Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trọn lòng với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trường tại phòng làm việc.  Ảnh: T.H

Bà con sống lâu năm ở hẻm 54, phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hay lấy tấm gương cô Lê Ngọc Trường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm để dạy con em mình. Bởi với họ, cô bé Trường bán hàng rong nhưng ham học ngày nào đã thật sự thành đạt bằng một nỗ lực phi thường…
Vượt qua những cơ cực
Tôi tìm gặp cô Trường sau khi cô được trao giải thưởng Lê Văn Thiêm của Hội Toán học Việt Nam vào tháng 8 vừa qua tại Qui Nhơn. Đây là giải thưởng được trao hằng năm cho một hoặc hai giáo viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy môn toán ở bậc phổ thông. Giải thưởng được vinh dự mang tên cố Giáo sư Lê Văn Thiêm là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam. Và cô Trường là giáo viên đầu tiên ở ĐBSCL được nhận giải thưởng này. Từ cuộc trò chuyện với cô Trường, tôi cảm nhận được nghị lực phi thường của cô…
Cha mất khi cô Trường vừa được 5 tuổi, một mình mẹ phải gồng gánh 3 con nhỏ đến ở đậu trong ngôi nhà nhỏ ở phường 5, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Không nghề nghiệp, mẹ cô chọn nghề mua bán rau để sinh nhai. Buổi sáng, mẹ cô dậy thật sớm đón mua rau từ vườn lên rồi lại mang đi bán dạo khắp các ngõ hẻm của thị xã. Thương con gái vất vả, bà ngoại cô cũng từ Đồng Tháp sang ở cùng để trông cháu. Để kiếm thêm thu nhập, bà làm mứt chùm ruột, xỏ gim và 3 chị em cô Trường, người lớn nhất chưa được 10 tuổi, người nhỏ nhất vừa lên 5, mỗi ngày mang đi bán ở các cổng trường. Cô Trường nhớ lại: “Năm đầu tiên tôi đi bán dạo là năm học lớp 2, ngoài giờ học, 3 chị em chia nhau đi bán mứt chùm ruột ở các trường tiểu học. Từ đó, việc bán hàng rong đeo mãi tới khi tôi vào đại học”. Rồi người thân không cho ở nhờ nữa. Mẹ con cô Trường phải vay mượn để mua một căn nhà lá ở phường 2, thị xã Vĩnh Long. Nợ nần chồng chất, mấy mẹ con phải đi bán thật xa, bán nhiều món hơn để có ngôi nhà của riêng mình.
“Lớn lên một chút, mấy chị em tôi lại đi bán bánh mì, thuốc lá, nước đá hay đi bán nước mắm dạo. Buổi tối thì bán tủ thuốc ở đầu hẻm 54, gần cột đèn đường. Thường một ngày của tôi bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc hơn 10 giờ tối”- cô Trường kể. “Vậy cô học bài vào lúc nào?”- tôi hỏi. “2 giờ sáng mang thuốc ra bán ở bến xe, tranh thủ lúc rảnh là lấy tập ra học. Và lúc ngồi bán tủ thuốc lá ban đêm, học bằng ánh sáng của ngọn đèn đường”.
Không có nhiều thời gian học bài nên cô Trường chọn các môn tự nhiên, cô nói: “Các môn tự nhiên học nhanh vì chỉ cần thuộc công thức là có thể vận dụng làm bài được”. Càng học thuộc nhiều công thức thì kiến thức của cô càng vững vàng hơn và đam mê môn toán lúc nào không hay. Đến khi vào THPT, đam mê đó dần định hình thành mơ ước cháy bỏng: “trở thành cô giáo dạy toán”. Có mục tiêu rõ ràng, cô bé Trường lao vào học. Suốt những năm học phổ thông, cô không có lấy một buổi ra chơi đúng nghĩa như bạn bè. Cô kể: “Tranh thủ giờ chơi là tôi học bài và bán kẹo me cho các bạn để kiếm thêm thu nhập. Nhiều lúc, tôi cũng thấy mệt mỏi lắm nhưng nghĩ đến tương lai, nghĩ đến mơ ước trở thành cô giáo, tôi càng cố gắng hơn”. “Có lúc nào cô cảm thấy tủi thân?”. “Nhiều lúc đi bán hàng rong, thấy bạn bè cũng tủi thân lắm nhưng phải cố vượt qua. Sợ nhất là khi bị mọi người nhìn với ánh mắt thương hại”.
 Những khó khăn lùi dần trước nghị lực của một người quyết tâm thực hiện ước mơ thành cô giáo. Tốt nghiệp THPT, cô Trường trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ với chuyên ngành sư phạm toán. Lại một lần nữa thử sức mình với khó khăn khi tự bươn chải suốt 4 năm đại học. Cuối cùng, cô Trường cũng chính thức trở thành cô giáo dạy toán của Trường THPT Lưu Văn Liệt vào năm 1982. Sự chịu thương, chịu khó từ tuổi thơ vất vả đã ăn sâu vào nhận thức của cô. Nếu như lúc còn là học sinh, mỗi ngày cô phải dậy từ 2 giờ sáng thì khi đã trở thành cô giáo thói quen đó vẫn không có nhiều thay đổi. Ngoài việc đảm bảo công việc của trường giao, thời gian còn lại cô dành để đầu tư cho môn toán và sử dụng trình độ, tri thức của mình để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho gia đình.
Miệt mài với dạy và học
Cô Trường nói: “Khó khăn rồi sẽ lùi bước trước sự quyết tâm và lòng đam mê thật sự của mỗi người”. Và hơn 30 năm qua, người phụ nữ nhỏ bé Lê Ngọc Trường đã phấn đấu bằng một niềm tin như thế…
