Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tron: Legacy – khi công nghệ nuốt chửng con người

Tạp Chí Giáo Dục

Bom tấn 3D cuối cùng trong năm 2010 đưa khán giả bước vào một chuyến phiêu lưu tới thế giới kỹ thuật số với hệ thống Mạng lưới ảo đồ sộ và hàng nghìn bóng đèn Led rực rỡ.

Tron: Legacy được giới thiệu từ cuối năm 2009 khi công nghệ phim 3D lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là phần tiếp theo của bộ phim Tron ra đời từ năm 1982 nhưng hoàn toàn độc lập với bản gốc. Tron từng được coi là tác phẩm tiên phong trong cuộc cách mạng kỹ xảo của điện ảnh thế giới. 28 năm sau, Walt Disney tiếp tục đưa những sáng tạo vô biên của mình lên màn ảnh rộng với Tron: Legacy. Nhà sản xuất Sean Bailey phát biểu: "Tron: Legacy chính xác là một bộ phim riêng lẻ. Vì vậy, bạn có thể đi xem bộ phim này và thưởng thức nó mà không cần tìm hiểu chút thông tin nào, và câu chuyện sẽ thực sự mang những ý nghĩa của chính nó".

Chuyện phim xảy ra vào 20 năm sau khi Kevin Flynn – người sáng lập ra công ty trò chơi Encom – mất tích. Con trai của ông – Sam Flynn – nay đã trưởng thành và luôn băn khoăn về sự biến mất kỳ lạ của cha. Một tin nhắn đã lôi kéo Sam tới khu trò chơi đã bị bỏ hoang nhiều năm. Tại đây, anh phát hiện ra một lối đi bí mật xuống phòng làm việc kín của cha. Khi khởi động hệ thống máy tính, Sam tức thời bị dịch chuyển tới Mạng lưới – nơi cha anh đã bị mắc kẹt trong 20 năm qua. Sam dấn thân vào hành trình tìm lại cha trong một môi trường vũ trụ ảo và phải tham gia trò chơi đấu sĩ ác liệt. Anh còn phải đối mặt với những kẻ thù luôn rình rập trong một thế giới được lập trình sẵn.

Hình ảnh sống động của Tron: Legacy. Ảnh: Disney.

Tron: Legacy là bộ phim nửa 2D, nửa 3D. Khi Sam và cha ở thế giới thực thì phần hình ảnh chỉ là 2D, nhưng khi bước vào thế giới trò chơi thì mọi thứ trở nên sống động hơn bao giờ hết với công nghệ 3D. Phim có phần mở đầu hơi dài dòng, nhưng càng về sau, cách dẫn dắt của đạo diễn Joseph Kosinski càng thu hút hơn. Hiệu ứng thị giác đưa khán giả đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Các nhà làm phim xây dựng nên một Mạng lưới hùng vĩ, đồ sộ với nhiều dải ánh sáng kỳ ảo quấn quanh sàn nhà, trần nhà, các quầy bar, ghế, phương tiện đi lại và cả trang phục của các nhân vật.

Hiệu ứng 3D thể hiện rõ nhất khi các nhân vật của Tron: Legacy chơi chiến đấu bằng đĩa laze hay ba-toong và các cuộc đua xe ánh sáng đầy kịch tính. Chiều sâu của hình ảnh khiến khán giả có cảm giác như mình đang là một "user" (người chơi) trong thế giới ảo. Thiên tài máy tính Kevin Flynn đã tạo nên Mạng lưới và bị mắc kẹt lại trong đó. Tại nơi đây, mặt trời không tồn tại mà chỉ có thứ ánh sáng Led rực rỡ và những nhân vật ảo lạnh lùng, hiếu chiến. 20 năm sau, sự choáng ngợp của Sam – con trai ông – khi bước chân vào thế giới này, cũng chính là sự choáng ngợp của những khán giả đang ngồi trước màn ảnh rộng.

Ngôi sao trẻ Garrett Hedlund thủ vai chính – Sam Flynn. Ảnh: Disney.

