Sự kiện giáo dục

Trong 10 năm, TP.HCM chi gần 22.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để giữ trẻ 6-18 tháng tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2014 đến nay, TP.HCM đã chi trên 21.734 tỷ đồng kinh phí thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn TP. Trong đó, nguồn chi từ ngân sách là gần 17.199 tỷ đồng, nguồn chi từ xã hội hóa là trên 4.536 tỷ đồng. Việc tổ chức giữ trẻ trong độ tuổi này được đánh giá là chủ trương lớn mang tính nhân văn của TP.HCM.

Sáng 31-12, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn TP.

Là địa phương đầu tiên trên cả nước nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2014-2015, TP.HCM đã tổ chức thực hiện thí điểm đề án nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 13 trường mầm non của 8 quận, huyện (quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi), mỗi quận, huyện thí điểm từ 1-2 trường mầm non công lập, với 175 trẻ và trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi

Năm học 2015-2016, TP tiếp tục mở rộng thí điểm thêm tại 4 quận là quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Đến nay, qua 10 năm triển khai, 100% các quận huyện và TP.Thủ Đức đã tổ chức nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi, ngoại trừ quận 4.

Tính đến năm học 2024-2025, toàn TP có 241 cơ sở giáo dục mầm non nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Bao gồm 133 trường công lập, 58 trường ngoài công lập và 50 nhóm trẻ độc lập với tỷ lệ công lập chiếm 55,1%; ngoài công lập 24%; nhóm trẻ độc lập là 20,9%.

Trung bình mỗi nhóm có từ 12 trẻ, số giáo viên/trẻ đảm bảo theo quy định và có bố trí 1 nhân viên nuôi dưỡng. Tổng số trẻ gửi là 2.593 trẻ; Số giáo viên giữ trẻ độ tuổi từ 6-18 tháng tuổi đã tăng từ 52 giáo viên trong năm đầu tiên lên đến 546 giáo viên trong năm học 2024-2025.

Về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, từ năm đầu tiên thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, theo lộ trình các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn TP đã thực hiện tốt việc cải thiện nâng cấp các phòng nhóm: phòng sinh hoạt chung; phòng pha sữa; phòng cho trẻ bú; phòng vệ sinh; khu vận động; khu tắm nắng, trung bình 120-300 triệu đồng/phòng. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn TP là gần 21.735 tỷ đồng. Trong đó, nguồn chi từ ngân sách là gần 17.199 tỷ đồng, nguồn chi từ xã hội hóa là trên 4.536 tỷ đồng.

Đặc biệt, khi triển khai đề án, TP.HCM đã thực hiện nhiều chế độ chính sách bồi dưỡng và đãi ngộ được xem là điểm sáng cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực tiếp chăm sóc trẻ được hỗ trợ thêm 35% mức lương cơ bản; đội ngũ ngoài công lập được hỗ trợ kinh phí học tập từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM năm 2014.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường CĐ Trung ương TP tổ chức 8 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi, với kinh phí 1,8 triệu đồng/người.

Ngoài ra, các địa phương như quận 1, 3, 5, 12, Phú Nhuận, Tân Bình và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ cũng chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ với trên 751 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương; Một số cơ sở giáo dục mầm non cũng thực hiện tự chi trả trên 593 triệu đồng để đội ngũ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn.

Nhiều kết quả nổi bật

Bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, sau 10 năm thực hiện công tác nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP đã mang lại những kết quả nổi bật, đáp ứng được phần nào nhu cầu của phụ huynh. Các cơ sở giáo dục mầm non đã tạo được uy tín và sự đồng thuận hỗ trợ của cha mẹ trẻ, ngày càng nhiều trường mầm non được cải tạo hệ thống phòng học nhóm, lớp dành cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi khang trang, rộng rãi với các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi hiện đại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân TP. Các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo đủ giáo viên theo quy định, mỗi nhóm có từ 2 giáo viên, tùy điều kiện từng đơn vị bố trí thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng.

Bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị

“Trẻ khi được gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non đã được hưởng điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục tốt, trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và phát triển tốt ở các lĩnh vực về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội. Qua đó thấy được việc gửi trẻ từ 6-18 tháng tuổi tạo được giá trị xã hội và sự phát triển của cấp học mầm non” – bà Điệp đánh giá.

Chủ trương lớn, nhân văn của TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, việc nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non là một chủ trương lớn mang tính nhân văn của TP, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của trẻ em ngay từ những tháng đầu đời. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục đào tạo TP góp phần thực hiện đúng chủ trương chăm lo cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Bà cho biết, thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình này để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Đồng thời nêu rõ, để thực hiện tốt mô hình trên, thời gian tới, trường học phải quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng việc phát huy nguồn lực từ xã hội.

“Hiện tâm lý chung của phụ huynh nếu không vì điều kiện hoàn cảnh sẽ không gửi con tại độ tuổi trên. Do đó, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu, biết về mô hình này” – bà Châu lưu ý.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu bậc học mầm non cần tiếp tục thực hiện các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các chương trình tham quan, giao lưu mô hình điểm để học tập lẫn nhau. Cần đặc biệt quan tâm đến đời sống giáo viên vì việc giữ trẻ từ 6 tháng là công việc khá vất vả.

“Phòng Giáo dục Mầm non phải phối hợp với các phòng có liên quan rà soát để tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP những chính sách phù hợp để đội ngũ yên tâm công tác. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục mầm non có nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, không được để xảy ra những sự việc mất an toàn cho trẻ, phải tạo được niềm tin của phụ huynh” – bà Châu nhấn mạnh.

TP.HCM kiến nghị nhiều nội dung để thực hiện tốt việc giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi

TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 19/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, chuyển vị trí việc làm y tế học đường sang vị trí việc làm chuyên môn dùng chung.

Kiến nghị điều chỉnh Nghị định số 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, để đội ngũ nhân sự tham gia nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ yên tâm công tác. Đặc biệt nghiên cứu các nội dung, phối hợp các chuyên gia trong và ngoài nước để tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

Yến Hoa

Bình luận (0)