Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Trọn vẹn một chữ… Thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Khi tên của thầy Hiệu trưởng được nhắc đến trong lễ khai giảng năm học mới, cả sân Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa như vỡ òa bởi tiếng reo của hàng ngàn học sinh phía dưới. Và tôi hiểu, bao nhiêu năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, ông không mong đợi điều gì hơn thế. Cả đời này, ông đã dành trọn tâm huyết, sức lực và tình yêu thương cho biết bao thế hệ học trò, chỉ để trọn vẹn một chữ “thầy”.

Một thầy giáo mẫu mực

Khi làm quản lý, ông luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích học sinh vươn lên trong học tập
Thoạt nhìn dáng vẻ ung dung, cách nói chuyện nho nhã, trầm ấm của NGƯT-TS Nguyễn Bác Dụng, ai cũng ngỡ rằng ông phải được sinh ra trong một gia đình giàu có với một cuộc sống an nhàn, tĩnh tại. Nhưng không, chỉ những ai biết rõ con người ấy mới hiểu hết những đắng cay mà ông từng nếm trải và lòng quyết tâm vượt bậc để có được thành công ngày hôm nay. Lớn lên giữa thời buổi đất nước hai miền chia cắt, nhưng ông thấy mình thật may mắn khi được học với những người thầy tâm huyết và có lòng yêu thương học trò. Họ cũng nghèo, cũng phải chật vật giữa bộn bề khó khăn để lo cơm áo gạo tiền như bao người khác. Nhưng vượt lên tất cả, những thầy giáo ấy vẫn dành cho học trò của mình những bài giảng, những lời dặn dò đầy yêu thương mà cho đến cuối đời ông không thể nào quên và coi đó là bài học đầu tiên về đạo đức làm thầy. Cũng chính họ đã thắp lên cho ông niềm tin sâu sắc về hình ảnh người thầy giáo mẫu mực để ông lựa chọn, theo đuổi và gắn bó như cái nghiệp suốt cả cuộc đời. Khi còn là sinh viên ngành hóa học Trường ĐH Khoa học Sài Gòn (ĐH KHTN ngày nay), để trang trải cuộc sống, Bác Dụng đã đi dạy thêm, truyền đạt kiến thức như một người thầy giáo thực thụ. Chính nhờ lòng nhiệt tình và cách giảng dạy khoa học, chàng trai Nguyễn Bác Dụng ngày ấy đã giúp cho nhiều học trò bị mất kiến thức không những lấy lại được “gốc” mà còn truyền cho họ sự say mê nghiên cứu hóa học. Rất nhiều người trong số ấy đã trở thành người thành đạt trong cuộc sống, làm việc tại các bệnh viện, trường ĐH, viện nghiên cứu… nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tốt nghiệp ĐH, từ chối tất cả lời mời của các nhà máy, xí nghiệp, từ chối cơ hội được ra nước ngoài, Bác Dụng vẫn quyết tâm trở thành thầy giáo dù biết rằng: con đường đó không hề bằng phẳng. Và quả thực, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn ngày ấy đã có không ít giáo viên phải bỏ nghề vì đồng lương quá ít ỏi. Bản thân ông cũng đã từng phải bán chiếc xe đạp, tài sản duy nhất của hai vợ chồng để lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng ngay cả lúc khó khăn nhất, ông cũng chưa từng nghĩ tới việc bỏ nghề. Bốn chữ “lương sư hưng quốc” tiếp thu từ thuở cắp sách tới trường vẫn vẹn nguyên và nóng bỏng trong tâm trí của người thầy hết lòng thương yêu học trò ấy. Đó cũng là thời gian ông giúp cho nhiều học trò khó khăn được học thêm mà không phải đóng tiền. Bởi cũng như họ, ông thấm thía được nỗi khổ của người nghèo, bị người khác giễu cợt và phân biệt đối xử. Lớp học của ông luôn có những học trò nghèo, ham học từ nhiều nơi tìm đến. Khác với đồng nghiệp cùng thời, thầy giáo Nguyễn Bác Dụng luôn khắt khe với chính bản thân mình, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn để cung cấp cho học trò mình những kiến thức mới mẻ và hoàn thiện nhất. