Muốn hoạt động dạy học được tiến hành hiệu quả thì người giáo viên phải hiểu tâm hồn HS. Ảnh: A.Khôi |
Những năm gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn. Chuyện học trò đánh nhau đã trở nên “quen thuộc” trên các trang mạng, clip; cá biệt có những vụ trò đánh thầy gây bức xúc trong xã hội… và cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này.
1. Chuyện trò đánh thầy như là một hiện tượng vô đạo, đó cũng như sự cảnh báo tình trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng của một bộ phận học sinh, sinh viên (HS-SV) hiện nay. Phải chăng, điều đáng báo động là tính chất mức độ phạm tội của các vụ việc ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, trái với luân thường đạo lý của dân tộc…
Sự kiện gần đây nhất là SV Tạ Quang Nghĩa (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đánh thầy O. đến bất tỉnh với âm mưu cướp của (Nghĩa mang gậy sắt cất vào túi xách, sau đó núp trong nhà vệ sinh, đợi thầy O. vào rồi bất ngờ xông ra đánh liên tiếp vào đầu…). Xét về mặt luật pháp, đương nhiên Tạ Quang Nghĩa phải chịu hình phạt của các cơ quan chức năng, phạm tội đến đâu xét xử đến đó. Song, nếu chỉ giải quyết vấn đề trên bằng pháp lý thì chỉ là cách giải quyết trực tiếp mà chưa phải gốc rễ. Điều quan trọng là cần phải có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bền vững ngay từ gốc của vấn đề.
2. Tìm hiểu các vụ BLHĐ, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa từ gia đình, cũng có ý kiến cho rằng chủ yếu là từ môi trường xã hội. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy những vụ BLHĐ gần đây lại mang “đậm” dấu ấn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thầy – trò. Phải chăng vấn đề đặt ra là việc giải quyết mối quan hệ thầy trò còn nhiều lỗ hổng? GS.VS Phạm Minh Hạc đã nói: “Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức”. Vì vậy, theo tôi, cần chú ý một số điểm sau:
Quá trình dạy học cần đặt vị trí của giáo viên vào vị trí người học. Muốn tiến hành hoạt động dạy học hiệu quả thì điều đầu tiên phải hiểu được đời sống tâm hồn học trò. Điều này luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này không ít giáo viên còn xem nhẹ. Mỗi HS-SV là một thế giới riêng với những đặc điểm về nhận thức, sở trường, nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình… Hiểu HS-SV, khám phá đời sống các em để biết được các em đang có những khó khăn gì, vấn đề gì bức xúc chưa được giải quyết… từ đó người dạy sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần vững chắc để các em có thể vượt qua. Những vụ HS-SV đánh thầy trong thời gian qua còn có nhiều lý do, trong đó có việc giáo viên cho điểm thấp phải thi lại, giáo viên ghi tên khi điểm danh vắng mặt… Song, nếu như mỗi giáo viên có sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên chia sẻ với các em mà đặc biệt là “những em cá biệt” dựa trên nguyên tắc: “Tôn trọng và yêu cầu cao” thì chắc chắn những quy định khắt khe làm cho người học biết chấp nhận và quyết tâm vượt qua. Ở đây, chúng ta không thể cứng nhắc để xử lý vấn đề. Tôi còn nhớ câu chuyện ngày học lớp 10 khi cô giáo dạy môn toán cho một bạn điểm 0 trong lần kiểm tra 15 phút, nhưng đến giờ cô vẫn ân hận vì cô không hề biết được trước đó 5 ngày mẹ bạn đã mất vì một tai nạn giao thông.
3. Mỗi nhà giáo là một nhân cách, là những tấm gương sáng để người học rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát triển các phẩm chất nhân cách cần thiết. Muốn vậy, trước hết bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, luôn phải làm “kiểu mẫu” về mọi mặt, có như vậy thì mới có tác dụng giáo dục. Hơn nữa, phải lấy nguyên tắc phát triển để tạo điều kiện cho các em có cơ hội khắc phục và hoàn thiện bản thân, những “vết đen” làm cho con người bị xã hội coi khinh tại thời điểm đó nhưng họ sẽ trở thành những người tốt nếu như họ có cơ hội được khắc phục sửa chữa. Như Bác Hồ đã dạy: “Con người ai cũng có mặt tốt, mặt chưa tốt. Giáo dục phải làm cho cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân và cái xấu bị mất dần đi. Đó là thái độ của người Cộng sản”.
Tất nhiên, không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề trong nhà trường mà phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay tạo điều kiện tốt nhất để quan hệ thầy trò thực sự bền vững.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống của dân tộc, chúng ta – mỗi nhà giáo cần phải suy nghĩ rằng “không có HS hư mà chỉ có nhà giáo chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nói đến đạo trò thì trước hết phải rèn đạo thầy.
Nguyễn Văn Công
(giảng viên tâm lý học, ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)