay, thông thường, lực lượng bảo vệ cho an ninh hội thảo chỉ được các trường bố trí tại những hội nghị, hội thảo cấp quốc tế. Những hội thảo quy mô nhỏ hơn thì hầu hết phía đơn vị tổ chức và cả đại biểu cùng tham gia bảo quản tài sản. PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, các hội thảo do đơn vị tổ chức, khâu an ninh được đảm bảo chặt, đại biểu tham dự được kiểm soát bởi thư mời nên không khó để phát hiện những “vị khách lạ mặt” (nếu có). Cửa ra vào của phòng hội thảo được đặt bàn để nhân viên vừa đón tiếp đại biểu vừa thuận tiện quan sát lượng khách ra vào. Tuy vậy, theo ông Oanh, những sơ suất gây mất cắp hoàn toàn có thể xảy ra vào các giờ giải lao nên Ban tổ chức cũng hết sức cảnh giác. Các hội thảo do đơn vị tổ chức đến nay chưa ghi nhận trường hợp bị mất cắp tài sản tuy nhiên tại trường, từng diễn ra tình trạng mất laptop trong các buổi thi học kỳ.
Chủ động phòng tránh
ThS. Vương Thanh Long (Trưởng ban Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến) cũng cho biết, những hội thảo được nhà trường tổ chức tại khách sạn thì phối hợp ngay với lực lượng bảo vệ của nơi này trong việc kiểm soát an ninh. Tuy nhiên, các hội thảo được tổ chức đồng thời với hoạt động hội trại, nghiên cứu khoa học hay sinh hoạt văn hóa của sinh viên thì lượng người tham gia rất đông, bên cạnh việc kiểm soát thư mời thì trường “khoán” nhiệm vụ đón tiếp khách cho từng bộ phận riêng. Cụ thể, mỗi bộ phận, phòng ban sẽ đảm nhiệm việc tiếp đón một lượng khách liên quan nhất định.
Đây cũng là cách làm của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và nhiều trường ĐH-CĐ khác. Ông Nguyễn Trọng Tuấn (Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) lý giải, hội thảo bao giờ cũng được tổ chức cho các đối tượng gồm “khách mời và những người quan tâm”. Khách mời thường được trường phát thẻ để đeo. Để kiểm soát được “những người quan tâm” cũng như đảm bảo an ninh chung, trường thực hiện “khoanh vùng” lượng khách và giao cho từng bộ phận đảm trách. Cho rằng việc đặt máy quay hay trang bị nhân viên bảo vệ trực tiếp trong khu vực hội thảo là khó thực hiện vì gây thêm cảm giác… nặng nề cho người tham dự nên trường thay bằng lực lượng tình nguyện viên. Không chỉ túc trực trong lúc diễn ra hội thảo mà ngay cả giờ giải lao, tình nguyện viên (thường là sinh viên) sẽ chia khu vực để coi quản tài sản cho đại biểu.
Ông Tuấn đặt vấn đề, ngay cả lực lượng bảo vệ được bố trí giữ an ninh cho hội thảo cũng có thể hoạt động bị động, không có khả năng phản ứng nhanh do một số trường tuyển chọn bảo vệ từ những người cao tuổi, đã nghỉ hưu, sức khỏe không thực sự đảm bảo, thiếu độ nhanh nhạy. Vì vậy, bên cạnh đơn vị tổ chức thì chính đại biểu tham dự hội thảo cũng cần hết sức nâng cao ý thức cảnh giác trong việc tự bảo quản tài sản.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Việc nhiều trường tuyển nhân viên bảo vệ là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu khiến họ có phần thiếu nhanh nhạy trong hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các trường hợp khẩn cấp như gặp trộm cướp…
 

Bình luận (0)