Hôm qua, tôi tình cờ gặp lại thầy giáo cũ, thầy vừa dự một cuộc họp kín của trường về tuyển sinh.
Trường của thầy thuộc hàng số một về đào tạo các thầy, cô giáo cho giáo dục nước nhà, thế mà năm nay, lần đầu tiên sẽ phải đóng cửa một số ngành học. Lý do là vì không tuyển đủ sinh viên, thậm chí có ngành không có sinh viên nào trúng tuyển cho dù là nguyện vọng 3.
Thầy giáo bảo, giáo dục nước nhà bây giờ đang đi xuống. Với 30 năm trong nghề, ông đủ sáng suốt để nhận biết được sự đi xuống ấy. Nhưng hóa ra, trong buồn cũng có vui, chỉ là chúng ta có biết nắm cơ hội hay không mà thôi.
Về cái buồn, ông chỉ ra rằng những ngành học mà không thu hút được sinh viên chủ yếu là ngành không "hợp thời". Ví dụ, sư phạm là ngành không còn hấp dẫn. Những ưu đãi của nhà nước về học phí chỉ là tiền đề và bây giờ chẳng mấy phụ huynh chú ý nữa. Thêm vào đó, ra trường xin việc khó, xin được việc thì lương thấp khiến chẳng ai mặn mà. Nhưng cao hơn, các áp lực mà giáo viên phải chịu đựng mới là nguyên nhân lớn nhất. Bây giờ lên lớp, giáo viên đâu chỉ giảng bài mà còn phải lắng nghe dư luận, để ý từng động thái của phụ huynh, đặc biệt là chịu sức ép của lãnh đạo về các yêu cầu hành chính rất phi lý. Không còn bình an để đứng lớp nữa, ngay từ khi còn học lớp cuối cấp bậc phổ thông, nhiều giáo viên đã khuyên học trò của mình đừng theo nghề sư phạm.
Thế còn vui thì sao? Ông giáo già thẳng thắn mà rằng ông vui vì nghĩ đến chuyện "tái ông mất ngựa". Nghĩa là, chưa hẳn chuyện các em học sinh không thích làm thầy đã phải là chuyện rủi. Bởi vì, điều ấy phản ánh nhu cầu thực tế của xã hội. Người ta chỉ học những thứ xã hội cần, xã hội coi trọng. Hơn nữa, bây giờ người thầy trên lớp đâu chỉ truyền kiến thức, thầy giỏi phải là người biết dạy học trò biết cách thu thập kiến thức cần thiết cho mình. Mà như thế, chỉ cần một thầy cũng có thể dạy cả ngàn học sinh, ở nhiều môn học, không nhất thiết cứ phải chuyên ngành mới dạy được. Đây là điều mà giáo dục tiến bộ của nhiều nước phát triển đã đạt được sau nhiều năm vật vã với giáo dục của chính họ. Mình có thể tiếp thu mà áp dụng, khỏi mất nhiều thời gian.
Vấn đề bây giờ là sự chuyển biến tư tưởng của chính những người "chỉ đạo" giáo dục. Phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế, suy nghĩ cho phù hợp với thời đại, không nên chỉ vì hào quang quá khứ mà "cố đấm ăn xôi". Học sinh thi điểm thấp, thấp rất nhiều so với điểm sàn xét tuyển thì không thể chiêu mộ. Không có sinh viên thì đóng cửa, đơn giản với bất kỳ ngành học nào, không riêng gì sư phạm.
Theo Sông Hồng
(GiadinhNet)
Bình luận (0)