12 tuổi, cậu bé xin được một chân phụ hồ để hai anh em có thể sống qua ngày. Gian khó là vậy nhưng sâu thẳm từ tuổi thơ khó nghèo ấy, giấc mơ được học hành chưa một lần ngừng nghỉ.
Trò giải trí của Nghĩa là mày mò tự làm những chiếc tên lửa nước để thỏa niềm đam mê sáng tạo – Ảnh: Q.LINH
|
Người mẹ đặt cho con cái tên Đỗ Trí Nghĩa để gửi theo con ước mơ đến trường dang dở của mẹ, cũng để mong con thành người có trí, có nghĩa. Đời mẹ cơ cực, đời con cũng không ít gian truân nhưng cậu bé cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nhà Bè, TP.HCM) ấy chín năm liền chưa khi nào rời nhóm học sinh giỏi dẫn đầu lớp.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Học sinh giỏi cấp thành phố
Hành trang vào cấp III của Đỗ Trí Nghĩa ngoài chín năm liền là học sinh giỏi còn có giải nhất môn địa lý và giải ba môn vật lý học sinh giỏi cấp TP năm lớp 9 vừa qua. Nghĩa cũng là một trong những điển hình thiếu nhi là đại biểu chính thức của Đại hội thi đua yêu nước TP.HCM lần V (2005-2010) được tổ chức hồi tháng 6-2010.
|
Cha mẹ chia tay, cha bắt hai con theo. Không công việc ổn định, cha theo gánh hội chợ. Cuộc đời anh em Nghĩa cũng phiêu dạt theo những chuyến đi. Nghĩa chẳng nhớ lúc đó đi những đâu nhưng mỗi nơi ghé lại nhiều lắm chỉ mươi ngày rồi lại đi. Bốn, năm tuổi nhưng anh em Nghĩa đã biết phụ cha kiếm tiền bằng việc đứng các quầy trò chơi của hội chợ. Rồi khi hội chợ tàn vào khuya, hai anh em nhặt những vỏ lon nước uống người ta vứt lại bán ve chai.
Một hôm, chẳng hiểu bằng cách nào bà ngoại tìm đến đúng gánh hội chợ nơi cha con Nghĩa đang ở đó. Trong một lần “dụ” hai cháu đi mua quà, bà ngoại đã lén đưa anh em Nghĩa bỏ trốn về Sài Gòn. Lúc này mẹ Nghĩa đã có gia đình mới sống ở An Giang. Hai anh em được làm giấy khai sinh, học chung lớp.
Bỏ hai con thơ không đành lòng, người mẹ đưa hai con về An Giang sống cùng. Nhưng cũng chỉ ở với mẹ được chừng hai năm, có bao nhiêu chuyện xảy ra nên hai anh em lại được đưa trở về Sài Gòn. Có lúc người mẹ lên TP thuê nhà trọ, bán cháo lòng nuôi con. Nhưng mẹ ở trên này cũng chẳng đặng đừng vì hai đứa em cùng mẹ khác cha với Nghĩa bơ vơ dưới quê. Mẹ lại tất tả quay về với em nhỏ. Những ngày tháng nhọc nhằn của anh em Nghĩa cũng bắt đầu dài thêm.
Tá túc hết nhà người thân này đến nhà người khác, hai đứa trẻ cứ như hai mầm sống trơ trụi lớn lên giữa mảnh đất khô cằn. Mấy người bà con thương nhưng ai cũng nghèo, ở dăm ba bữa thì không sao chứ sống hết ngày này qua tháng nọ thì khó khăn. “Có khi ở nhà cậu, có lúc sống với dì nhưng mỗi nhà chỉ vài tháng…”, Nghĩa bỏ lửng câu nói quay mặt đi.
“Có bao nhiêu đồ đạc hai anh em chất lên chiếc xe bán cháo của mẹ hồi trước đẩy ra đường mà không biết sẽ đi đâu”, Nghĩa nhớ lại. Đó là lần cuối cùng hai anh em rời khỏi nhà người bà con và không bao giờ quay lại. Hai đứa trẻ 11, 12 tuổi lang thang giữa đường. Chợt nhớ nhà trọ ngày trước, hai em tìm đến. Cũng may gặp người chủ tốt bụng cho hai anh em tá túc mà không lấy đồng nào suốt nửa năm sống tại đây.
Học để đổi thay số phận
Nhắc lại những tháng ngày đã qua, bà Đỗ Thị Bạch Phượng – mẹ Nghĩa – bật khóc: “Mình ở dưới quê cũng quá cực, đâu biết con chuyển ra ngoài ở trọ. Đến khi tìm đến chỗ con ở, nghe con kể cách mấy ngày lại đi bắt ốc bươu về kho ăn dần, lòng dạ người mẹ nào chịu được”.
“Nhiều hôm hết tiền, cả tháng hai anh em chỉ biết ăn mì gói cầm chừng”, Nghĩa kể. May có một anh ở trọ bên cạnh thương hoàn cảnh bảo lãnh với một chủ thầu xây dựng cho Nghĩa đi phụ hồ hai ngày cuối tuần. Nói là phụ hồ chứ thật ra sức vóc cậu bé 12 tuổi lấy đâu để làm công việc nặng nên Nghĩa chỉ làm việc vặt.
Lạ là giữa muôn vàn khốn khó như thế nhưng chưa một ngày anh em Nghĩa bỏ học. Nghĩa vừa hoàn thành kỳ thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với nguyện vọng vào lớp chuyên lý. Dù sức học không tệ nhưng Nghĩa nói “không tự tin lắm vì nhiều bạn ở nội thành học siêu quá”. Cũng phải thôi vì chưa bao giờ Nghĩa biết học thêm hay luyện thi là gì.
“Em đã cố gắng hết mình cho kỳ thi, dù thế nào cũng phải học, có vậy mới thay đổi được đời mình và thực hiện những điều mình muốn”, Nghĩa thổ lộ.
Và cũng là học thay cho người em gái đã ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông hồi trước tết. Nghĩa nhìn lên bàn thờ em gái, đưa tay quệt nước mắt: “Tụi em lớn lên như trẻ mồ côi, lúc khó khăn nhất đều có nhau, vậy mà đến lúc bớt khổ thì em chưa được hưởng mấy ngày lại ra đi”.
Nghĩa nói đời mình vậy mà nhiều may mắn vì toàn gặp người tốt. Suốt bốn năm học qua, nhà trường đều miễn học phí cho hai anh em. Nhiều thầy cô biết rõ câu chuyện cuộc đời của Nghĩa đã âm thầm tìm mọi cách để giúp. Chiếc xe đạp mới cũng chính là quà tặng của các thầy cô năm cuối cấp II mới đây.
Bạn tự nhận mình vốn không có tuổi thơ, và đường học vẫn lắm chông gai vì công việc của mẹ cũng bấp bênh. Nhưng dẫu nhọc nhằn thì phía trước vẫn luôn là con đường đầy hi vọng.
QUỐC LINH / Tuoi Tre
Bình luận (0)