Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trống đồng viên ngọc quý của dân tộc Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2024, kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn. Đây là một trong những nền văn hóa cổ xưa rực rỡ, góp phần hình thành nên Nhà nước sơ khai của Việt Nam. Trong đó, hiện vật tiêu biểu, không thể thiếu là trống đồng Đông Sơn.


Tác giả bên trống đồng xưa tại Bảo tàng TP.HCM

Trống đồng là di vật độc đáo của dân tộc Việt, nó không chỉ là sản phẩm đạt tới trình độ hoàn hảo tinh xảo của kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí hoa văn mà còn là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp. Những họa tiết sinh động trên mặt trống có giá trị như một bộ sử bằng hình ảnh, phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu và các hình thức sinh hoạt văn hóa của người Việt cổ, xứng đáng là quốc bảo, là  kỳ thư của dân tộc Việt.

Trống đồng – âm vang nguồn cội

Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì tiếng trống đồng lại vang lên nhắc nhở toàn dân Việt Nam nhớ về cội nguồn dân tộc. Ai đến trụ sở Liên hiệp quốc cũng được chiêm ngưỡng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ để hình dung về dân tộc Việt Nam không chỉ độc đáo về tinh thần anh hùng bất khuất, mà còn độc đáo bởi một nền văn hóa cổ truyền rực rỡ.

Lần theo sử cũ, thư tịch đã ghi lại rằng: sau khi đi sứ Việt Nam năm 1292, tức là sau vài năm cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của ta kết thúc, thì sứ thần nhà Nguyên là Trần Cương Trung đã phải thốt lên những câu run sợ trước sức mạnh Đại Việt mỗi khi chợt nghe tiếng trống đồng giữa kinh đô Thăng Long: “Kim qua ảnh lý đan tâm khổ, Đồng cổ thanh trung, bạch phát sinh”, tạm dịch: “Nhác thấy bóng gươm, lòng run sợ/ Nghe trống đồng rung, tóc bạc phơ”! Còn nhớ, lễ mừng chiến thắng chống Minh do vua Lê tổ chức ở Lam Kinh, bên điệu múa khúc ca “Bình Ngô phá trận”, vẫn rộn vang tiếng trống đồng truyền thống hoan ca.

Trống Đồng ở nước ta, thời xưa cũng được các vua thời xưa xem trọng. Sách Việt sử thông giám cương mục còn chép lại: Vua Lê Nhân Tông đến Lam Kinh. Nhân ngày rằm, vua cùng các quan đi thăm Sơn Lăng, cùng nhau đánh trống đồng, tấu đại nhạc. Không chỉ vậy, trống đồng cũng được thần thánh hóa trong tâm linh người Việt. Một số làng quê thờ trống đồng như một “Thành Hoàng làng” rất linh thiêng và cổ kính.

Trống đồng xuất hiện vào thời đại kim khí, cách nay khoảng 4.000 năm và có mặt hầu khắp ở các nước Đông Nam Á. Chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện từ trong lòng đất ở xã Như Trác, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam vào khoảng năm 1893-1894, cách nay khoảng 130 năm. Lúc đó, những người dân làng xã Ngọc Lũ đắp đê Trần Thủy ở xã Như Trác thuộc hữu ngạn sông Hồng, khi đào xuống độ sâu 2m, thì họ phát hiện trống đồng, và họ mang trống về đình làng Ngọc Lũ, vì vậy trống mang tên trống đồng Ngọc Lũ.