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, ông luôn đổi mới tư duy, tìm ra cách dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chính ông là người đã tìm ra phương pháp giải toán hóa học “công thức trung bình” giúp cho quá trình giải toán ngắn gọn mà vẫn dễ hiểu. Phương pháp này hiện đã được áp dụng phổ biến trong cả nước, nhiều học sinh khi du học ở nước ngoài sử dụng phương pháp “công thức trung bình” đã được các giáo sư nước ngoài đánh giá cao. Khi lên lớp, ông luôn chú ý tới tốc độ, điểm nhấn trong từng lời nói bởi đây là yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của học sinh vào bài giảng. Ông thích chất giọng Opera, nhẹ nhàng, trầm ấm mà vẫn có sức truyền cảm tới hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Để phát huy lợi thế này vào công tác giảng dạy, ông đã không ngần ngại dành thời gian học thêm ở Nhạc viện TP.HCM ròng rã suốt một năm trời để có được chất giọng dễ thu phục lòng người ấy. Không chỉ bằng giọng nói, trong cách giảng dạy của mình, ông còn dùng cả ánh mắt để hiểu học sinh mình băn khoăn, mong muốn điều gì. Chưa bao giờ, người ta thấy ông đánh mắng hay lớn tiếng với học trò. Và chỉ có những người thực sự yêu thương, dành tất cả những gì mình có cho học sinh mới làm được điều kì diệu ấy.
Một người quản lý tài ba
Rời bục giảng, ông trở thành một người quản lý. Hơn nửa đời người gắn bó với ngành giáo dục, bước chân ông đã lần lượt đi qua nhiều ngôi trường tên tuổi như THPT Quang Minh, Bùi Thị Xuân, Marie Curie và cuối cùng dừng chân ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ở mỗi nơi, ông đều để lại những ấn tượng thật khó quên về hình ảnh một người thầy giáo tận tụy, hết lòng yêu thương học trò, một người đồng nghiệp nhiệt tình, dễ mến và một người quản lý gần gũi, tài ba. Không năm nào, ông không tự mình bỏ tiền đóng học phí cho những học trò nghèo. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông luôn giữ cho mình chữ “nhẫn” làm đầu, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của người khác. Khi còn làm Phó hiệu trưởng ở Trường THPT Marie Curie, ông là người tiên phong ủng hộ các phương pháp dạy mới. Chính điều này đã gây ra nhiều vấn đề tranh cãi, bức xúc với nhiều giáo viên lớn tuổi trong trường. Những lúc như thế, ông tự nhủ mình phải ghìm lòng lại, chờ cơ hội để giải thích, phân tích cho họ hiểu. Chính những năm tháng ấy đã tích lũy cho ông bài học đắt giá về kinh nghiệm làm người quản lý để chèo lái con thuyền Trần Đại Nghĩa đi đến ngày hôm nay. Đó là hiệu trưởng phải hơn giáo viên một cách nhìn, phải hiểu tâm lý, biết mềm mỏng và cứng rắn với những người dưới mình. Cũng từng là người đứng trên bục giảng nên ông thấu hiểu được những khó khăn, vướng mắc của giáo viên khi đứng lớp. Trong mọi tình huống, ông đều cố gắng giải quyết hợp tình, hợp lý mà vẫn bảo vệ được quyền lợi của giáo viên. Mỗi khi có dịp gần gũi, ông lại cho họ những lời khuyên chân tình, thiết thực nhất. Mười năm chèo lái con thuyền Trần Đại Nghĩa, bằng kinh nghiệm, sự sáng tạo và lòng quyết tâm của mình, ông đã đưa trường từ một nơi còn bộn bề khó khăn buổi ban đầu thành một ngôi trường tên tuổi được nhiều người trong cả nước biết đến. Mấy ai biết được rằng, ông đã phải đi xin từng cái bảng, từng bộ bàn ghế, tự mình bỏ tiền riêng để gầy dựng khi trường mới ở buổi sơ khai. Ông cũng từng đi đến các trường đại học, xin danh sách các sinh viên đỗ đầu, thuyết phục giáo viên giỏi tại các trường về giảng dạy. Ông luôn tận dụng sức trẻ, khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên trẻ được học nâng cao, bồi bổ kiến thức chuyên môn. Ông cũng tiếp thu những thành tựu từ các nơi khác, mời các giáo sư, tiến sĩ có tiếng tăm về thỉnh giảng để giáo viên trong trường học tập.