Dẫu vậy, cô vẫn tâm niệm: “Giáo viên mà không học tập để nâng cao trình độ thì sẽ bị tụt hậu”. Vì vậy, hầu như tất cả thời gian rảnh cô đều dành cho việc học. Tất cả các lớp bồi dưỡng chuyên môn tại Vĩnh Long hay TP.HCM, thậm chí ở tận Hà Nội, cô đều xin đi học. Cô Trường nhớ lại: “Mình không chỉ thích mà còn rất đam mê môn toán, yêu nghề giáo. Những gì giúp nâng cao tay nghề, làm cho học sinh hiểu bài dễ dàng là mình phải làm cho bằng được”. Chính vì vậy mà cô Trường cũng là một trong những giáo viên phổ thông đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long nhận bằng thạc sĩ toán học. Hiện tại, cô đang làm khóa luận tốt nghiệp lớp Đại học Quản lý Giáo dục.
Nhìn vào bảng thành tích của cô Trường sau 26 năm làm cô giáo, nhiều người hay trêu cô: “Nhỏ mà có võ”. Mà cô Trường nhỏ thật, cô chỉ cao khoảng 1m45, lúc nặng nhất chỉ được 44kg. Người nhỏ nhắn là thế nhưng ý chí và nghị lực thật tuyệt vời. Theo cô Trường, tuổi thơ nghèo khó và một người mẹ hy sinh suốt đời vì các con là động lực để cô vượt qua mọi trở ngại. Nhắc đến mẹ, cô phấn khởi nói: “Điều tôi hài lòng nhất hiện nay là đã phụng dưỡng được mẹ bằng chính sức lao động của mình. Tôi cũng cảm thấy rất vui vì làm cho những người quanh tôi hạnh phúc”. 
Nhắc đến cô Trường là đồng nghiệp nghĩ ngay đến một trong những người bồi dưỡng học sinh giỏi có tiếng, một thành viên hội đồng bộ môn toán của tỉnh, một trong những người hiếm hoi được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh không thời hạn… Còn phụ huynh thì rỉ tai nhau: “Con mình mà học thêm toán cô Trường dạy thì khỏi lo”. Các lớp dạy thêm của cô luôn đông học sinh các trường khác theo học. Nhưng với cô Trường, dạy thêm không chỉ là điều kiện để ổn định kinh tế cho gia đình mà còn là dịp để cô rèn luyện thêm về chuyên môn. Nhưng cũng chính từ những lớp dạy thêm này, cô có điều kiện giúp đỡ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Trường THPT Nguyễn Thông. Cô Trường nói: “Còn nhớ năm lớp 11, mỗi lần đi ngang lớp dạy thêm toán, tôi rất muốn vào học nhưng tiền ăn còn chạy từng ngày thì lấy đâu tiền học thêm, đành mượn tập của các bạn để học “ké””. Vì vậy, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được cô dang tay đón nhận. Nhắc đến cô giáo dạy toán của mình, cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn Đỗ Trần Duy Nghĩa ngày xưa giờ đã trở thành thầy giáo dạy toán của Trường THPT Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long xúc động: “Từ năm tôi học lớp 10, khi biết tôi khó khăn, cô đã không nhận học phí học thêm của tôi suốt 3 năm học. Với tôi cô luôn là một tấm gương vì sự tận tụy với nghề. Khi cô là chủ nhiệm, bất cứ khó khăn nào về cuộc sống hay trong học tập của từng học sinh, cô đều biết và giúp đỡ. Đặc biệt, cô dạy rất hay, rất giỏi. Giờ đây, cô lại là một đồng nghiệp lớn luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi về mặt chuyên môn. Điều đáng nói là không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn cũng được cô giúp đỡ”.
Không chỉ là giáo viên giỏi cấp tỉnh không thời hạn, cô Trường còn có một gia đình rất hạnh phúc. Nhắc đến chồng, con, mắt cô rạng ngời: “Những thành tích tôi đạt được hôm nay đều có công rất lớn của chồng tôi. Cùng là giáo viên nhưng anh ấy luôn cố gắng choàng gánh việc nhà để tôi an tâm công tác và học tập nâng cao trình độ”. Với cô Trường, gia đình mới thật sự là thành công mà cô có được trọn đời. Cô luôn lấy việc hiếu thuận với mẹ với gia đình chồng là cách sống của mình. Cô nói: “Tôi có một con trai đang học lớp 9. Vợ chồng tôi thống nhất cách dạy con không chỉ bằng lời nói mà còn là cách cư xử của chúng tôi đối với cha mẹ, người thân sẽ là bài học cho con”.
Tôi không thể kể hết những thành tích, bằng khen của cô Trường vì nó quá dài, quá nhiều từ vai trò là một giáo viên đến một cán bộ quản lý hay bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc trong nữ công nhân viên chức tỉnh Vĩnh Long… Tuy nhiên, xét ở khía cạnh là một nhà giáo, danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh không thời hạn đã minh chứng cho sự tâm huyết với nghề…
Thái Hải
Thầy Bùi Chí Hiếu, đồng nghiệp đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét: “Bên trong dáng người ốm gầy của cô là một nguồn năng lượng vô tận. Cô tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh và là một người con hiếu thảo…”.
 

 

Bình luận (0)