Âm nhạc góp phần tạo nên sự hưng phấn cho khán giả khi thưởng thức Tron: Legacy. Những thứ âm thanh điện tử lai giữa nhiều phong cách khác nhau của Daft Punk khi kết hợp với những hình ảnh công nghệ đẹp mắt tạo nên hiệu quả hoàn hảo của việc nghe – nhìn. Khi biết phong cách nghệ thuật của nhóm Daft Punk ảnh hưởng mạnh mẽ từ Tron, đạo diễn Joseph Kosinski đã mời họ tham gia dự án mới. Các bản nhạc hoàn thành trong 3 năm và được hòa trộn, gắn kết một cách chặt chẽ với hình ảnh trong suốt chiều dài hơn hai tiếng phim. Nếu thiếu đi âm nhạc của Daft Punk, có lẽ Tron: Legacy sẽ không thể để lại được nhiều cảm xúc cho khán giả.

Nam diễn viên gạo cội Jeff Bridges thủ vai chính trong Tron năm 1982 tiếp tục trở lại với nhân vật của mình trong phiên bản mới. Cũng giống như Avatar từng "lăng xê" thành công Sam Worthington, Tron: Legacy đưa tên tuổi của ngôi sao mới Garrett Hedlund đến gần hơn với khán giả. Hai mỹ nhân truyền hình Mỹ – Olivia Wilde và Beau Garrett – gây ấn tượng mạnh mẽ bằng vẻ đẹp lạnh lùng và rất "công nghệ" của mình. Không hề có màn khoe da thịt (phim xếp loại PG – trẻ em cũng có thể thưởng thức), nhưng khán giả có thể cảm nhận sự nóng bỏng của Olivia và Beau qua dáng đi và những bộ đồ bó sát.

Mỹ nhân gợi cảm Olivia Wilde vào vai Quorra. Ảnh: Disney.

Chính vì không giới hạn độ tuổi, câu chuyện của Tron: Legacy được Walt Disney xây dựng đơn giản hết mức có thể. Cảm xúc đọng lại trong số đông khán giả sau khi xem xong phim là hiệu ứng hình ảnh và âm thanh tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng Walt Disney đã khéo léo gửi gắm một thông điệp rất "con người" trong bộ phim. Kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển không ngừng nghỉ và khiến con người trở nên xa cách nhau hơn. Những nhân vật ảo trong Mạng lưới rất đẹp, rất rực rỡ nhưng đó chỉ là một vẻ đẹp "máy móc" – lạnh lùng và không hề có cảm xúc.

Kevin đã tạo ra một thế giới ảo đồ sộ nhưng chính ông đã phải trả giá cho tham vọng của mình khi bị công nghệ "nuốt chửng" và kẹt lại trong Mạng lưới. Sam là một chàng trai đam mê công nghệ máy tính trong thế giới thực, nhưng khi lạc vào Mạng lưới, anh chỉ muốn mau chóng thoát ra ngoài. Sam cũng cảm thấy chạnh lòng và bối rối khi Quorra hỏi anh về bình minh – thứ chỉ tồn tại trong cuộc sống thật. Ngày nay, con người mải mê đắm chìm trong sự hoa mỹ, hào nhoáng của công nghệ cao mà đôi khi quên mất những giá trị thực vẫn tồn tại trong thế giới của mỗi chúng ta. Cảm xúc con người là thứ tự nhiên và máy móc không bao giờ có thể tạo ra – đó cũng chính là ý nghĩa câu chuyện phim.

Tròn một năm kể từ khi Avatar khai phá dòng phim 3D tại Việt Nam, khán giả đã được thưởng thức rất nhiều bom tấn đặc sắc của Hollywood với công nghệ này. Tron: Legacy xứng đáng là cái kết hoàn hảo cho một năm có nhiều điểm nhấn của điện ảnh thế giới.

Tron: Legacy (Trò chơi ảo giác) ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 24/12.

Nguyên Minh (Theo VNE)

Bình luận (0)