* Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) vừa hoàn thành báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết của Trung ương về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Báo cáo nhận định, việc thực hiện nghị quyết đã đem lại nhiều kết quả tích cực như tính dân chủ được cải thiện, khung pháp luật đầy đủ hơn; các hình thức sở hữu ngày càng đa dạng, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hệ thống ngân hàng được cải cách… Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm: trên thực tế với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp, Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp khá lớn vào nền kinh tế, trong khi lại chưa thực hiện tốt các chức năng quản lý và điều tiết vĩ mô trong nền kinh tế. Đáng lưu ý, môi trường kinh doanh và quyền tự quyết của doanh nghiệp vẫn còn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố hành chính. Khi gia nhập thị trường, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản, thậm chí là các rào cản cao hơn mức trung bình của thế giới. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế còn nặng nề và còn nhiều vướng mắc; tình trạng quan liêu, phân tán cục bộ, vô cảm với dân còn nghiêm trọng; chất lượng nguồn nhân lực thấp… Tham nhũng, lãng phí còn lớn và ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thất thoát lớn và để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế và xã hội.
Bộ KH-ĐT đưa ra khuyến nghị phải “giải quyết một cách thấu đáo vấn đề chế độ sở hữu đất đai”, nếu không thì khó có thể tìm được một giải pháp mang tính cơ bản cho giai đoạn tiếp theo. Trong số những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT đề nghị tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thu hẹp phạm vi và tỷ trọng nguồn lực phân bổ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chuyển toàn bộ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần trong 3 – 4 năm tới. Nhà nước chỉ giữ cổ phần với doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, công ích. Bên cạnh đó, cần triển khai nghiên cứu đề án tái cơ cấu đầu tư, bao gồm đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống tài chính; thiết lập môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng; cần ban hành một dự luật về đầu tư nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước; loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước…
* Hai tháng đầu năm, doanh nghiệp khai tử nhiều hơn khai sinh
Đó là số liệu vừa được Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) công bố. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2014, cả nước có gần 11.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 62.900 tỷ đồng. Cùng kỳ, có trên 13.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng lưu ý rằng kỳ nghỉ tết năm nay dài hơn mọi năm, có phần ảnh hưởng đến việc “khai sinh” của doanh nghiệp.
Trong khi đó, liên quan vấn đề sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, theo các đề án đã phê duyệt, do 3 năm 2011 – 2013 đạt thấp, nên số doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong 2 năm 2014 – 2015 là 432 doanh nghiệp. Đáng mừng là công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đạt được những kết quả tích cực. Hiện hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đã được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thí điểm cổ phần hóa 35 công ty, chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ 91 công ty, giải thể 36 công ty.
Theo SGGP
Bình luận (0)