Hình ảnh trống đồng trên tem Việt

Tuy ra đời khá lâu, nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các học giả phương Tây mới tập trung vào nghiên cứu các hiện vật cổ đại độc đáo của xứ sở Viễn Đông mà nổi bật nhất là trống đồng. Trong số đó phải kể đến Bảng phân loại trống đồng của nhà khoa học F.Heger, được trình bày trong tác phẩm “Những trống kim loại cổ đại ở Đông Nam Á”, xuất bản năm 1902. Theo học giả người Áo này, trống đồng được phân làm 4 loại. Ở nước ta, tính đến nay đã có hơn hàng trăm chiếc trống đồng lớn, nhỏ, phần nhiều là trống đồng Heger loại I (là loại trống cổ nhất, đẹp nhất thuộc cỡ lớn, là những chiếc trống hài hòa về kiểu dáng, phong phú về hoa văn). Trong số đấy, nổi bật nhất là trống đồng Đông Sơn đánh dấu một thời kỳ văn hóa rực rỡ của dân tộc Việt thời sơ sử.

Trống đồng – kỳ thư của dân tộc

Chức năng chính của trống đồng, biểu hiện tập trung nhất và rực rỡ nhất, đó chính là loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Trống là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ lâu đời của nhân loại, nhưng không đâu có loại trống được làm bằng chất liệu đồng như ở nước ta. Tuy trống được đúc bằng hợp kim đồng thau cả thân lẫn mặt trống nhưng vẫn có tác dụng màn rung làm phát ra âm thanh trầm hùng. Trống đóng vai trò là trống chủ “điểm nhịp” cho các loại nhạc cụ khác hòa theo. Trong các lễ hội, tiếng trống vang lên rộn ràng như dồn dập diễn lại hào khí của những trận đánh, những chiến công oai hùng của công xã…

Trống đồng quả thật là một “kỳ thư” mà ý tưởng của nó đã được khắc trên đồng, để có thể tồn tại vĩnh viễn. Nó là một sản phẩm lao động, một nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ, rất xứng đáng là quốc bảo biểu trưng của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới.

Có thể nói, nếu tìm đến một ngôn ngữ của trống đồng thì kho từ vựng của nó chính là các hoa văn và họa tiết trang trí trên trống. Kho tàng chủ yếu của từ vựng này là các hình người, động vật, cảnh sinh hoạt… được khắc họa với một phong cách độc đáo, rất ấn tượng và nghệ thuật. Bởi lẽ, thông qua hình ảnh, hoa văn, họa tiết trên mặt, thân trống, giúp ta giải mã rất nhiều điều quan trọng của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa đương thời, hay nói cách khác “hơi thở của cuộc sống” đã ánh xạ vào trống đồng. Nó minh chứng hùng hồn cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Những đường nét điêu khắc vừa phức tạp với nhiều mô tuýp, nhiều đồ án khác nhau, vừa phong phú bởi số lượng chi tiết hoa văn hàng ngàn mẫu trên mặt trống, vừa tinh tế vì đường nét tinh vi, sắc sảo. Điều đó, không chỉ biểu hiện trình độ kỹ thuật cao, mà đằng sau nó là cả một kho tàng thông tin quý giá, phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống của cư dân người Việt cổ bằng nghệ thuật tạo hình. Ở đó, người ta tìm thấy đủ loại hình có liên quan đến cuộc sống của họ: mặt trời, chim muông, nhà cửa, thuyền bè, tín ngưỡng phồn thực… Gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu mang lại nhiều thú vị mới, các nhà khoa học xem trống đồng như là một tài liệu triết học, là bản thông điệp của tổ tiên từ ngàn xưa đưa ra những nguyên lý cho cuộc sống dân Việt ngàn đời sau. Những mô tuýp trên mặt trống phản ánh của một đặc điểm tư duy trong sự nhận thức về thế giới của người Đông Sơn, thường được gọi là tư duy lưỡng phân – lưỡng hợp. Loại tư duy này tồn tại lâu dài, tạo thành đặc điểm khá nổi bật trong văn hóa nhận thức của cư dân cổ đại và sẽ là nền tảng của triết lý âm dương in dấu đậm nét trong nhiều lĩnh vực văn hóa truyền thống Việt Nam sau này. Ví như, trên trống đồng Phú Thọ, phần lớn  đều có hình cóc, liên quan đến tín ngưỡng cổ xưa, cầu mong mùa màng sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Bình luận (0)