Gần 20 năm, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, chị Hoàng Thị Như Thanh – Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba (TP.Huế) không chỉ nhiệt huyết với công việc chuyên môn mà còn tận tâm vì cộng đồng…
Chị Hoàng Thị Như Thanh trao suất ăn sáng miễn phí cho bà con khó khăn
San sẻ yêu thương
Hơn 1 năm nay, đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, tủ bánh mì miễn phí ở chợ Đông Ba có đông tiểu thương, người buôn bán nhỏ và người lao động nghèo ghé lại để nhận suất ăn sáng. Bà Nguyễn Thị Thương, 62 tuổi chia sẻ: “Mấy chục năm nay tui sống nhờ những gánh rau lên chợ Đông Ba. Rời nhà từ 4 giờ sáng, bán rau đến xế trưa là thu được vài chục ngàn tiền lãi, đủ để mua thức ăn, đong gạo cho gia đình. Từ ngày có tủ bánh mì miễn phí, cứ đến sáng chủ nhật là tui đỡ được một khoản tiền. Không chỉ được nhận bánh mì, suất ăn còn có cả sữa, nước… Tôi rất vui, được nhận quà là niềm động viên để tui bám chợ mưu sinh”.
Kéo tay áo lau vội những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng, ông Nguyễn Văn Đồng – một người dân làm nghề bốc vác, kéo hàng thuê nhận lấy suất ăn sáng từ tủ bánh mì miễn phí, không quên gửi lời cảm ơn từ người trao: “Bữa ăn sáng này đủ đầy chất dinh dưỡng hơn cả bữa ăn hàng ngày của tôi. Quan trọng hơn là tôi cảm nhận được niềm sẻ chia đầy tình cảm của ban quản lý, các tiểu thương trong chợ. Điều đó giúp tôi có thêm động lực và yêu hơn, quý hơn cái tình người ở ngôi chợ này”.
Tủ bánh mì 0 đồng do chị Thanh khởi xướng hơn một năm qua đã chia sẻ với nhiều người khó khăn ở chợ Đông Ba
Bà Hoàng Thị Như Thanh – Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba cho biết, tủ bánh mì miễn phí do Chi đoàn chợ phụ trách. Mỗi tuần tổ chức tặng 200 suất gồm bánh mì, sữa, nước miễn phí cho tiểu thương, lao động nghèo, trích từ nguồn kinh phí vận động các mạnh thường quân và sự chung tay của các tiểu thương trong chợ. “Hưởng ứng phong trào “Chủ nhật vì cộng đồng”, để tạo thêm sự gắn kết, san sẻ yêu thương và lòng nhân ái, đầu tháng 4-2023, nồi cơm yêu thương đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ chợ Đông Ba khai trương với mỗi tháng một lần, trao đi 150 suất cơm cho người nghèo. Kinh phí dành cho nồi cơm này được các tiểu thương trong chợ chung tay đóng góp. Thông qua những suất cơm miễn phí, chúng tôi mong muốn chia sẻ một phần nhỏ khó khăn cùng người lao động. Đồng thời, khơi dậy trong mỗi tiểu thương lòng nhân ái, sự sẻ chia và đoàn kết hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày”, chị Thanh nói.
Chung sức giữ hồn cốt ngôi chợ trăm năm
Chị Hoàng Thị Như Thanh sinh ra và lớn lên ở phường Thuận Thành (nay là phường Đông Ba), TP.Huế. Gần 20 năm công tác, chị từng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, từ: nhân viên văn phòng Đảng ủy, Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND phường Thuận Thành, đến Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Huế. Tháng 9-2021, chị đảm nhiệm vị trí Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba đến nay.
Một thời gian sau khi về làm Ban quản lý chợ Đông Ba, chị Thanh phát động thành lập Chi đoàn với sự tham gia của các tiểu thương trẻ trong chợ. Tủ bánh mì miễn phí được tổ chức ngay sau đó với nguồn quỹ luôn duy trì trên 10 triệu đồng do Chi đoàn phụ trách. Nhiều phong trào gắn kết khác cũng được chị tổ chức để tạo nên đoàn kết trong các tiểu thương. Hàng năm, các tiểu thương đều được tham gia các chuyến du lịch trong và ngoài TP. Mới đây nhất, có 200 tiểu thương cùng tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.Huế. Ngoài ra, nhiều phong trào khác như hưởng ứng chủ nhật xanh, làm sạch môi trường, Tết yêu thương, chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo khó… đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Chị em tiểu thương chợ Đông Ba trong tà áo dài tạo nét đẹp và sự thân thiện với du khách thập phương
Tận tâm với công việc, luôn khởi xướng các phong trào và mang lại hiệu ứng tốt. Chị Hoàng Thị Như Thanh vinh dự là một trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên – Huế, năm 2020-2022. |
Để giữ gìn hình ảnh đẹp về ngôi chợ Đông Ba có truyền thống 123 năm, Ban quản lý chợ phát động chương trình “Ba không, hai có”: Không chèo kéo, không nói thách, không quan niệm “mì xưa” và có uy tín, có chất lượng. Kết quả bước đầu các tiểu thương đều hưởng ứng khá tích cực. Phát động chị em tiểu thương mặc áo dài mỗi tuần 1 ngày để tạo vẻ đẹp riêng. Chị Thanh bảo: “Để làm được điều này, sự đồng hành của các tiểu thương đóng vai trò quan trọng nhất. Mục đích duy nhất của các việc làm do Ban quản lý phát động là vì tiểu thương, vì tập thể. Chúng tôi luôn quan niệm chợ Đông Ba là của tiểu thương. Vì thế, xây dựng được một hình ảnh đẹp về ngôi chợ có nghĩa là xây dựng hình ảnh đẹp về chính các tiểu thương. Một khi các tiểu thương đồng lòng, vui vẻ và thân thiện thì sẽ hấp dẫn du khách đến với Huế. Khi du khách rời đi, nhắc nhớ về một TP.Huế xinh đẹp ngoài những điểm đến như lăng tẩm, đền đài thì họ sẽ nhớ về chợ Đông Ba”.
Ban quản lý chợ cũng thành lập nhiều đường dây nóng để du khách phản ánh tin “nóng”. Việc làm này hướng đến xây dựng chợ văn minh, thân thiện. Chị Thanh bảo, điều quan trọng nữa là chợ phải an toàn. Vì vậy, Đảng bộ chợ đưa điều này vào nghị quyết để nâng cao vị trí, vai trò của chợ. Mục tiêu là đưa ngôi chợ này ngày một phát triển hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc truyền thống. Chợ Đông Ba là nơi giữ gìn nhiều giá trị văn hóa. Ở đó, có cốt cách con người Huế, văn hóa Huế. Vì vậy, đưa du khách đến nhiều hơn với Huế, với chợ Đông Ba để họ hiểu và yêu Huế hơn.
Nói về mình, chị khiêm tốn bảo: “Trong bất cứ công việc nào cũng cần có sự hài hòa, lắng nghe, chọn lọc và chia sẻ. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của các tiểu thương để tìm giải pháp tốt nhất cho bà con. Tôi coi ngôi chợ này là gia đình thứ 2 của tôi và các tiểu thương là người thân. Tôi vui khi bà con đồng hành cùng mình để giữ gìn hình ảnh đẹp về chợ Đông Ba. Chợ Đông Ba có nhiều hình ảnh đẹp và cả danh hiệu công dân tiêu biểu mà tôi vinh dự nhận đều là nhờ bà con tiểu thương”.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)