Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trọn đời “đưa chữ” qua sông

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Tỏ đưa học sinh qua sông

“Trước kia người ta bảo tôi bị rồ. Vì chỉ có người rồ mới chèo đò đưa các em học sinh qua sông mà không lấy tiền. Nhưng nếu chứng kiến lũ trẻ ở đây thất học thì chắc họ cũng sẽ làm như tôi thôi”- người đàn ông gần 30 năm chèo đò ở ấp Cù Lao (P. Long Bình, Q.9, TP.HCM) bảo vậy.
Nghiệp đưa đò
Ông Phan Văn Tỏ, hơn 50 tuổi nhưng đã gắn gần cả đời mình với nghiệp đưa đò. Ngồi trên con đò chật hẹp, ông bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm buồn: “Ở cái ấp Cù Lao này, trước kia người dân luôn sống trong cảnh không điện, không nước nên cuộc sống quanh năm chỉ biết có cái đói. Phần lớn con em những gia đình ở đây từ đời này qua đời khác đều ít học. Người nhiều chữ lắm cũng chỉ biết đọc”. Ông lớn lên ở cái ấp Cù Lao từ nhỏ, chứng kiến lũ trẻ con đều thất học. Năm 1985 với số tiền bao năm tích góp, rồi mượn thêm quỹ xóa đói giảm nghèo của phường ông đã mua chiếc đò chở người dân và những đứa trẻ từ ấp Cù Lao sang ấp Long Đại học chữ. Nhưng ông không ngờ cái nghiệp ấy lại gắn với ông gần hết đời người. Bây giờ ông bảo “thấy tụi nhỏ có cái chữ, nhiều đứa trong số đó có công ăn việc làm đường hoàng; có đứa còn khoe với tôi là được học lên đại học nữa. Tôi thấy vui lắm”.
Trước kia đò nhỏ chỉ vài mét nên mỗi khi nước chảy xiết hay mưa to gió lớn, con đò qua sông như muốn bay lên. Ông biết nguy hiểm nhưng cũng đành chịu vì không có tiền sắm đò mới, mà bỏ nghề thì không ai qua sông được. Ông cứ bấm bụng làm liều. Vì ông có tính cẩn thận, lại chở vừa đủ nên gần 30 năm hành nghề chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Ông nói chưa dứt lời thì mấy đứa nhỏ học ở Trường Tiểu học Long Bình chạy ra kêu rối rít: Ông lái đò! Ông lái đò! Vậy là ông lại phải quay đò vào bờ để đưa tụi nhỏ về nhà “vì tụi nhỏ phải về ăn cơm, tắm rửa tí nữa đi học thêm Anh văn ở ngoài trường, mãi 8, 9 giờ tối mới về”, ông Tỏ nói. Nhờ chở đò mà ông đã thuộc lòng tên từng đứa học sinh trong ấp. Đứa nào học khá giỏi hay lười biếng ông biết cả. Thậm chí ông còn tường tận chuyện học của học sinh ở đây hơn cả cha mẹ chúng.
Thấy tôi chăm chú nhìn ngón chân cái chai lì và hai bàn tay sần sùi của ông thì liền được ông giải thích: “Tôi chống đò mấy chục năm nên tay chân bị chai sần. Trước kia phải chèo đò qua con sông Đồng Nai này rộng hơn 60 mét mỗi ngày gần chục lần. Nhưng giờ thì đỡ hơn vì có đò lớn lại gắn máy nổ”. Trước kia thấy ông vất vả, vợ con khuyên ông bỏ nghề, nhưng rồi tiếng gọi đò của những đứa trẻ đã giữ ông ở lại với nghiệp cầm chèo. Ông bảo: “Cứ mùa mưa, nước lên tận vườn nhà dân là tôi phải cõng bọn trẻ ra đò đi học. Nhiều hôm tôi vừa chèo đò vừa che mưa cho tụi nhỏ. Người ướt sũng. Nhiều đêm mưa gió bão bùng, nhưng có người trong ấp bị bệnh hay có chuyện gấp là tôi lại phải thức để dậy đưa họ qua sông”.