Là một người hiệu trưởng, quản lý hàng ngàn người nhưng ông vẫn dành tình cảm, sự quan tâm cho học sinh, coi chúng như những đứa con của mình. Dù đang bận rộn tiếp khách, nhưng khi có một học sinh lớp 9 rụt rè bước vào xin thầy Hiệu trưởng ít phút để chụp hình lưu niệm, ông cũng lịch sự nói khách chờ một lát rồi bước ra với các em. Thỉnh thoảng, ông lại xoa đầu và ân cần hỏi thăm từng học sinh đang chơi ngoài sân. Chính tình cảm đó đã để lại cho cả thầy lẫn trò những kỉ niệm thật khó quên. Một lần, khi đang ngồi trong phòng, một hiệu phó chạy lên báo tin cho ông là có một học sinh đang có ý định lấy dao lam rạch tay trong nhà vệ sinh, thầy cô giáo, bạn bè đã dùng mọi cách thuyết phục nhưng vẫn thất bại. Ông lập tức chạy xuống, vừa đi vừa suy nghĩ tới phương án giải quyết tình huống này. Khi tới nơi, ông nhẹ nhàng gọi “N. ơi! Mở cửa cho thầy. Thầy đây, thầy là thầy Hiệu trưởng đây”. Một câu nói vọng ra “Em không mở đâu. Rồi mọi người sẽ nói với mẹ em, mẹ em sẽ đánh em thôi”. Bằng kinh nghiệm của mình, ông hiểu học trò đó đã xảy ra chuyện gì và ông cam đoan với em sẽ không xảy ra tình huống như em nói. Tiếng mở cửa vang lên, em bước ra và ngất trên tay thầy Hiệu trưởng. Thì ra, cô học trò đó có hoàn cảnh rất đáng thương: ba mẹ chia tay, mẹ em vì những bức xúc trong cuộc sống đã dồn hết áp lực lên đứa con bé nhỏ. Bằng lời lẽ, ông đã phân tích cho bà mẹ hiểu ra cái sai trong cách giáo dục con cái. Ngày hôm sau, bà mẹ đã gặp và cho ông biết một điều: sở dĩ cô học trò đó nghe theo lời ông bởi chính ông là người đã mở cổng trường và dắt tay em vào tận phòng thi khi em đến muộn trong kì thi tuyển vào trường năm lớp 6. Từ câu chuyện đó, ông hiểu rằng bất cứ hành động nào của người thầy cũng sẽ tác động đến tâm lý của học sinh. Vì vậy, khi giáo viên trong trường có sai phạm, ông luôn là người xin lỗi học sinh trước, kèm theo một lời “dọa” “thầy sẽ kiểm điểm thầy (cô) T.” để không chỉ giáo viên mà cả học sinh cũng xem lại hành động của mình, tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Năm nay, ông đã gần 60 tuổi. Cũng chẳng còn bao lâu nữa, ông sẽ rời mái trường Trần Đại Nghĩa. Nhưng với ông, đó chưa phải là hết. Ông sẽ vẫn tiếp tục với con đường làm thầy giáo, đem kiến thức và niềm say mê truyền lại cho những thế hệ tương lai của đất nước cho trọn vẹn một chữ thầy.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Hằng năm, cứ mỗi dịp 20-11 hay tết đến xuân về, học trò của ông từ khắp mọi miền đất nước và đang học tập ở nước ngoài đã dành cho ông những tình cảm thắm thiết. Bao nhiêu thế hệ học trò đã ra đi, thành đạt mà vẫn nhớ tới ông, nhớ tới mái trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Và ông coi đó là món quà vô giá của người thầy…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)