Hơn 150 ngày TP.HCM trải qua cuộc chiến gian lao với đại dịch Covid-19 của năm 2021 sẽ còn đọng lại mãi nhiều cung bậc cảm xúc. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân TP và của cả nước, TP.HCM đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM
Nhân dịp năm mới, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã dành cho Tạp chí Giáo dục TP.HCM cuộc trò chuyện về những ngày tháng vừa qua cũng như những dự tính cho thời gian tới của TP.
+ Phóng viên: Thưa ông, năm 2021 trước tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, TP.HCM đã vượt qua như thế nào?
– Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Cuối tháng 4, dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta nguy hiểm đã lan đến TP, tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Được sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và chi viện của Trung ương, các tỉnh thành bạn, sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, TP.HCM đã vượt qua những khó khăn chưa từng có, từng bước kiểm soát được dịch bệnh.
TP triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ứng phó phòng, chống dịch với phương châm “5 tại chỗ”, tập trung vào các giải pháp: truyền thông, vận động, giám sát phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức điều trị hiệu quả. Và cao điểm là tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Với quyết tâm chiến thắng đại dịch, tất cả các lực lượng của hệ thống chính trị đều không quản ngại gian khó, nguy hiểm, dũng cảm xông pha trên mọi mặt trận. Trong đó, lực lượng tuyến đầu với hàng ngàn y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã ngày đêm lăn xả trong tâm dịch, tận tâm, tận lực chăm lo cho nhân dân. Họ đã sát cánh bên nhau chiến đấu kiên cường, bằng cả lương tâm, trách nhiệm, sự hy sinh vì sức khỏe nhân dân, dẫu có những lúc cơm ăn không kịp, giấc ngủ không tròn… Hình ảnh những dân quân, bộ đội chăm lo sức khỏe và sự bình an cho nhân dân trong vùng tâm dịch rất đỗi thân thương. Các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện đều giống nhau trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức nhưng vẫn luôn nỗ lực để cùng người dân TP vượt qua mọi khó khăn.
Dịch bệnh bùng phát, nhu cầu cần hỗ trợ của người dân về mọi mặt là rất lớn. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, TP đã đã chủ động, nỗ lực ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch. Nổi bật với 3 gói hỗ trợ, lần lượt ngày 25-6, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 09 với mức chi 886 tỷ đồng; sau đó, gói hỗ trợ thứ hai tiếp tục được triển khai với hơn 900 tỷ đồng; đến ngày 22-9, HDND TP tiếp tục ban hành Nghị quyết 97 cho gói hỗ trợ thứ ba với mức chi hơn 7.300 tỷ đồng.
Cùng với đó, hàng triệu túi quà, gói an sinh được khẩn trương triển khai đưa đến người dân cho đến khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới. Công tác bao phủ vắc-xin toàn dân, triển khai các trạm y tế lưu động và tổ y tế cộng đồng; tiến hành điều trị người nhiễm Covid-19 tại nơi lưu trú… được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Nhưng, trong những thời khắc khó khăn nhất, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và nhân ái, nghĩa tình càng được tỏa sáng. Cùng với sự chia sẻ về tinh thần, sức người, TP đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước… với hàng ngàn tỷ đồng gồm tiền mặt, hàng hóa, vật tư y tế, kinh phí mua vắc-xin… Đây là nguồn lực quan trọng để TP đầu tư thêm cho hệ thống y tế, chăm lo an sinh xã hội, từng bước kiểm soát được đại dịch, giúp TP sớm khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, bước vào thời kỳ bình thường mới.
Đến nay, những tháng ngày căng thẳng và khó khăn nhất đã qua, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Kể từ ngày 1-10-2021, số ca tử vong mỗi ngày giảm xuống còn 2 con số. Số ca mắc mới, số ca nặng cũng giảm so với thời điểm dịch bùng phát mạnh… TP đã bước vào trạng thái bình thường mới trên nhiều phương diện.
+ Hơn 150 ngày đêm gian truân căng mình chống dịch đã để lại cho TP những bài học gì, thưa ông?