Xế chiều, trời mưa nhưng bến đò vẫn nhộn nhịp người. Ông lái đò vẫn chèo con đò lướt đi trong cơn mưa nặng hạt như thể để chứng minh sức người là vô hạn vậy. Rồi ông kể cho tôi nghe về con người ở đây chân chất, hiền lành. Họ quanh năm làm bạn với ruộng đồng hay gắn với sông nước kiếm con cá con tôm. Nhiều người khá hơn thì xin được làm công nhân lò gạch. Vì cuộc sống còn đắp đổi qua ngày nên chuyện học hành của trẻ em ở đây được xem là điều “xa xỉ”. Nếu mà thu tiền qua đò của bọn trẻ, chắc lũ trẻ sẽ bỏ học hết. Vì vậy ông vẫn cặm cụi với những chuyến đò ngang và xem đó là cái nghiệp của mình.
Nỗi niềm
Cho đến bây giờ ông không nhớ hết là mình đã đưa bao nhiêu thế hệ học trò qua sông “tìm chữ”. Chỉ biết rằng cứ có đứa trẻ nào ở ấp Cù Lao đi học thì con đò của ông lại là nơi đưa các em đến với trường lớp. Không ít đứa trẻ ở đây xem ông như người thân trong gia đình. “Thằng Thành nhà tui bây giờ mần ăn được cũng nhờ những ngày tháng ông đưa đò chở qua sông học chữ. Không ít lần Thành tính nghỉ học nhưng chính ông đã động viên cháu vượt qua. Giờ nó làm xa nhưng lâu lâu nó lại gọi điện về hỏi thăm sức khỏe ông”, chị Thu Minh vừa tự hào về đứa con mình vừa thổ lộ. Trước kia, do kinh tế khó khăn nên thỉnh thoảng lại thiếu một đứa qua sông vì phải nghỉ học. Những lúc như vậy ông buồn vì trên đò của ông lại thiếu đi một tiếng cười, một tiếng gọi đò mà ông thường nghe và lớn hơn hết là ước mơ đổi đời xem như chấm dứt với những đứa trẻ như thế. Bởi theo ông Tỏ, sau ngày nghỉ học thì những đứa trẻ này lại lao ra những cánh đồng làm quần quật hay mò cua bắt ốc ở ven sông. “Biết làm sao cháu. Số người vậy mà. Ở đây gọi là ấp Cù Lao bốn bề sông nước, người dân xưa kia nghèo cũng phải”, ông Phan Văn Tỏ đẩy con đò ra sông và nói như thể trấn an mình.
Từ ngày ông nghe ấp Cù Lao được quy hoạch làm Khu di tích văn hóa lịch sử, lòng ông vui buồn lẫn lộn. Vui vì từ đây người dân ấp Cù Lao hết phải vất vả khó khăn chờ đò, cuộc sống cũng sẽ sung túc hơn. Nhưng rồi cái nghiệp đưa đò cho học sinh qua sông không còn, ông lại thấy nhớ. Rồi ông tâm sự: “Chắc còn sống là tôi còn chèo đò chú à. Không còn học sinh đi học nữa thì đưa người dân qua sông đi chợ, đi làm”.
Chia tay ông khi trời đổ mưa, dáng ông lái đò nhòa dần vào cơn mưa trên dòng sông Đồng Nai rộng lớn. Tôi chợt nghĩ, phận người lái đò cũng như con đò, một ngày nào đó con đò sẽ mục và người cũng mỏi tay chèo. Trên đường về lại trung tâm thành phố, tôi thầm nghĩ liệu mai này có còn ai nhớ đến ông lái đò đã đưa bao thế hệ học trò qua sông tìm chữ nữa không?
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)