Bằng tình yêu và nhiệt huyết đam mê nghề giáo, suốt 13 năm giảng dạy ở Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), cô giáo Vũ Thị Oanh – giáo viên môn địa lý để lại trong nhiều thế hệ học sinh, nhất là các học sinh đồng bào Cơ Tu hình ảnh một nhà giáo tận tâm với trò, tận tụy với nghề. Cô vinh dự là một trong 25 giáo viên được UBND thành phố Đà Nẵng xét tặng giải thưởng Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu năm 2020.
Tròn 13 năm đứng lớp ở vùng khó, cô giáo Vũ Thị Oanh có nhiều sáng tạo trong giảng dạy và tận tâm trong công tác chủ nhiệm
Sáng tạo trong dạy học
Cô giáo Vũ Thị Oanh sinh năm 1984, lớn lên ở miền quê thuộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Năm 2007, tốt nghiệp ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, cô giáo trẻ Vũ Thị Oanh quyết định chọn thành phố bên dòng sông Hàn để lập nghiệp. “Mình nộp đơn vào một số trường THPT ở Đà Nẵng, cũng có một số nơi gọi nhưng mình chọn ngôi trường ở vùng khó này. Có lẽ đó là cơ duyên để mình gắn bó với các học trò ở vùng khó”, cô Oanh nói.
13 năm đứng lớp giảng dạy, cô Oanh luôn nỗ lực hết mình để truyền kiến thức đến với từng đối tượng học trò. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, cô Oanh còn không ngừng tìm tòi, đổi mới sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm để có kết quả cao trong công tác chuyên môn. Khi công nghệ thông tin bùng nổ, người giáo viên cũng phải bắt nhịp để ứng dụng kịp thời vào công tác giảng dạy. Cô Oanh luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn. Chỉ tính riêng trong năm học 2019-2020, cô Oanh xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” cấp thành phố, năm học 2019-2020. Đặc biệt, cô còn có sáng kiến “Sử dụng phần mềm Ispring 8.7 trong dạy học địa lý của cô với chủ đề: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – môn địa lý lớp 11” xếp loại B cấp sở. Bên cạnh đó cô trực tiếp viết nội dung và báo cáo tại sinh hoạt chuyên môn cụm môn địa lý, thành phố Đà Nẵng (tháng 11-2019) với chủ đề “Ứng dụng trò chơi trực tuyến Quizizz trong dạy học địa lý”. Đề tài đã được giáo viên trong trường và giáo viên các trường khác ghi nhận về tính khả thi, tiện lợi và hiệu quả. Đề tài được các giáo viên bộ môn địa lý, các giáo viên bộ môn khác trong và ngoài nhà trường áp dụng có hiệu quả trong năm học 2019-2020, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 4 và ôn thi tốt nghiệp THPT 2019.
Ngoài ra, năm học 2019-2020, cô Oanh còn trực tiếp dạy học, hướng dẫn học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố môn địa lý lớp 12, đạt 1 giải nhì và 1 giải ba. Được Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang và Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ khen thưởng.
Người mẹ ở trường
Không chỉ sáng tạo trong dạy học, cô Oanh còn là một giáo viên chủ nhiệm tận tình với học trò. Nhiều năm qua cô được nhà trường tin tưởng và phân công giảng dạy lớp có học sinh dân tộc nội trú. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình đến từng em đặc biệt những học sinh có học lực yếu hơn. Do đó, kết quả học tập của các em có sự tiến bộ, điểm kỳ 2 và cả năm cao hơn nhiều so với học kỳ 1. “Việc giảng dạy các em học sinh dân tộc nội trú không chỉ thực hiện ở trên lớp mà vài năm trở lại đây, các giáo viên luân phiên dành thời gian buổi tối hoặc ngoài giờ đứng lớp đến ký túc xá để bổ sung kiến thức thêm cho các em. Công việc khá vất vả nhưng các em rất chăm ngoan nên mình có thêm động lực. Với mình, mỗi sự tiến bộ của các em trong học tập là một phần thưởng giá trị nhất của nghề giáo”.
Trong vai trò một giáo viên chủ nhiệm nhiều năm liền, cô luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ các em trong học tập và trong cuộc sống. Cô Oanh bảo, công tác chủ nhiệm đòi hỏi người giáo viên phải đóng nhiều vai, như một người mẹ, người bạn, người thầy… Ở “vai diễn” nào cũng đòi hỏi phải hoàn thành xuất sắc. Công tác chủ nhiệm cũng yêu cầu người giáo viên phải thực sự tâm huyết, yêu nghề, yêu người, coi học trò như người thân. “Giáo viên chủ nhiệm phải thật sự gần gũi, thấu hiểu, quan tâm và biết về hoàn cảnh của từng học sinh của mình”, cô Oanh nói. Cứ mỗi đầu năm học, khi nhận công tác chủ nhiệm xong thì việc đầu tiên của cô là nắm bắt thông tin từng học sinh. Từ đó có hướng giúp đỡ, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay có phương pháp khuyên nhủ các học sinh cá biệt, hướng cho các em nhận thức được giá trị bản thân và tầm quan trọng của việc học ảnh hưởng đến tương lai sau này để các em cố gắng. Cô cũng thường xuyên tạo cầu nối liên lạc giữa các giáo viên bộ môn và phụ huynh để kịp thời nắm bắt thông tin về học sinh của mình cũng như xử lý các tình huống thường ngày của công tác chủ nhiệm.
Nhận xét về cô giáo Vũ Thị Oanh, thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: “Cô giáo Oanh là một giáo viên tận tâm với nghề, tận tụy với học sinh. Có nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn. Nhiệt tình và năng nổ trong công tác chủ nhiệm. Cô Oanh có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được học trò và đồng nghiệp yêu mến. |
Mỗi ngày, cô đều gặp học trò tìm hiểu tâm tư, chia sẻ với các em về cuộc sống. Kịp thời giúp các em tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tâm lý. Tạo ra sự gần gũi để học trò tin tưởng cũng là một thành công của người giáo viên chủ nhiệm lớp. “Trường đóng ở vùng khó, có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều con em đồng bào thiểu số Cơ Tu nên giáo viên chủ nhiệm luôn làm việc bằng cái tâm và tình thương. Mình phải chủ động tìm hiểu và chia sẻ với các em để kịp thời giúp các em tháo gỡ vướng mắc. Từ đó, các em chăm ngoan hơn và cố gắng hơn trong học tập”, cô Oanh kể.
Sáng tạo trong dạy học, tận tụy và thương học trò, cô Oanh vẫn rất khiêm tốn khi nói về mình: “Mình yêu và theo nghề giáo thì mỗi ngày đều cố gắng để làm tốt nhất có thể công việc của mình. Là giáo viên vùng khó, mình lấy tình thương học trò làm kim chỉ nam trong cuộc sống và công việc”.
Phan Nhật Lệ
Bình luận (0)