Nói như lời đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: “Trong đại dịch khó khăn, thách thức cho thấy rõ phẩm chất tốt đẹp, tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao của nhiều cán bộ, công chức TP. Đồng thời cũng nhận thấy rõ hạn chế, yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong bộ máy mà điều kiện bình thường khó thấy”.
Song, nhìn lại công tác phòng, chống dịch trong những thời điểm đầy cam go đó, rất nhiều bài học có tính giá trị rất ý nghĩa, sinh động từ thực tiễn đã được rút ra trên tất cả các mặt công tác.
Điển hình trên mặt trận kinh tế, với phương châm “trong nguy nan luôn luôn có cơ hội”, song song công tác phòng, chống dịch, TP kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu theo kế hoạch năm 2021.
Trong điều kiện dịch bệnh nhưng một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng 11-15%, đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,3% so cùng kỳ (371.384 tỷ đồng).
Trên mặt trận tuyên giáo, việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của ban chỉ đạo 35 các cấp trong định hướng thông tin, tổ chức tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác và xử lý các đối tượng phát tán quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội là hết sức quan trọng. Qua đó góp phần củng cố tư tưởng; ổn định tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng, bức xúc, tăng cường đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP trong suốt thời gian qua.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tập trung tuyên truyền thể hiện rõ vai trò, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, y bác sĩ và các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đã phối hợp tổ chức cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Qua đó, kịp thời ghi nhận và lan tỏa những câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp của tập thể, tổ chức, cá nhân trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng đồng hành, tích cực tham gia phòng, chống và vượt qua đại dịch Covid-19.
Một trong những hoạt động truyền thông nổi bật phải kể đến Chương trình “Dân hỏi – TP trả lời”. Đây là chương trình đối thoại đầu tiên của chính quyền cấp TP với người dân trên nền tảng mạng xã hội, kết nối giữa chính quyền với nhân dân, thể hiện tính trách nhiệm và tinh thần cầu thị, tiên phong trong cách làm, mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân của chính quyền TP. Chương trình cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật.
+ Từ các kinh nghiệm, bài học đã qua, xin ông chia sẻ về sự chuẩn bị cho “đường dài” tới đây?
“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” là chủ đề năm 2022 mà TP xác định.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2021, ông Phan Nguyễn Như Khuê đại diện lãnh đạo thành phố thăm nhà giáo Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Theo đó, TP xác định kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp, khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.
TP đề ra 19 chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp có tính cấp bách về phòng chống dịch; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; phát triển văn hóa – xã hội; đảm bảo an sinh xã hội… Trong đó, TP phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6-6,5%.
Với việc đưa tốc độ tăng trưởng GRDP 6-6,5% vào năm 2022 thật sự nhiều thách thức, khó khăn vì TP vừa trải qua nhiều tổn thất bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, như đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đây là mục tiêu chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin để đạt được. “Cơ sở và niềm tin trước hết là sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của đồng bào TP, giới khoa học, công nghệ, doanh nhân đã được thử thách, tăng cường qua đại dịch. Chúng ta có niềm tin khi mối quan hệ chia sẻ từ bộ ngành, các địa phương được tăng cường; mối quan hệ bên trong TP cấp trên cấp dưới, các quận huyện, ban ngành đã tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, gắn kết quả công tác phòng chống dịch”.
Có thể thấy, năm 2022 dịch bệnh còn diễn biến khó lường, TP còn đối diện với những khó khăn trên nhiều mặt. Nhưng với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của TP, với lực lượng doanh nghiệp chiếm gần 40% cả nước, với hạ tầng kinh tế sẵn có của một trung tâm kinh tế lớn, sự quyết tâm và khát vọng vươn lên, niềm tự hào của công dân TP.HCM – TP anh hùng luôn cùng cả nước, vì cả nước, tôi tin có được sự đồng thuận của nhân dân, sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, thì chắc chắn kinh tế TP sẽ phục hồi và phát triển với một vị thế mới!
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Trinh (thực hiện)
Bình luận (0)